4 điều bạn cần chuẩn bị khi quyết định du học Mỹ

1.Về ngoại ngữ: Hãy tham khảo các yêu cầu về trình độ ngoại ngữ cần thiết dưới đây và tự chuẩn bị cho mình theo khả năng phù hợp:

Nếu bạn muốn đi du học tại: Anh, Australia, New Zealand, Malaysia, Hà Lan, Ba Lan hoặc Singapore và các nước khác có chương trình đào tạo bằng tiếng Anh: sẽ thật thuận tiện nếu bạn trang bị cho mình khả năng tiếng Anh với điểm thi IELTS.

Với các bậc học từ Phổ thông Trung học, Cao đẳng, Đại học hoặc sau Đại học tại Mỹ và Canada: điểm số TOEFL là đánh giá chuẩn cho trình độ tiếng Anh của du học sinh. Yêu cầu tối thiểu thường là TOEF BPT 500 hoặc tương đương (TOEFL iBT 61) với bậc học cao đẳng, TOEF BPT 550 hoặc (TOEFL iBT 80) với đại học và sau đại học. Tuy nhiên, một số trường ở Mỹ vẫn chấp nhận điểm thi IELTS; vì vậy, bạn đừng lo lắng nếu bạn đang có điểm IELTS nhé!

Ngoài ra:

- Tùy thuộc vào những yêu cầu riêng, một số trường đại học, có thể yêu cầu thêm điểm số SAT (Scholarship Aptitude Test), hoặc ACT (American College Test) để bổ sung vào điều kiện nhập học.

- Nếu sinh viên quan tâm đến chương trình Thạc sỹ hoặc MBA thì cần chuẩn bị thêm cho mình điểm GMAT (Graduate Management Admission Test) / GRE (Graduate Record Examination) hoặc MAT (Miller Analogiess Test) để có thể thỏa yêu cầu nhập học thạc sỹ, tiến sỹ tại các trường đại học danh tiếng.

Nói như vậy không có nghĩa là học sinh, sinh viên nào thiếu một trong những yếu tố trên sẽ đánh mất cơ hội được tiếp cận với những nền giáo dục tiên tiến. Bạn cũng có thể tham gia vào các khóa học tiếng Anh nâng cao hiện đang phổ biến ở nhà trường Đại học, hoặc các học viện chuyên giảng dạy tiếng Anh để phát triển ngôn ngữ thứ hai này trở nên hoàn hảo hơn hoặc để "bù" lại điểm số mà nhà trường đã yêu cầu để hoàn tất thủ tục nhập học cho chương trình chính khóa.

Hãy tìm hiểu kỹ các bài thi tiếng Anh mà bạn định trải nghiệm để có được chìa khóa bước vào cánh cổng du học rộng mở. Cũng như tìm hiểu những thông tin du học Mỹ cần thiết từ những người đi trước.

Du học Mỹ cần những gì?

Du học Mỹ cần những gì?

2. Về tài chính: Điều quan trọng không thể bỏ qua chính là khả năng thuyết phục của bạn đối với Viên chức Lãnh sự về năng lực học tập, khả năng tài chính có thể chi trả tiền học và tiền ăn ở trong suốt thời gian du học.

Cần nhớ rằng tuy một số nước cho phép sinh viên có thể tham gia làm việc ngoài giờ để có thêm thu nhập và kinh nghiệm, nhưng thu nhập từ nguồn này chỉ giúp bạn có tiến mua "quà" hoặc thư giãn cuối tuần thôi, khó có thể gọi là đủ để trang trải các chi phí học tập và ăn ở đã nêu trên.

Không có điều gì là không thể hoặc vượt ngoài khả năng nếu bạn có kế hoạch chi tiêu hợp lý vì số tiền học phí của bạn có thể được chi trả thành nhiều lần, theo học kỳ hoặc theo năm tùy theo quy định của mỗi trường. Như vậy bạn có nhiều thời gian để lên kế hoạch cụ thể cho việc chi trả như thế nào là ổn nhất.

