Cân nhắc diễn biến của tình hình COVID-19, các trường luôn chuẩn bị kịch bản và cơ sở vật chất của trường luôn sẵn sàng để mở bán trú.

Hà Nội: Học sinh tiểu học tại nội thành sẽ học trực tiếp từ 21/2

Hà Nội: Học sinh tiểu học tại nội thành sẽ học trực tiếp từ 21/2

Cân nhắc tình hình COVID-19, trẻ tiểu học và lớp sáu ở 12 quận nội thành là nhóm học sinh phổ thông cuối cùng ở thủ đô được trở lại trường.

Khi cho 1,6 triệu học sinh phổ thông học trực tiếp, UBND thành phố yêu cầu các trường chỉ dạy một buổi và chưa tổ chức ăn bán trú. Tại Tiểu học Khương Thượng (quận Đống Đa), hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết nhu cầu của phụ huynh trong việc cho trẻ ăn bán trú là rất lớn.

Năm học trước, trường Khương Thượng có 1.500 học sinh, trong đó 1.200 em đăng ký bán trú. Do đó, khi tiếp nhận nhiều ý kiến băn khoăn của phụ huynh về việc các trường chỉ dạy một buổi, bà Hà bày tỏ thông cảm. "Tôi động viên phụ huynh bình tĩnh, khắc phục một vài tuần để xem tình hình thực tế ra sao", bà Hà nói.

Trong gần 10 tháng đóng cửa, các giáo viên, nhân viên của trường Khương Thượng vẫn đến trường làm vệ sinh khuôn viên định kỳ. Vì vậy, bà Hà đánh giá "cơ sở vật chất của trường luôn sẵn sàng để mở bán trú", đồng thời đã lên kế hoạch cho việc này. Bữa trưa của học sinh sẽ được nấu ngay tại trường, đảm bảo nóng sốt và vệ sinh an toàn thực phẩm. Các em được tổ chức ăn và nghỉ trưa tại lớp, tránh tiếp xúc với các bạn lớp khác khi ăn, làm phức tạp lịch sử dịch tễ.

Hà Nội: Các trường học lên kịch bản, sẵn sàng tổ chức bán trú - Ảnh 1

Các trường học tại Hà Nội sẵn sàng tổ chức bán trú (Ảnh minh hoạ)

Các trường có số lượng học sinh ít hơn cũng luôn trong trạng thái "sẵn sàng, không ngại". Trường Tiểu học Vạn Phúc (quận Ba Đình) có hơn 400 học sinh, mỗi lớp khoảng 20 em đăng ký bán trú. Hiệu trưởng Phùng Tố Nga đánh giá, vì số lượng học sinh không nhiều, nếu được mở lại bán trú, trường có thể "đảm bảo luôn". Học sinh sẽ được ăn, nghỉ tại lớp, có giáo viên quản lý và giám sát.

Tuy nhiên, bà Nga nêu quan điểm "an toàn là trên hết", các hoạt động nên nới lỏng dần chứ khó mở đồng loạt. Tổ chức ăn bán trú thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón con, nhưng cũng tạo áp lực nhất định cho trường học. Bà Nga nhận định học sinh tiểu học còn nhỏ, ý thức tự chủ phòng dịch chưa cao. Khi để trẻ vào không gian lớp học, lại bỏ khẩu trang để ăn uống, ngủ nghỉ, các giáo viên, nhân viên cần quản lý, sát sao nhắc nhở hơn.

Trong Hội nghị Thường trực Thành ủy Hà Nội ngày 14/2, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng yêu cầu ngành giáo dục và các địa phương chỉ đạo trường học lấy ý kiến của phụ huynh. Sau đó, dựa trên kết quả khảo sát và tình hình dịch trên địa bàn, các quận, huyện, thị xã sẽ quyết định có tổ chức bán trú hay không. Tuy nhiên, hầu hết địa phương chưa lấy ý kiến hay lên phương án cho việc mở lại hoạt động này.

Ở khối trường tư, với điều kiện cơ sở vật chất tốt, nhiều nơi cũng đã hoàn tất chuẩn bị tổ chức bán trú, chỉ đợi thông báo của thành phố. Bà Lê Minh Anh, Giám đốc Điều hành trường The Dewey Schools cơ sở Cầu Giấy, cho biết đã hoàn tất các kịch bản như chia ca ăn trưa, phân chia thời gian vui chơi khu vực chung... để sẵn sàng mở dịch vụ bán trú.

"Hiện tại chúng tôi có canteen hai tầng và đưa vào sử dụng hơn 300 chỗ ngồi được lắp vách ngăn mica, đảm bảo giãn cách, hạn chế học sinh nói chuyện trong khi ăn. Dù chưa tổ chức bán trú, chúng tôi vẫn cho vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên và luôn trong tâm thế sẵn sàng chào đón học sinh quay trở lại trường, kể cả học bán trú", bà Minh Anh nói.

Đại diện The Dewey Schools cơ sở Cầu Giấy khẳng định nhà trường luôn ủng hộ và làm theo những chỉ đạo, hướng dẫn của Sở, ban, ngành nhưng cũng mong sau một thời gian ngắn việc học trực tiếp đi vào ổn định, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cho phép các trường đảm bảo đủ điều kiện an toàn được tổ chức bữa ăn bán trú và dạy học hai buổi. Theo bà, việc này nhằm tạo thuận lợi cho phụ huynh trong việc đưa đón, chăm sóc trẻ bởi phải đón con buổi trưa sẽ gây ít nhiều xáo trộn cho các gia đình.

Tại buổi kiểm tra hoạt động dạy học trực tiếp tại Hải Phòng hôm 9/2, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh nhiều chuyên gia y tế cho rằng học sinh đến trường một buổi hay cả ngày là không khác nhau nhiều về mặt phòng dịch nên không nhất thiết bỏ bán trú.

Ông Sơn đề nghị những trường có điều kiện nên tổ chức bán trú để vừa đảm bảo việc học tập của học sinh, vừa thuận lợi cho việc chăm sóc, đưa đón con của phụ huynh. Theo ông, tạo điều kiện cho phụ huynh yên tâm làm việc cũng là tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội.

Tại cuộc họp sáng 17/2 giữa phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với 63 tỉnh, thành nhằm đánh giá tình hình mở cửa trường học của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh không có sự khác biệt về nguy cơ lây nhiễm cho học sinh học một buổi, hai buổi hoặc ăn bán trú. Vì vậy, các trường học đủ điều kiện, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch có thể tổ chức học bán trú cho học sinh để giảm phiền hà cho phụ huynh và gia đình.

'Việc đưa học sinh trở lại học trực tiếp phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời'

Hà Nội: Đề xuất cho học sinh lớp 1 - 6 nội thành học trực tiếp từ 10/2

Theo VnExpress