Cô Trương Thị Đẹp, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, cho biết nhà trường đã xây dựng phương án đón học sinh khối 7, 8 trở lại trường.
"Ở trường chúng tôi, tỉ lệ học lớp 9 đi học lại đạt gần 100%. Trong thời gian chờ quyết định của UBND TP, chúng tôi đã xây dựng phương án đón học sinh khối 7, 8 trở lại trường. Tinh thần là mỗi khối sẽ học 3 ngày/tuần, học suốt từ sáng đến chiều để hạn chế việc học sinh phải đi ra ngoài đường" - cô Trương Thị Đẹp, hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, quận Gò Vấp, cho biết.
Cô Đẹp nói thêm: "Để đáp ứng nhu cầu gửi con cả ngày ở trường của phụ huynh, ngay từ tuần đầu tiên khi học sinh lớp 9 đi học lại, Trường Nguyễn Du đã tổ chức cho học sinh ăn trưa và nghỉ trưa tại trường. Trước đây, học sinh lớp nào sẽ ăn trưa ngay tại lớp đó. Khi ngủ thì tách ra nam - nữ ngủ riêng.
Bây giờ, khi tổ chức bán trú, chúng tôi thực hiện theo quy định giãn cách. Học sinh của một lớp sẽ được bố trí ăn trưa tại 3 phòng, ngủ trưa tại 2 phòng. Đợt vừa qua đã có 310/590 học sinh lớp 9 đăng ký bán trú. Dự kiến, khi học sinh khối 7, 8 đi học lại chúng tôi cũng sẽ thực hiện như trên".
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thanh Trúc - hiệu trưởng Trường THPT Dương Văn Thì, TP Thủ Đức - thông tin: "Giáo viên chủ nhiệm các lớp đã thông báo cho phụ huynh khối 10, 11 về kế hoạch dạy học, kế hoạch phòng chống dịch trong trường khi học sinh khối 10, 11 đi học lại. Thời gian đầu, các em sẽ học trực tiếp 1 buổi/ngày, 3 buổi/tuần với một số môn nhiều tiết.
Còn một số môn ít tiết, học sinh vẫn học trực tuyến. Em nào không thể đến trường thì học ở nhà bằng cách kết nối với hệ thống máy của trường để nghe bài giảng được phát ra từ lớp học trực tiếp. Kết quả là 100% phụ huynh đồng tình với kế hoạch này".
Cô Trúc cũng chia sẻ: "Cơ sở vật chất, phòng ốc, phương án phòng chống dịch cũng như tâm thế của giáo viên, học sinh đều đã sẵn sàng cho ngày đi học trực tiếp. Vấn đề còn lại là quyết định của phụ huynh cho con đến trường hay học ở nhà mà thôi".
Học sinh TP.HCM đến học trực tiếp tại trường (Ảnh: VnExpress)
"Mấy hôm nay em thường xuyên đọc báo và mong chờ quyết định của UBND TP.HCM về việc cho học sinh đi học lại từ ngày 3-1-2022. Em và các bạn cùng lớp đang rất háo hức. Từ đầu năm học tới giờ em mới chỉ đến trường để tiêm vắc xin chứ chưa được đến trường để học tập. Về quy định 5K trong phòng chống dịch, em đã thuộc làu và đã từng thực hiện trong hai năm học trước nên cũng không bỡ ngỡ gì cả" - Thu Nguyệt, học sinh lớp 10 Trường THPT Lương Thế Vinh, quận 1, tâm sự.
Trong khi đó, cũng có phụ huynh tỏ ra lo lắng về tình hình dịch bệnh. "Con tôi cương quyết đòi đi học nhưng vợ chồng tôi thì muốn cháu ở nhà tiếp tục học online cho đến hết học kỳ I rồi tính tiếp. Tôi đã giải thích với con rằng dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Việt Nam cũng đã xuất hiện bệnh nhân nhiễm chủng mới của COVID-19. Vậy mà con tôi không nghe, cháu nói ở nhà học online rất chán và ức chế" - bà Nguyễn Thu Minh Uyên, phụ huynh có con học lớp 8 ở quận 3, kể.
Ông Vũ Hùng Thanh - phụ huynh ở quận 7, TP.HCM - đề xuất: "Kết quả khảo sát ý kiến phụ huynh về đi học trực tiếp ở lớp con tôi chỉ có hơn 50% phụ huynh đồng thuận. Tôi nghĩ học sinh vẫn chưa được 18 tuổi thì người quyết định cuối cùng vẫn là cha mẹ. Do đó, cần tổ chức dạy trực tiếp để đáp ứng nhu cầu bức thiết muốn cho con đến trường; tổ chức dạy trực tuyến để đáp ứng nhu cầu muốn cho con ở nhà để phòng tránh dịch bệnh của các phụ huynh khác. Không thể vì một số người không đồng tình mà ra quyết định cho học sinh cả trường hoặc cả quận, huyện không được đi học trực tiếp".
Thầy Trịnh Quốc Hùng - giáo viên môn hóa Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1 - cũng bày tỏ: "Thực tế trong hơn hai tuần qua cho thấy học sinh lớp 9, 12 rất vui vẻ, hạnh phúc khi được đến trường. Khi tâm lý thoải mái thì các em tiếp thu bài tốt hơn là điều đương nhiên. Việc các địa phương có quyết định mở rộng cho học sinh khối 7, 8, 10, 11 đến trường từ ngày 3-1 hay không, tôi nghĩ là nên tham khảo ý kiến của các nhà dịch tễ học.
Như trường tôi đang đóng trên địa bàn thuộc vùng xanh, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đều đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Thế thì nên cho các em đến trường để giải tỏa tâm lý cho các em khi phải ở nhà quá lâu. Chưa kể, việc đến trường còn giúp học sinh rèn luyện các kỹ năng mềm chứ không chỉ là kiến thức. Thời điểm này mà không cho các em đến trường thì chờ đến bao giờ...".
> TP.HCM: Nhiều phụ huynh chưa muốn trẻ đến trường vào tháng 1/2022
> Nên có họp phụ huynh trước khi lấy khảo sát về việc cho học sinh học trực tiếp
Theo Tuổi Trẻ