Trong buổi làm việc với Bộ GD-ĐT về vấn đề của sách giáo khoa lớp 1 mới, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các ý kiến, dù gay gắt, đều thể hiện sự tâm huyết, lo lắng và mong muốn có được những cuốn sách giáo khoa tốt nhất.

Những "hạt sạn" trong sách giáo khoa chương trình lớp 1 mới

Những 'hạt sạn' trong sách giáo khoa chương trình lớp 1 mới

Chương trình lớp 1 mới không chỉ gây tranh cãi về kiến thức giảng dạy quá tải với học sinh mà còn mắc rất nhiều 'hạt sạn' trong các bộ sách giáo khoa.

Theo Phó thủ tướng, Bộ GD-ĐT cũng như các đơn vị liên quan phải trân trọng, nghiên cứu, tiếp thu một cách rất cầu thị, khoa học.

Thế nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận một thực tế xung quanh câu chuyện này cùng nhiều ồn ào trên mạng những ngày qua đang cho thấy có sự bất ổn ở cả người góp ý và người cần lắng nghe. Tuổi Trẻ chia sẻ góc nhìn của một số trí thức về vấn đề đang cần hướng đến: văn hóa phản biện.

* Ông Lê Như Tiến (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội):

Có phản biện mới có phát triển

Không riêng câu chuyện phản biện sách giáo khoa mới mà bất cứ vấn đề nào trong cuộc sống, nếu chấp nhận sự phản biện mới có sự thay đổi, phát triển, tiến bộ được.

Thế nhưng để có một môi trường phản biện lành mạnh và tích cực lệ thuộc vào cả người góp ý và người lắng nghe góp ý.

Thời gian gần đây có hiện tượng không ít người lên tiếng góp ý nặng lời, thậm chí tục tĩu, mạt sát. Nhiều ý kiến không phải góp ý xây dựng mà phủ nhận sạch trơn, vùi dập, không có cơ sở thuyết phục. Góp ý như thế sẽ khó có thể khiến người được góp ý tiếp thu, cầu thị.

Ngược lại, trong nhiều vấn đề được dư luận nêu, phản ảnh, góp ý cũng đang thiếu sự lắng nghe, tiếp thu. Tôi cho rằng những góp ý đúng, chân thành cần được đáp lại bằng thái độ khiêm tốn, tiếp thu để thay đổi, sửa chữa.

Trong câu chuyện góp ý về sách giáo khoa mới vừa qua, nếu có tôn trọng, lắng nghe và cầu thị, sự việc sẽ được thay đổi tích cực hơn.

* Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sỹ Hậu:

Người phê bình chân thành, người nhận phê bình lắng nghe

Văn hóa phê bình, phản biện của chúng ta hiện nay đang rất có vấn đề từ cả phía người phê bình và người được phê bình.

Từ phía người phê bình nổi lên có hai xu hướng đối lập nhau nhưng cả hai đều rất tệ. Đó là xu hướng phê bình khen nịnh, bốc thơm, không phản ánh đúng giá trị.

Còn lại là xu hướng phê bình hả giận, nói vô trách nhiệm, tự cho mình đủ kiến thức để phán xét chuyện mình thực ra chưa chắc nắm rõ. Xu hướng thứ hai liên quan tới "văn hóa chửi", phê bình theo đám đông, ném đá tập thể đang rất "phát triển" trên mạng xã hội.

Để phê bình đúng đắn và hữu ích, người phê bình phải có cái tâm muốn thực sự góp ý, nếu không sẽ dễ sa vào hai xu hướng phê bình tiêu cực trên. Từ đó khiến cuộc phê bình trở thành một cuộc cãi lộn, chửi bới.

Trong khi đó, từ phía những người bị phê bình, nhiều người cũng không biết lắng nghe, tiếp thu lời phê bình đúng, chân thành. Họ cứ thấy ai nói chưa tích cực về mình, về sản phẩm của mình là khó chịu, thậm chí tẩy chay, đáp trả gay gắt, càng kích động cơn giận dữ của những người phê bình.

Tôi cho rằng người được phê bình phải lắng nghe, ngay cả những lời nghịch tai. Những người muốn thành công thật sự, sau tốt hơn trước đều phải biết lắng nghe thật sự những lời phê bình công tâm, phải rất bình tĩnh để phân biệt được đâu là sự chửi bới, hạ nhục vì thù hằn, hãnh tiến, đâu là sự thẳng thắn, chân thành trong những lời phê bình dành cho mình. Và dù là trường hợp nào, người được phê bình cũng phải thể hiện sự bình tĩnh và cầu thị.

* Nhà thơ Trần Đăng Khoa:

Phản biện không phải là chống đối

Ông Nguyễn Trần Bạt từng đưa ra quan niệm mà tôi cho rất chuẩn: phản biện chính là dấu hiệu để nhận ra đó là trí thức. Trí thức phải là người biết phản biện.

Nếu không có khả năng phản biện, đó không phải là trí thức. Hơn nữa, người trí thức cũng phải là người biết lắng nghe những lời phản biện, bình tĩnh đón nhận phản biện.

Phản biện không có nghĩa là chống đối. Ở ta nhiều người quy kết phản biện là chống đối và nhanh chóng đẩy những người có tiếng nói phản biện mình sang phía thù địch. Cái đó là rất dở. Phản biện là lật lại một vấn đề với tính thiện chí để tìm ra giải pháp khoa học nhất, tránh đi những hậu họa. Phản biện là nhìn vấn đề sâu sắc hơn, có suy nghĩ, tính toán, đắn đo để đưa ra phương án hợp lý nhất.

Bất cứ quốc gia nào, một cơ quan nào trước khi đưa ra một quyết định hệ trọng, ví dụ như chuyện sách giáo khoa, rất cần phải đưa ra công luận để lắng nghe ý kiến của người dân, đặc biệt là những ý kiến trái chiều. Để từ đó chọn được phương án tốt nhất và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Từ phía những người phản biện, góp ý cũng phải phản biện bằng cái tâm trong sáng, yêu chân lý và lẽ phải, góp ý thẳng thắn nhưng phải rất công tâm và góp ý dựa trên sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu sắc.

Khi ý kiến phản biện được lắng nghe, người phản biện được tôn trọng vì những phản biện thẳng thắn, chân thành, đó sẽ là động lực cho phát triển đất nước. Một đất nước có được xem là phát triển, có văn minh hay không chính là nhìn vào chất lượng của phản biện, văn hóa phản biện trên đất nước đó.

* Nhà giáo Nguyễn Trọng Bình (Trường ĐH Cửu Long):

Cần "thái độ trí thức" của những người trong cuộc

Được biết, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc trực tiếp với Bộ GD-ĐT để lắng nghe và chỉ đạo xử lý những vấn đề liên quan đến sách Tiếng Việt 1 do nhóm Cánh diều biên soạn, yêu cầu phải tôn trọng ý kiến đóng góp của người dân.

Tôi cho đây là động thái rất kịp thời, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ về một vấn đề rất hệ trọng của đất nước. Tuy vậy, theo tôi, việc quan trọng hơn cả vẫn là sự cầu thị và chân thành của những người trong cuộc trong tư cách những trí thức chân chính trong xã hội.

Thế nhưng phải nói rằng trước khi Bộ GD-ĐT quyết định việc sách của nhóm Cánh diều phải chỉnh sửa, tôi đã khá thất vọng trước phản ứng của cả hai ông tổng chủ biên sách Tiếng Việt của nhóm Cánh diều và chủ tịch hội đồng thẩm định bộ sách khi dư luận có ý kiến về những "hạt sạn" của sách Tiếng Việt lớp 1.

Là một người dạy học, có chút hiểu biết về giáo dục, đã đọc quyển sách từ trang đầu đến trang cuối, tôi cho rằng những phản ứng của dư luận vừa qua là hoàn toàn có cơ sở. Một bộ sách giáo khoa dù trải qua nhiều vòng kiểm duyệt từ lúc biên soạn đến tổ chức thẩm định và cuối cùng là bộ trưởng ký quyết định phê duyệt đưa vào sử dụng, nhưng khi đến tay người học lại có sự cố.

Việc này không chỉ là trách nhiệm của người biên soạn, người thẩm định, mà còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý mà trực tiếp là Bộ GD-ĐT. Lẽ ra những người có trách nhiệm này cần có thái độ cầu thị hơn. Họ cần phải đặt lợi ích chung của dân tộc và đất nước lên trên những "cái tôi" và tự ái cá nhân, để không chỉ giải quyết sự cố này mà còn cả một sự nghiệp "đổi mới căn bản và toàn diện" nền giáo dục nước nhà trong thời gian tới.

Thế nhưng trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số vị lại có biểu hiện né tránh, đổ lỗi cho nhau.

Phẩm chất quan trọng của người trí thức là trung thực với bản thân và dũng cảm nhận trách nhiệm, không né tránh, không ngụy biện trước những sai sót của bản thân. Đó không những là thái độ của người trí thức chân chính mà còn là một biểu hiện của lòng tự trọng và tinh thần hướng thiện.

Giáo dục suy cho cùng cũng chính là văn hóa. Người làm giáo dục là những người gieo những hạt mầm văn hóa nhằm kiến tạo một thế hệ, một xã hội lành mạnh trong tương lai.

Trẻ mới vào lớp 1 mệt mỏi vì cả ngày học chữ, luyện viết

Trẻ mới vào lớp 1 mệt mỏi vì cả ngày học chữ, luyện viết

Việc học chữ cả ngày trên lớp, tối đến phải luyện viết thêm ở nhà thực sự đã đi quá giới hạn của trẻ. Điều này đã gây xôn xao dư luận nhiều ngày qua.

Kính mời quý bạn đọc và phụ huynh chia sẻ quan điểm về vấn đề này. Mọi ý kiến xin gửi về Ban biên tập Kênh Tuyển sinh qua email [email protected].

Chúng tôi sẽ chọn đăng những ý kiến đóng góp của các bậc phụ huynh trên website Kenhtuyensinh.vn.

Theo Báo Tuổi trẻ