UBND TP.HCM sẽ quyết định lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp sắp tới với các khối lớp khác. Riêng khối 9 và 12, học sinh vẫn đến trường học sau ngày 25/12.
1. Xem xét mở rộng đối tượng học trực tiếp
Ngày 23/12, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đề nghị UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện báo cáo kết quả tổ chức học tập trực tiếp 13-25/12. Nội dung gồm tình hình dạy học trực tiếp lớp 9 và 12; số liệu về F0, F1 phát hiện khi học trực tiếp; công tác chuyên môn dạy và học; những thuận lợi, khó khăn gặp phải; kiến nghị, đề xuất về lộ trình thực hiện trong giai đoạn tiếp theo, từ 3/1/2022.
Từ cơ sở này, UBND TP HCM sẽ quyết định lộ trình tổ chức dạy học trực tiếp sắp tới với các khối lớp khác. Riêng khối 9 và 12, học sinh vẫn đến trường học sau ngày 25/12.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tỷ lệ học sinh khối 9 và 12 học trực tiếp đến chiều 23/12 là 96%, cao hơn con số phụ huynh đồng ý ban đầu (khoảng 80%). Ít nhất 34 F0 là giáo viên, học sinh được ghi nhận tại trường, tất cả được xử lý theo đúng quy trình, không làm xáo trộn việc học.
Ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết, Sở đang lấy ý kiến phụ huynh các khối nhằm nắm bắt sự đồng thuận của cha mẹ cho trẻ đến trường.
Tuần sau, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Sở Y tế, các quận, huyện sơ kết hai tuần thí điểm dạy trực tiếp, đề xuất UBND TP HCM phương án dạy trực tiếp.
Học sinh TP.HCM trong ngày đầu trở lại trường học trực tiếp (Ảnh: Vietnamnet)
XEM THÊM: TP.HCM có trường bắt đầu thí điểm tổ chức lớp học bán trú
2. Học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn khi học trực tiếp
Sau gần 2 tuần học sinh lớp 12 đến trường, thầy Lê Văn Phước, Hiệu trưởng trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh), cho biết việc học trực tiếp cần thiết cho học sinh. Học sinh được giao tiếp, trao đổi, chất lượng dạy học, tiếp thu kiến thức tốt hơn hẳn.
"Phụ huynh các khối khác cũng rất mong con được đi học lại. Trong tình hình này, chúng ta không thể lo sợ và trì hoãn mãi được", ông nói.
Thầy Phước cho biết trong gần 2 tuần học trực tiếp, trường ghi nhận 4 trường hợp học sinh F0, đa số được phát hiện ở nhà. Khi phát hiện con mắc Covid-19, phụ huynh thông báo cho nhà trường. Ngay lập tức, trường liên lạc cho phụ huynh những học sinh ngồi gần F0 và nhờ phụ huynh tự xét nghiệm nhanh cho con trước. Gia đình nào không có điều kiện, học sinh sẽ tới trường để được xét nghiệm.
Để an toàn, tùy trường hợp, trường THPT Võ Thị Sáu xét nghiệm nhanh cho học sinh F1 2-3 lần trong những ngày sau. Do đó, chi phí xét nghiệm cho học sinh là không nhỏ.
Hiệu trưởng nhà trường cho rằng về lâu dài, khi khối 10 và 11 đi học lại, vấn đề chi phí xét nghiệm cho F1 là điều khiến trường lo lắng. Trong 2 tuần qua, nhà trường đã tự mua sắm que xét nghiệm nhanh Covid-19, số tiền này gần 10 triệu đồng.
"Chúng tôi được biết sở giáo dục đã đề xuất UBND TP.HCM hỗ trợ que xét nghiệm nhanh cho các trường nên rất mong sẽ sớm nhận được hỗ trợ, đặc biệt khi học sinh các khối khác chuẩn bị đi học trực tiếp trong thời gian tới", thầy Phước nói.
Mặt khác, việc đảm bảo giãn cách khi cả 3 khối 10, 11, 12 đi học lại cũng là điều thầy Phước băn khoăn. Hiện nay, cả trường chỉ có khối 12 đến lớp, mỗi lớp được tách đôi để đảm bảo khoảng cách. Nhưng khi các khối khác cũng trở lại trường, số lượng phòng học không thể nào đáp ứng để tách lớp.
