Đóng góp lớn nhất cho sự thành công của người dân Bắc Âu trong việc học ngoại ngữ nhờ vào việc tiêu thụ các sản phẩm truyền thông bằng tiếng Anh.
Luca Lampariello, 37 tuổi, thông thạo 13 ngôn ngữ, phân tích phương pháp học Tiếng Anh của người Bắc Âu.
Phân tích lý do người Bắc Âu giỏi tiếng Anh, Luca Lampariello (37 tuổi, thông thạo 13 ngôn ngữ) rút ra ba phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả.
Khi tôi bắt đầu học tiếng Thuỵ Điển năm 2003, tôi nhận ra người Thuỵ Điển nói riêng và người Bắc Âu nói chung giao tiếp tiếng Anh cực kỳ trôi chảy. Tôi khó có cơ hội rèn luyện kỹ năng nói tiếng Thuỵ Điển vì họ thường chuyển sang sử dụng tiếng Anh để cuộc hội thoại dễ dàng hơn. Từ đấy, tôi bắt đầu tò mò về lý do người Bắc Âu giỏi tiếng Anh, đặc biệt khi so sánh với Italy, quê hương tôi.
Các nước Bắc Âu bao gồm Đan Mạch, Nauy, Thuỵ Điển, Phần Lan và Iceland. Trong đó, tiếng Đan Mạch, Thuỵ Điển và Nauy có nhiều điểm chung nên người biết một trong ba ngôn ngữ này có thể nắm bắt hai thứ tiếng còn lại mà không cần học. Trong quá trình tìm hiểu Bắc Âu, tôi nhận ra 80-90% người dân khu vực này đều nói tiếng Anh trong khi Italy chỉ có khoảng 10-20%.
1. Các sản phẩm truyền thông
Đóng góp lớn nhất cho sự thành công của người dân Bắc Âu trong việc học ngoại ngữ nhờ vào việc tiêu thụ các sản phẩm truyền thông bằng tiếng Anh. Người Bắc Âu xem các chương trình truyền hình từ Mỹ, Anh không lồng tiếng, chỉ có phụ đề đi kèm trong khi người Italy lựa chọn lồng tiếng.
Tôi từng đến nhà một người bạn ở Thuỵ Điển và thấy anh ấy xem phim The Simpsons (Gia đình Simpsons) trên TV bằng tiếng Anh với phụ đề tiếng Thuỵ Điển. Khi tôi hỏi tại sao anh ấy lại xem bằng tiếng Anh, bạn tôi giải thích rằng tại quốc gia này, tất cả chương trình TV đều được giữ nguyên ngôn ngữ gốc và chỉ đặt phụ đề bên dưới.
Người Bắc Âu tiếp xúc với Tiếng Anh từ sớm thông qua những bộ phim trên TV
Đây là sự khác biệt quan trọng bởi nhờ chính sách này, người Bắc Âu được tiếp xúc với tiếng Anh từ rất sớm và rất thường xuyên. Tiếng Anh có mặt ở khắp mọi nơi trên khu vực Bắc Âu và mọi người dân đều có thể tiếp cận. Thời gian tiếp xúc với ngoại ngữ thường tỷ lệ thuận với mức độ thông thạo ngôn ngữ ấy nên một khi khả năng nghe hiểu tăng nhanh thì khả năng sử dụng ngôn ngữ sẽ thay đổi đáng kể.
Trên thực tế, đây cũng là phương pháp học ngoại ngữ của tôi. Khi học tiếng Pháp, tôi không chỉ tham gia các khóa học mà liên tục xem, nghe các chương trình tiếng Pháp không lồng tiếng. Mặc dù việc đăng ký các khóa học tương đối hiệu quả nhưng nhờ hoạt động tiếp xúc với tiếng Pháp hàng ngày thông qua phim ảnh đã giúp tôi tiến bộ hơn bạn bè, những người chỉ học trong giáo trình.
Nhiều người học chia sẻ rằng không thể bắt kịp nội dung phim ảnh vì người bản xứ nói quá nhanh nhưng đây không phải lý do để bàn lùi. Thay vào đó, bạn phải tiếp xúc nhiều hơn với động lực học không ngừng nghỉ. Dần dần, bạn sẽ quen và theo kịp tốc độ của người bản ngữ.
