PGS Phạm Văn Quang cho rằng thời điểm hiện tại khi nhóm trẻ từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vắc xin COVID-19 mà quay trở lại trường là mạo hiểm.

TP.HCM: Nhiều phụ huynh chưa muốn trẻ đến trường vào tháng 1/2022

TP.HCM: Nhiều phụ huynh chưa muốn trẻ đến trường vào tháng 1/2022

Phần lớn phụ huynh tại khu vực TP.HCM không muốn cho trẻ đến trường vào tháng 1/2022 do đây là thời điểm tương đối lỡ cỡ, có thể gây xáo trộn học tập của học...

Bác sĩ CKII Đỗ Châu Việt - trưởng khoa nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM - cho biết đây chưa phải là thời điểm thích hợp để học sinh tiểu học quay trở lại trường. Trước mắt cần có khoảng thời gian theo dõi, đánh giá đầy đủ khi các học sinh cấp 2 và cấp 3 đã đi học hết.

Thời gian đánh giá này có thể kéo dài từ 2 tuần đến 1 tháng, trong thời gian này nhóm tiểu học phải chích ngừa vắc xin đầy đủ và tối thiểu là 2 tuần trở lên thì mới đi học. Việc chích ngừa cho trẻ làm giảm khả năng chuyển nặng, các cơ sở y tế cũng phải sẵn sàng tiếp nhận những trẻ mắc bệnh để điều trị kịp thời.

"Trẻ càng nhỏ tuổi thì khi mắc COVID-19 càng nhẹ, trừ những trường hợp bệnh nền hoặc béo phì (BMI trên 30) nhưng sẽ lây cho người thuộc nhóm nguy cơ ở nhà. Nếu bảo vệ được những người thuộc nhóm nguy cơ, cho học sinh tiểu học đến trường sẽ an tâm hơn" - bác sĩ Việt nói.

Bác sĩ Việt lưu ý thêm, trong tình hình mới chúng ta phải chấp nhận trẻ có nguy cơ mắc COVID-19, cần phải xác định rõ những trẻ có bệnh lý nền để kịp thời điều trị. Đặc biệt là việc tiêm vắc xin cho nhóm trẻ này rất cần thiết, để làm giảm khả năng chuyển nặng và nguy cơ.

Bác sĩ Tống Hồ Tứ Phương - Bệnh viện Nhi đồng TP, phụ trách Bệnh viện dã chiến số 4 trước đó - cho rằng phương án tốt nhất để học sinh tiểu học quay trở lại trường là tỉ lệ tiêm vắc xin mũi 3 ở người lớn đạt tỉ lệ cao.

Tiếp đến, nếu nhóm trẻ từ 5-12 tuổi được tiêm vắc xin trước khi đi học sẽ giảm được yếu tố nguy cơ, khả năng chuyển nặng, đặc biệt là nhóm trẻ mắc bệnh lý nền, béo phì cần phải cẩn trọng hơn.

 

Học sinh tiểu học trở lại trường: Chuyên gia y tế nói gì? - Ảnh 1

Học sinh xã đảo Thạnh An, Cần Giờ đến học trực tiếp tại trường

Bác sĩ Phương cho biết đối với những trẻ khỏe mạnh, phát triển bình thường, tỉ lệ trẻ mắc COVID-19 chuyển nặng không nhiều. Thêm nữa, thời gian trẻ ở nhà đã quá lâu, khi độ phủ vắc xin mũi 3 đã cao có thể cho trẻ đi học được.

Khi đó các bậc phụ huynh phải chú ý đến nhóm trẻ nguy cơ, cần cẩn trọng hơn nên chấp nhận và coi COVID-19 như một bệnh truyền nhiễm thông thường.

PGS Phạm Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM - cho rằng thời điểm hiện tại khi nhóm trẻ từ 5-11 tuổi chưa được tiêm vắc xin mà quay trở lại trường là mạo hiểm. Theo đó, yếu tố quan trọng nhất đối với học sinh tiểu học nếu muốn quay trở lại trường là tiêm vắc xin và thời gian tối thiểu là 2 tuần sau khi tiêm.

Khi quay trở lại trường không chỉ riêng các bé được tiêm vắc xin mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phụ huynh, nhà trường. Nhà trường phải thực hiện đúng các quy trình phòng chống lây nhiễm cho trẻ, đảm bảo thực hiện 5K, và sắp xếp được các lịch học trực tuyến và trực tiếp cho phù hợp.

"Từ đây tới Tết âm lịch, chúng ta vẫn không nên cho trẻ đến trường vì trẻ chưa được tiêm vắc xin. Hơn nữa, đây là thời gian TP tập trung phủ vắc xin mũi 3 cho người lớn, khi tỉ lệ này cao sẽ hạn chế được khả năng lây nhiễm cho trẻ. Do đó ít nhất sau Tết chúng ta mới tính toán phương án cho trẻ đi học lại", bác sĩ Quang chia sẻ.

Lãnh đạo nhà trường nói gì trước đề xuất cho học sinh học trực tiếp vào 3/1 của TP.HCM?

Trẻ mầm non sẽ học trực tiếp tại trường như thế nào?

Theo Tuổi Trẻ