Cô Lê Thị Xuân Dung, Hiệu trưởng trường THPT Gò Vấp (quận Gò Vấp) thừa nhận chi phí mua que xét nghiệm nhanh Covid-19 và khoảng cách an toàn giữa các học sinh là vấn đề chung của nhiều trường khi các khối khác cùng đi học lại.
"Khi cả trường đồng loạt đi học lại, gần như chắc chắn chúng ta không thể nào thực hiện tách lớp. Hiện nay, việc tách lớp cũng phần nào gây mệt mỏi cho giáo viên và ảnh hưởng đến hiệu quả của tiết học. Về lâu dài, đây là vấn đề khó cho các trường", cô Dung cho hay.
Trong thời gian dạy học trực tiếp vừa qua, trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) có ghi nhận trường hợp F0 là học sinh. Nhờ đã phổ biến kỹ lưỡng những hướng dẫn xử lý F0 từ trước, các bộ phận trong trường đều phối hợp xử lý hiệu quả. Học sinh, phụ huynh không bị hoang mang.
Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định, cho biết nhờ vận dụng kinh nghiệm của những lần tổ chức dạy học trong dịch của năm trước, nhà trường phân chia khối lượng công việc ổn thỏa, không gây quá tải cho giáo viên khi phải tách lớp học.
Mỗi lớp học vẫn tách thành hai phòng, giáo viên dạy trực tiếp một bên và phát trực tiếp cho phòng còn lại bằng hệ thống dạy học trực tuyến của trường. Học sinh phát biểu, có ý kiến đều có thể trao đổi ngay tại chỗ qua hệ thống, giáo viên không cần đi qua lại giữa 2 phòng. Trường cử một số giáo viên khác hỗ trợ quản lý các phòng không có giáo viên. Sau một tuần, hai phòng học của một lớp được hoán đổi với nhau để đảm bảo công bằng cho học sinh.
Cô Vân cho rằng khi cả trường đi học đồng loạt, việc tách phòng có thể khó khăn. Do đó, nhà trường tính đến phương án chia ca cho 3 khối.
Học sinh tại xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) trong một giờ học trực tiếp
3. Cần sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp khác đi học trở lại
Tại buổi họp giao ban công tác triển khai các hoạt động về phòng chống dịch Covid-19 của ngành giáo dục mới đây, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng yêu cầu phòng GD&ĐT các quận, huyện và thành phố Thủ Đức cần sẵn sàng kế hoạch cho các khối lớp khác đi học trở lại.
Trong đó, các địa phương bắt đầu tính toán đến các yếu tố ảnh hưởng, nội dung đảm bảo các cơ sở còn lại được đưa vào hoạt động. Đối với những cơ sở chưa tổ chức dạy học trực tiếp, các địa phương tập trung hỗ trợ các trường này xây dựng kế hoạch an toàn phòng, chống dịch.
Ông Dũng yêu cầu các trường sẵn sàng trong tâm thế khi thành phố có quyết định, trường phải có kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai dạy học trực tiếp.
Hiện nhiều cơ sở giáo dục ở thành phố Thủ Đức, quận Củ Chi, Gò Vấp vẫn còn được trưng dụng phục vụ nhiệm vụ phòng, chống dịch. Ông Dương Trí Dũng đề nghị trưởng phòng GD&ĐT của 3 địa phương này có kế hoạch cụ thể, làm sao đảm bảo việc thu hồi các cơ sở giáo dục theo kế hoạch và tổ chức sửa chữa để sẵn sàng tổ chức dạy học trực tiếp trong thời gian tới.
Trước các tình huống phát sinh liên quan đến dịch Covid-19 khi học sinh trở lại trường, Phó giám đốc Dương Trí Dũng lưu ý từng quận huyện phải tiếp tục theo dõi hoạt động của các nhà trường, kịp thời tham mưu cho địa phương, có chỉ đạo điều chỉnh nếu có.
Các nhà trường phải thường xuyên đánh giá tình hình biến động học sinh khi đi học trở lại, xem xét từng lý do nghỉ học của học sinh, thường xuyên có trao đổi với y tế địa phương.
> TP.HCM: Linh động trong phương án tách lớp khi học trực tiếp
> TP.HCM: Phương án thi đánh giá học kỳ 1 của các trường THPT
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp