Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam khuyến khích các bạn sinh viên Việt Nam đi học tại Pháp thông qua hai chương trình học bổng lớn là chương trình học bổng chất lượng cao và chương trình học bổng đồng tài trợ.
Chương trình học bổng chất lượng cao
Chương trình học bổng chất lượng cao dành cho các sinh viên Việt Nam muốn theo học tại các trường đại học và trường lớn của Pháp ở hai bậc học: thạc sĩ năm thứ 2 và tiến sĩ.
Các lĩnh vực được ưu tiên của chương trình học bổng này là: Khoa học cơ bản; đào tạo kỹ sư; kinh tế và quản lý; luật và khoa học chính trị.
Với học bổng đồng tài trợ, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam hỗ trợ các chương trình học bổng của các cơ quan, công ty của Việt Nam và Pháp thông qua việc tài trợ các học bổng bảo hiểm xã hội (giúp sinh viên được hưởng quy chế dành cho những người được học bổng của chính phủ Pháp). Các cơ quan và công ty đối tác tài trợ tối thiểu trợ cấp sinh hoạt phí.
Đại sứ quán Pháp còn đồng tài trợ cho chương trình học bổng của Bộ GD&ĐT Việt Nam, của UBND thành phố Đà Nẵng và chương trình Mekong 1000.
Để tham khảo và chọn ngành học phù hợp có thể tìm hiểu các ngành học đại học tại trang web của CampusFrance. CampusFrance Vietnam - Trung tâm tư vấn du học Pháp là một Bộ phận của Đại sứ quán Pháp, cung cấp thông tin về các ngành học, yêu cầu của từng ngành và trình độ bắt buộc để được nhận học.
Giáo dục ĐH tại Pháp, có hai loại hình đào tạo ngắn hạn và dài hạn.
Lọai hình đào tạo ngắn hạn, trong hai năm sau khi tốt nghiệp trung học, có trong các chuyên ngành đào tạo về thương mại, công nghiệp và dịch vụ. Trong chương trình học thường có những đợt thực tập tại doanh nghiệp và cho phép sinh viên đi làm ngay sau khi tốt nghiệp. Các chương trình đào tạo này tổ chức tuyển chọn đầu vào rất gắt gao.
Những văn bằng được cấp sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo ngắn hạn: Bằng đại học công nghệ (D.U.T.): có 25 chuyên ngành trong lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, được giảng dạy tại 115 Viện đại học công nghệ và các trường đại học; Chứng chỉ kỹ thuật viên cao cấp (B.T.S.) được giảng dạy ở phân ban kỹ thuật viên cao cấp tại trường trung học. Có 106 chuyên ngành đào tạo trong các lĩnh vực du lịch, công nghiệp, y tế, nghệ thuật ứng dụng, quản lý và nông nghiệp.
Tại Pháp có hai hệ thống trường đào tạo đại học dài hạn: trường đại học và trường chuyên ngành.
Các trường đại học của Pháp là trường công. Đầu vào của các trường này là học sinh đã tốt nghiệp phổ trung trung học tại Pháp hoặc có bằng nước ngoài chứng nhận được vào học đại học tại nước cấp bằng. Các trường đại học của Pháp đón tiếp khoảng hơn 1,4 triệu sinh viên trong năm học 2009 - 2010, trong đó 14,8 % là sinh viên nước ngoài. Tại đây có các chương trình đào tạo cơ bản, đào tạo công nghệ hoặc đào tạo nghề.
Theo hệ thống tổ chức các bậc học ở châu Âu, các chuyên ngành đào tạo dài hạn được chia làm 3 cấp độ liên tiếp, cho phép cấp 3 văn bằng ở cấp quốc gia: bằng cử nhân, học trong 6 học kỳ ; bằng thạc sĩ, học tiếp sau bằng cử nhân và học trong 4 học kỳ; bằng tiến sĩ, học tiếp sau bằng thạc sỹ và học trong 6 học kỳ. Ở trình độ này sinh viên phải làm nghiên cứu và được cấp bằng tiến sĩ sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Các trường đại học chuyên ngành là các trường công hoặc tư có đầu vào được tuyển chọn, giảng dạy các chương trình đào tạo nghề chuyên biệt, ví dụ như trong các lĩnh vực thuộc về đào tạo kỹ sư, kiến trúc, thương mại và quản lý, biên dịch, phiên dịch và báo chí.
Các trường lớn trong số các trường nói trên là một đặc thù của Pháp: đầu vào của các trường được tuyển chọn rất kỹ càng nên số lượng sinh viên nhận học ít hơn các trường đại học thông thường. Các trường lớn không những đào tạo những kỹ sư và nhà quản lý có chất lượng cao mà còn đào tạo các chuyên gia về nghệ thuật, văn học và khoa học nhân văn.
Các chương trình đào tạo tại các trường lớn và trường chuyên ngành thường được giảng dạy trong 5 năm trong đó có 2 năm dự bị, học ngay tại trường hoặc ở một trường khác. Các trường này chuẩn bị cho sinh viên lấy bằng bac+5, tương đương với bằng thạc sĩ sau khi tốt nghiệp.