Theo quyết định cho học sinh Hà Nội trở lại học trực tiếp, một số phụ huynh cảm thấy yên tâm, song cũng có gia đình bày tỏ sự lo ngại khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Đưa học sinh trở lại trường học, không ràng buộc điều kiện tiêm vắc xin với trẻ 5- 11 tuổi

Đưa học sinh trở lại trường học, không ràng buộc điều kiện tiêm vắc xin với trẻ 5- 11 tuổi

Chiều 24/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn,...

1. Mong chờ quyết định cho học sinh đến trường

Theo quyết định của thành phố, hai con gái lớp 8 và 12 của chị Hiền sẽ được đến trường, còn con trai út lớp 2 vẫn học online ở nhà. Thời gian qua, chứng kiến con lớn chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học trong bối cảnh chịu ảnh hưởng bởi dịch; con thứ tính tình thay đổi, ít trò chuyện với bố mẹ, chểnh mảng khi tự học online, chị Hiền đứng ngồi không yên.

Người mẹ "chỉ mong các con mau được đi học, được giao tiếp với thầy cô, bạn bè để tránh các vấn đề về sức khỏe tâm thần và giảm sút kiến thức". Chị cũng yên tâm nếu hai con đầu đi học bởi đã tiêm đủ hai mũi vaccine.

Chung tâm trạng, anh Việt An (40 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cũng vui mừng khi con gái lớp 7 chuẩn bị đến trường sau 9 tháng chỉ ở nhà. "Đây là niềm vui với con và cả nhà. Chúng tôi đã mong mỏi ngày này rất lâu rồi", người bố bày tỏ sau thời gian sốt ruột nhìn con học online.

Từ đầu năm học, con gái anh An phải học online cả sáng và chiều mọi ngày trong tuần, sáng thường từ 8h đến 11h30, chiều 13h30-16h. Đến tối, con cũng phải làm bài tập trên máy tính. Đến cuối tuần, do không được đi chơi, con chỉ có thể giải trí ở nhà, chủ yếu là chơi game và xem phim. "Thời gian tiếp xúc với máy tính của con nhiều hơn cả tôi. Bố mẹ đi làm còn được giao tiếp xã hội, con học online hoàn toàn không có những thứ đó", anh nói.

Đợt gần đây, khi Hà Nội nới lỏng các hoạt động, anh An cho con sang nhà họ hàng, hoặc thỉnh thoảng sang nhà bạn chơi, nhưng các hoạt động cũng chỉ gói gọn trong nhà. Học Thể dục online cũng hời hợt nên anh đánh giá sự vận động của con là rất ít. Hậu quả, con anh tăng cân theo cách không mong muốn.

Học sinh Hà Nội dừng học trực tiếp từ đầu tháng 5/2021 khi Covid-19 bùng phát lần thứ tư. Đến tháng 11, học sinh lớp 9 tại 18 huyện, thị ngoại thành được trở lại trường. Ngày 6/12 năm ngoái, các trường THPT mở cửa đón học sinh lớp 12. Hà Nội là địa phương cho học trực tuyến trong thời gian dài ở quy mô rộng nhất cả nước.

Hà Nội: Học sinh trở lại trường, phụ huynh vừa mừng vừa lo - Ảnh 1

Học sinh Hà Nội học trực tiếp cần đảm bảo thực hiện đầy đủ những biện pháp phòng chống dịch COVID-19

2. Không khỏi lo lắng khi dịch bệnh phức tạp

Bên cạnh niềm vui, nhiều gia đình tất bật thay đổi kế hoạch cá nhân, tìm cách hỗ trợ con nhỏ tiếp tục học online trong khi con lớn đến trường.

Trước quyết định mở cửa trường học của thành phố, chị Ngọc Mai (43 tuổi, quận Cầu Giấy), bàn với chồng rút ngắn kế hoạch về quê ở Nghệ An. Hàng năm, gia đình chị Mai thường ở quê đến ngày cuối đợt nghỉ Tết. "Sau khi bàn bạc, vợ chồng tôi thống nhất chỉ ở quê đến hết 5/2, dành hai ngày cuối để con trai lớp 10 chuẩn bị bài vở, nếu thiếu gì còn kịp đi mua", chị Mai nói.

Ngoài con trai lớp 10, chị còn một con gái lớp 6, thuộc nhóm vẫn tiếp tục học online. Cả nhà đi học, đi làm còn con út vẫn ở nhà, người mẹ hơi bất an nhưng "cũng thấy may" vì con đã khá lớn, không cần người trông. Chị dự định, buổi sáng trước khi đi làm sẽ chuẩn bị món chính cho bữa trưa, con ở nhà chỉ cần làm thêm cơm, rau để ăn. "Hàng xóm đều có người lớn, ông bà ở nhà nên tôi sẽ nhờ để mắt giúp vào khoảng giữa buổi", chị Mai chia sẻ.

Có hoàn cảnh tương tự, chị Hiền cũng thấy hơi bất tiện và có phần lo lắng khi hai con lớn đi học, còn con út lớp 2 vẫn ở nhà. Bình thường khi ba chị em học online, chị và chồng đi làm mà không phải bận tâm nhiều vì chị em có thể tự chăm sóc cho nhau. Giờ hai chị đi học, chồng chị làm gần nhà sẽ phải chạy đi chạy lại, thậm chí vợ chồng có thể phải phân công nhau xin ở nhà để trông nom con.

Trên các hội nhóm, diễn đàn của phụ huynh, các ý kiến được chia thành hai quan điểm chính: đồng thuận hoặc ít nhiều băn khoăn về việc cho học sinh trở lại trường sau Tết. Nhiều bố mẹ bày tỏ sự lo ngại khi ca nhiễm tại Hà Nội dao động 2.700-3.000 ca mỗi ngày.

Là một phụ huynh ủng hộ cho trẻ đến trường, chị Mai nhanh chóng chọn "đồng ý" trước khảo sát của lớp con trai về quan điểm khi trường học mở cửa. Chị cho rằng quyết định cho học sinh lớp 7-12 đi học sau Tết là hợp lý bởi nếu chờ hết dịch thì không biết chờ đến bao giờ.

"Đây là quãng thời gian đẹp và có ý nghĩa của các con. Tôi không muốn lũ trẻ phải dành hầu hết thời gian trước màn hình máy tính. Dịch bệnh chưa biết khi nào mới kết thúc, trẻ cũng có nhu cầu giao tiếp, kết bạn và phát triển, tôi nghĩ không nên giữ mãi các con ở nhà", người mẹ bộc bạch, đồng thời bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng sớm có khảo sát, đánh giá về mức độ rủi ro để cho học sinh tiểu học trở lại.

Tương tự, dù vẫn còn lo lắng việc lây nhiễm trong trường học khi con đi học trực tiếp, anh Việt An vẫn mong mỏi con được đến trường bởi nhận thấy những tác động tiêu cực khi ở nhà lâu dài lớn hơn. Anh cho rằng khi mở cửa, nhà trường sẽ có kịch bản, kế hoạch phòng chống dịch cụ thể; phụ huynh cũng chủ động phòng dịch từ nhà, hướng dẫn con thực hiện tốt 5K thì dịch bệnh sẽ được hạn chế.

Hà Nội: Học sinh từ lớp 6 trở xuống duy trì việc học trực tuyến

Hà Nội: Phát hiện học sinh F0 và F1, các trường cần xử lý như thế nào?

Theo VnExpress