Con đường học tập ngoại ngữ luôn đòi hỏi sự tiếp xúc và tương tác. Bạn không thể quay ngược về quá khứ để thay đổi cách học khi còn trẻ nhưng có thể áp dụng phương pháp mới ngay hôm nay. Tôi khuyến khích bạn tìm hiểu về những vấn đề quan tâm bằng ngôn ngữ bạn muốn học. Chẳng hạn nếu thích đọc báo, hãy xem tin tức bằng ngôn ngữ bạn đang học.
2. Chất lượng giáo dục cao
Một yếu tố khác giúp người Bắc Âu giỏi tiếng Anh là chất lượng giáo dục tại khu vực này rất tốt. Khi tìm hiểu, tôi nhận ra sự khác biệt trong giáo dục giữa Bắc Âu và Italy. Giáo dục Bắc Âu đề cao sự tích hợp giữa lý thuyết và thực hành trong khi tại Italy, giáo dục tập trung chủ yếu vào lý thuyết. Chẳng hạn tại Italy bạn theo học chuyên ngành Kỹ thuật điện, được nghiên cứu cách thức hoạt động của bảng mạch nhưng hầu như không có cơ hội chạm vào bảng mạch thực tế.
Có lần tôi truy cập ứng dụng trao đổi ngôn ngữ trực tuyến để ôn luyện kỹ năng nói tiếng Thuỵ Điển và tôi bắt gặp khoảng 20 người dùng đến từ Thuỵ Điển. Sau khi trò chuyện với vài người trong số đó, tôi nhận ra nhóm 20 người này đến từ cùng một thành phố ở Thuỵ Điển và đều bằng tuổi nhau. Một bạn trong nhóm giải thích với tôi rằng họ đang học tiếng Anh tại trường và giáo viên yêu cầu học sinh phải thực hành sử dụng tiếng Anh với người nước ngoài trên ứng dụng học giao tiếp trực tuyến.
Tôi không chắc điều này có phổ biến ở tất cả lớp học Bắc Âu hay không nhưng tôi tin rằng ở Italy quê hương tôi không như vậy. Đây chính là dấu hiệu của việc kết hợp lý thuyết với thực hành.
Hiện nay, phương tiện truyền thông là công cụ hữu ích để học ngoại ngữ. Chẳng hạn khi học tiếng Đức, tôi đọc tờ báo Der spiegel của Đức mỗi ngày trước khi đi ngủ. Nó dần dần trở thành một thói quen khiến tôi cảm giác tiếng Đức không còn là ngôn ngữ học mà là một phần trong cuộc sống. Và cuối cùng tôi đã có thể cải thiện khả năng tiếng Đức của mình. Vì thế, đừng quên sử dụng ngôn ngữ bạn đang học trong sinh hoạt hàng ngày.
3. Nhóm ngôn ngữ Germanic
Các thứ tiếng Anh, Đan Mạch, Nauy, Thuỵ Điển cùng có nguồn gốc từ nhóm ngôn ngữ Germanic. Vì vậy những ngôn ngữ này có đặc điểm tương đối giống nhau. Nếu thành thạo tiếng Anh, bạn có thể biết ít nhất 1.558 từ tiếng Thuỵ Điển.
Tôi chia sẻ điều này không phải để hạ thấp thành công của người Bắc Âu trong việc giỏi tiếng Anh mà muốn chỉ ra yếu tố đặc biệt quan trọng mà người học thường không để ý trước khi học ngôn ngữ. Đó là việc cân nhắc mức độ khác biệt giữa ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn và ngôn ngữ bạn dự định học. Ngôn ngữ khác biệt càng lớn so với ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ khiến bạn mất nhiều thời gian, công sức học hơn những ngôn ngữ gần giống ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhận thức rõ điều này sẽ giúp bạn xây dựng động lực, ý chí và chiến lược học kỹ càng hơn.
Đưa ngôn ngữ học vào cuộc sống hàng ngày, cố gắng sử dụng ngoại ngữ thường xuyên và kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý thuyết và thực hành là những điều chúng ta có thể học hỏi từ thành công của người Bắc Âu. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là độ phủ sóng của ngôn ngữ học trong đời sống thường nhật của bạn.
Theo VnExpress