Từ năm sau, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ mở rộng những người góp ý bản thảo sách giáo khoa, trong đó tính phương án đăng lên mạng.
Trong buổi tọa đàm thực hiện Nghị quyết 88 về đổi mới giáo dục phổ thông do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 29/10, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ cho biết sau những phản hồi của phụ huynh, giáo viên và nhiều cá nhân có trình độ trong ngành giáo dục về sách giáo khoa lớp 1, Bộ sẽ điều chỉnh ba điểm quan trọng trong công tác thẩm định sách giáo khoa các năm sau.
Thứ nhất, quá trình thực nghiệm sách giáo khoa sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn. Trước đây, việc thực nghiệm sách do các tác giả và nhà xuất bản chủ động phối hợp và tổ chức. Tuy nhiên, để công tác này hiệu quả và được triển khai trên quy mô rộng hơn, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tham gia chỉ đạo.
Thứ hai, Bộ cũng yêu cầu tăng cường việc thẩm định nội bộ tại các nhà xuất bản để đánh giá, rà soát sơ bộ chất lượng sách. Việc này nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu sách giáo khoa trước khi gửi đi thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa sau đó sẽ đánh giá, nhận xét và góp ý để các tác giả hoàn thiện bản mẫu của sách tốt hơn.
Thứ ba, Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án mở rộng nhóm những người góp ý bản mẫu sách giáo khoa. "Bộ cũng tính đến việc đăng lên mạng bản thảo dạng pdf của sách để xin ý kiến góp ý đa chiều từ giáo viên, cán bộ quản lý, nhà khoa học và người dân. Trên cơ sở phản hồi nhận được, Bộ sẽ nghiên cứu và đề ra giải pháp phù hợp", ông Độ nói.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, tại buổi tọa đàm, chiều 29/10. Ảnh: Đại biểu Nhân dân
Năm học 2021-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chương trình sách giáo khoa mới với lớp 2 và 6. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết đến nay công tác thẩm định sách mới đã xong vòng 1. Các tác giả chỉnh sửa và Bộ đã thu sách để chuẩn bị thẩm định vòng 2. "Lần này, chúng tôi yêu cầu các thành viên Hội đồng thẩm định tập trung vào việc trao đổi và tăng cường thảo luận, thậm chí có thể tranh luận giữa tác và hội đồng", ông Thành nói.
Thời gian tới, ông Thành cho biết Bộ sẽ tăng cường lấy ý kiến của thầy cô trực tiếp giảng dạy qua nhiều kênh "để tránh những điều đáng tiếc xảy ra với sách giáo khoa lần này".
Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới. Có 5 bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, trong đó 4 bộ Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP HCM biên soạn.
Sau một tháng đưa sách mới vào sử dụng, nhiều phụ huynh, giáo viên đánh giá việc dạy, học môn Tiếng Việt "nặng và khó hơn" so với chương trình cũ. Trẻ bị dồn ép phải học thuộc chữ và vần trong thời gian ngắn dẫn đến việc học không hiệu quả, gây áp lực. Sách nhiều chữ, dùng từ địa phương, các yêu cầu không phù hợp với trẻ mới vào lớp 1. Sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều gây tranh cãi khi sử dụng truyện ngụ ngôn, phỏng dịch không phù hợp và bị cho là "dạy thói xấu cho học sinh".
Theo VnExpress