Cân nhắc tình hình COVID-19 tại Hà Nội, có 70,6% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường sau tết; 23% không đồng ý; còn lại là ý kiến khác.
1. Đề xuất cho học sinh khối 7 - 12 học trực tiếp
Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, tình hình dịch Covid-19 tại Thủ đô vẫn còn phức tạp, Sở đang xây dựng lộ trình, kế hoạch và phương án để báo cáo thành phố nếu đảm bảo an toàn.
Dự kiến sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch, đơn vị này tiếp tục đề xuất với UBND thành phố cho học sinh từ khối 7 đến 12 đi học lại 100% ở tất cả 30 quận/huyện/thị xã trên cơ sở dịch được khống chế và đã tiêm đủ vaccine cho học sinh.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Nguyễn Hùng (quận Hoàng Mai) cho biết, con gái anh năm nay học lớp 8, đã tiêm 2 mũi vaccine. Từ khi hai vợ chồng phải trực tiếp đi làm, không quản được chuyện con học trực tuyến ở nhà nên khá sốt ruột.
"Tôi thấy mặc dù nghỉ học nhưng trẻ con hàng xóm ở tuổi THPT vẫn tụm năm tụm ba với bạn bè, như thế có khi đi học lại an toàn hơn để trẻ lê la ăn uống hàng quán", anh Hùng nói.
Đưa ra quan điểm về việc "khoanh vùng" và học sinh trở lại trường, thầy Vũ Khắc Ngọc, chuyên gia luyện thi ở Hà Nội cho biết, chuyện "nhốt" học sinh vùng xanh, vùng vàng trong nhà vốn đã vô lý. Chuyện sinh viên chưa được đi học trực tiếp càng đặc biệt không hiểu nổi.
Sinh viên là đối tượng trên 18 tuổi, hầu hết các em đều đã được tiêm vaccine, thậm chí, phần lớn đã tiêm đủ 2 mũi.
"Trong khi các đối tượng trên 18 tuổi khác trong xã hội đều đã hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động bình thường thì việc chưa cho sinh viên đi học lại là vô cùng khó hiểu.
Dịch ngày càng phức tạp, số ca mắc sẽ ngày càng nhiều, biến chủng mới ngày càng khó lường. Không tranh thủ đi học ngay những lúc an toàn này, không biết còn chờ tới bao giờ", thầy Ngọc nói.
Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mê Linh, địa phương này là một trong 18 quận huyện cho học sinh lớp 9 đi học trực tiếp từ đầu tháng 11 đến nay.
Theo đánh giá, sau hơn hai tháng dạy học trực tiếp 100% đối với khối lớp 9, các trường đều có phương án phòng dịch Covid-19 chặt chẽ, không có học sinh mắc bệnh trong trường học.
Do đó, nếu tình hình dịch ổn định, tỉ lệ tiêm đạt mức cao như hiện nay, ngành giáo dục đề xuất cho học sinh đi học trở lại là cần thiết.
Dự kiến học sinh lớp 7 - 12 tại Hà Nội sẽ học trực tiếp sau Tết Nguyên Đán (Ảnh minh hoạ: Vietnamnet)
2. Tỷ lệ đồng thuận
Thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS& THPT Lô-mô-nô-xốp cho biết, khi có thông tin có thể học sinh sẽ trở lại trường sau Tết Nguyên đán, nhà trường đã tiến hành khảo sát trên 2.235 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12.
Kết quả cho thấy, khoảng 42% học sinh đồng ý đi học trực tiếp; 48,2% học sinh chưa muốn đến trường và 9,6% ý kiến khác.
Cũng trong ngày 18/1, nhà trường đã tiến hành khảo sát câu hỏi này với phụ huynh học sinh. Theo đó, có 70,6% phụ huynh đồng ý cho học sinh trở lại trường sau tết; 23% không đồng ý; còn lại là ý kiến khác.
Thầy giáo này cho rằng, có thể tỷ lệ học sinh mong muốn trở lại trường qua khảo sát vẫn thấp là do học sinh nghỉ học quá lâu nên có tâm lý ngại đi học trở lại.
Đặc biệt, có thể do nhà trường khảo sát đúng đợt Hà Nội lạnh nhất, nhiều em có tâm lý ngại dậy sớm, ngại đi xe tuyến vào mùa đông…, nên muốn học online.
Trong khi đó, với 70,6% đồng ý, chứng tỏ cha mẹ học sinh có nhu cầu cho con em trở lại trường học.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie cho biết, do học trực tuyến quá lâu nên khi có thông tin có thể học sinh sẽ được trở lại trường, nhiều phụ huynh học sinh nóng lòng và hoan nghênh.
"Nhà trường cũng sốt ruột nhưng để học sinh đến trường phải đạt hai điều kiện: Thứ nhất, được cơ quan chức năng cho phép; Thứ hai, được phụ huynh học sinh đồng tình", thầy Khang nói.
Theo một Hiệu trưởng Trường THCS ở quận Thanh Xuân, học sinh lớp 7-9 của trường hiện đạt tỉ lệ tiêm gần 100%.
Quan điểm mà hiệu trưởng này đưa ra, nếu tình hình dịch có thể kiểm soát được thì nên cho học sinh đến trường bởi học sinh lớp 9 chuẩn bị đối mặt với kỳ thi vượt cấp khó khăn, phụ huynh, giáo viên rất sốt ruột. Còn các khối lớp khác, chất lượng học tập chỉ là một phần, vấn đề cần quan tâm là tâm sinh lý lứa tuổi.
> Hà Nội: Nhiều trường học chỉ thu 75-80% học phí
> Thủ tướng: Hướng dẫn cho học sinh 12 tuổi trở lên đi học trực tiếp sớm nhất có thể
Theo Dân Trí