Phần lớn phụ huynh tại khu vực TP.HCM không muốn cho trẻ đến trường vào tháng 1/2022 do đây là thời điểm tương đối lỡ cỡ, có thể gây xáo trộn học tập của học sinh.
Nhận được phiếu khảo sát về việc cho con đi học lại từ 3/1/2022, chị Trần Thị Huyền, phụ huynh lớp 2 Tiểu học Trần Thị Bưởi (TP Thủ Đức) đắn đo rồi chọn không đồng ý. Chị Huyền đưa ra ba lý do.
Thứ nhất, việc học online đã dần ổn định. Học kỳ I sẽ kết thúc trước 22/1. Do đó, ngày 3/1 là thời điểm lỡ cỡ để học trực tiếp, gây xáo trộn học tập của học sinh.
Thứ hai, kỳ II sẽ diễn ra từ 24/1 (22 tháng Chạp), trùng với thời điểm bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Hiện nhiều phụ huynh TP HCM đã mua vé tàu xe, máy bay về quê đón Tết. "Học sinh cấp một còn nhỏ nên cha mẹ muốn đưa con về quê sớm hơn, tránh đông người dịp cận Tết. Nếu ở lại học, kế hoạch này phải hoãn, nhiều người phải đổi trả vé, rất mệt mỏi", chị Huyền cho biết.
Cuối cùng, chị chưa muốn con đi học bởi nỗi lo dịch bệnh COVID-19, khi số ca nhiễm cộng đồng đang ở mức cao, biến chủng mới xuất hiện ở nhiều nước. Trong bối cảnh đó, học sinh tiểu học chưa tiêm vaccine, ý thức phòng bệnh kém.
Học sinh xã đảo Thạnh An, Cần Giờ đến trường học trực tiếp
Hơn 60% phụ huynh trong lớp con chị Huyền cũng đồng quan điểm và lựa chọn không đồng ý.
Anh Trần Quốc Hùng, phụ huynh lớp 1 một trường tiểu học ở quận Phú Nhuận cũng không cho con đi học từ 3/1. Ngoài lý do dịch bệnh, anh cho rằng học 1-2 tuần trước kỳ nghỉ Tết là không cần thiết.
"Tôi đồng ý cho con học trực tiếp, nhưng nên từ trung tuần tháng 2/2022. Học kỳ II có thể điều chỉnh muộn lại, cho các con được nghỉ ngơi nhiều hơn sau một học kỳ online kéo dài", anh Hùng nói.
Tính đến chiều 27/12, nhiều trường tiểu học đã hoàn thành khảo sát ý kiến phụ huynh ở tất cả các khối. Tỷ lệ đồng thuận đi học lại từ 3/1 chỉ ở mức 30-40%.
Tại Tiểu học Võ Văn Tần (quận 6), 389 trong tổng số 910 phụ huynh đồng ý, chiếm khoảng 42%. Ở Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (quận 1), con số dao động 21-31% tùy từng khối lớp. Tỷ lệ đồng thuận trung bình ở Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) là hơn 38%.
Hiệu phó một trường tiểu học nội thành cho biết, dù phần lớn phụ huynh chưa yên tâm, "nhà trường vẫn chuẩn bị tất cả phương án, kế hoạch nếu phải mở cửa từ 3/1".
Theo đề xuất của phần lớn Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, sau ngày 3/1, học sinh khối 7, 8, 10, 11 sẽ học trực tiếp cùng khối 9 và 12; bậc tiểu học chưa được đề cập. Riêng quận 8 - nơi tỷ lệ phụ huynh tiểu học đồng thuận là 37,8% - đề xuất cho cả học sinh cấp này trở lại trường.
Ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 8 cho biết, thời gian này, dịch vẫn đang căng thẳng, nhưng hầu hết các trường tiểu học trong quận đảm bảo tiêu chí an toàn chống dịch. Các phương án xử lý sự cố cũng được tập huấn kỹ lưỡng cho cán bộ, giáo viên.
Dẫn các bài báo, nghiên cứu y khoa, ông Dân cho rằng, học sinh nếu nhiễm bệnh chỉ mang dấu hiệu nhẹ, mau khỏi. Việc ở nhà học online quá lâu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ tinh thần của trẻ. Chưa kể, nhiều phụ huynh phải đi làm không có thời gian trông coi, giám sát con. Việc này làm phát sinh các nhóm giữ trẻ "chui" - vốn không an toàn và khó kiểm soát dịch bệnh so với trường học.
"Thời gian đầu mở cửa, phụ huynh có thể còn e ngại, muốn nghe ngóng thêm. Sau một thời gian, nếu trường tổ chức tốt các biện pháp đảm bảo an toàn, phụ huynh sẽ yên tâm hơn để đưa con đến trường", ông Dân nhận định.
Chiều nay, các quận, huyện sẽ họp với Sở Giáo dục và Đào tạo, sơ kết hai tuần thí điểm học trực tiếp cho khối 9 và 12. Từ cơ sở này, UBND TP HCM sẽ quyết định lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp với các khối lớp khác.
> Nên có họp phụ huynh trước khi lấy khảo sát về việc cho học sinh học trực tiếp
> Sau 2 tuần thí điểm học trực tiếp, học sinh TP.HCM sẽ trở lại trường như thế nào?
Theo VnExpress