3. Về kiến thức: Ngoài năng lực học tập được đánh giá tại Việt Nam thông qua bảng điểm, học bạ; để chuẩn bị tốt hơn cho chuyến đi du học của mình, bạn phải trang bị thêm tâm lý và kiến thức về: khoa học, địa lý, lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán, pháp luật và giáo dục của nước bạn muốn đến, để hòa nhập nhanh hơn và tránh những bỡ ngỡ, cú sốc không cần thiết.

4. Về tư tưởng: Đừng nghĩ du học là hoàn toàn thuận lợi, sung sướng, và nước đến du học là thiên đường hay miền đất hứa. Cuộc sống và học tập ở đâu cũng có những khó khăn riêng; để tồn tại và thành công, bạn phải biết cách giải quyết và vượt qua những khó khăn và rào cản của bản thân. Vì thực tế khi du học, học sinh vất vả hơn so với khi ở nhà với ba mẹ. Bạn sẽ phải tự mình làm lấy từ những việc đơn giản nhất như nấu ăn, giặt đồ đến những việc phức tạp hơn: từ xử lý các vấn đề về học tập, bạn bè, nhà trường, tâm lý, tình cảm của mình. Chẳng hạn như:

- Bạn đang lúng túng lúc hết tiền mà ba mẹ chưa kịp gửi sang?

Bí quyết: những khi còn "rủng rỉnh", hoặc làm thêm được bạn nên để dành, khoản này thường ba mẹ không biết, và khi ba mẹ có chậm gửi một chút, ta vẫn có thể xử lý được.

- Hay người bạn thân không muốn chơi với bạn nữa thì sao?

Bí quyết: đó chưa phải là ngày tận thế, vì ai cũng gặp chuyện này ít nhất một lần trong đời mà. Do vậy, bạn hãy vượt qua nỗi buồn vì bạn sẽ còn nhiều cơ hội khác để tìm cho mình những người bạn thân thật sự

- Nếu chẳng may bạn bị trượt một vài môn thì phải làm sao đây?

Bí quyết: đừng quá hoảng sợ, vì học tài thi phận mà, ai cũng phải trải nghiệm nó trong thời học sinh của mình. Bạn hãy bình tĩnh xem vì sao bị trượt, có thể thi lại hay học lại bằng cách nào hiệu quả nhất, kiểm tra chi tiết với nhà trường, nói chuyện với những bạn học có kinh nghiệm hoặc Student Advisors.

Nhớ là: khi ở nhà, bạn được bao bọc bởi ba mẹ, có ba mẹ giúp giải quyết các vướng mắc. Khi du học, bạn phải tự làm lấy mọi chuyện; nhưng thực ra, khi gửi bạn du học, ba mẹ bạn và chính bạn cũng đã tin rằng bạn có thể tự giải quyết các vấn đề của mình rồi. Vì vậy, bạn phải học cách tự giải quyết, nhưng nhất thiết không nên giấu ba mẹ các "problems" của mình, người lớn sẽ có những lời khuyên, cách tháo gỡ các vấn đề hợp lý.

Hành trang mang theo khi du học Mỹ là gì?

1.Hành trang chuẩn bị : Mỗi du học sinh sẽ được mang theo hai hành lý ký gửi tổng cộng 46kg cùng với một va ly và một ba lô xách tay. Như vậy tổng cộng các bạn có thể mang theo tối đa là khoảng 56-60kg, một khối lượng không ít mà cũng chẳng quá nhiều.

2. Hành lý ký gửi : mình không đề cập nhiều vì điều này tùy thuộc từng cá nhân với những sở thích, hoàn cảnh khác nhau. Nhưng nhìn chung thì có những thứ các bạn nên mang theo:

3. Quần áo: đừng quá nhiều vì phong cách của Mỹ có đôi chút khác biệt với châu Á. Họ cũng mặc áo thun quần jean hoặc quần đùi. Tuy nhiên xét về kiểu dáng, thiết kế đến chất liệu đều có sự khác biệt. Do đó đừng nên mang quá nhiều quần áo. Hơn nữa, ở Mỹ thường giặt xong là sấy nóng nên vải Việt Nam sẽ bị rút. Tốt nhất là qua Mỹ hãy mua, vừa hợp gu vừa không bị hư hỏng.

Mì gói và một số đồ ăn khô: Đây là một sự chuẩn bị cần thiết vì khi mới qua, mọi thứ còn khá lạ lẫm. Mì gói và đồ khô sẽ giải quyết chuyện ăn uống trong khoàng một tuần đầu.

4. Thuốc: Nên mang theo một số thuốc cảm, nhức đầu, tiêu chảy và một ít trụ sinh. Điều này rất quan trọng vì khi mới qua Mỹ, chưa có bảo hiểm, chưa quen khu vực sinh sống. Nếu có bị gì thì khó xoay sở kịp. Thêm nữa thuốc ở Mỹ rất mắc. Muốn mua phải có toa thuốc của bác sỹ chứ không chạy ra tiệm thuốc mua như Việt Nam được.

5. Một số đồ cá nhân: máy tính, kim từ điển, laptop (nếu có sẵn thì nên mang theo, không thì để qua Mỹ mua sẽ rẻ hơn), đồ chuyển đổi giữa điện 220v (hai chấu) và 110v (ba chấu). Nếu ai dùng kính thuốc thì nên làm sẵn ít nhất hai cái vì bên Mỹ gọng kính rất rẻ nhưng tiền làm tròng kính và khám mắt thì rất mắc.

Phần trọng lượng dư còn lại tùy các bạn, cần gì và có sẵn gì thì cứ mang theo, đỡ tốn tiền mua. Nếu muốn sử dụng đồ mới thì không nên mua ở Việt Nam. Sản phẩm bên Mỹ xài điện 110v ba chấu và rẻ hơn, tốt hơn nhiều.

Bên cạnh những thứ cần mang thì có những thứ không được mang theo: thịt động vật đi trên cạn và bay trên trời. Chỉ có những thịt động vật bơi dưới nước (tôm cá mực khô) được mang theo. Đồ ăn dọc đường cũng vậy, nếu bạn mang theo xôi, cơm hay bánh mỳ thì nên giài quyết trước khi xuống sân bay Mỹ vì sẽ không được phép vào Mỹ.

Nếu bạn mang theo mì gói hay hủ tiếu gói thì hãy chọn mua những sàn phẩm có bao bì hình con cua, tôm. Đừng chọn hình hay chữ quảng cáo liên quan đến thịt. Đó là kinh nghiệm xương máu của mình khi đi qua Mỹ. Hành lý bị giữ lại kiểm tra ở Chicago nên sau khi tới Oklahoma gần một tuần mới nhận lại được.

6. Hành lý xách tay gồm một valy xách tay và một ba lô cá nhân: Chuyện bị thất lạc hành lý là chuyện như cơm bữa ở Mỹ. Do đó, va ly xách tay là tối cần thiết trong những trường hợp như vậy. Trong valy xách tay nên có một hoặc hai bộ quần áo, đồ dùng cá nhân như bàn chải, một ít mì gói, thuốc và những thứ quan trọng khác.

Đối với ba lô thì bạn sẽ mang theo những vật dụng có giá trị cùng hai thứ vô cùng quan trọng: Giấy tờ và tiền bạc.

7. Giấy tờ: theo kinh nghiệm của mình, mang theo tất cả những gì liên quan tới nhân thân cá nhân và lưu lại một bản sao y hệt như vậy ở Việt Nam cho gia đình. Những giấy tờ bằng tiếng Việt nên đi dịch sang tiếng Anh và công chứng.

8. Hộ chiếu, visa và I-94: Đây là bộ giấy tờ sẽ dính liền đến nhau và có giá trị quyết định đến việc bạn được hợp pháp ra vào nước Mỹ trong suốt một năm đầu kể từ ngày được cấp visa.

I-94 là giấy tờ nhập cảnh bạn khai trên máy bay trước khi bước chân lên đất Mỹ và do nhân viên an ninh hàng không tại sân bay đầu tiên ở Mỹ bạn bước xuống đóng dấu và xác nhận. I-94 cực kỳ quan trọng.

Visa dù có ghi là một năm nhưng đó là thời gian bạn được phép ở Mỹ thôi. Còn lưu trú bao lâu là do I-94 quyết định. Trên I-94 sẽ cho biết thời gian bạn được ở lại Mỹ (thường là bằng với thời gian trên Visa, có khi ít hơn). Tuy nhiên sẽ có thêm một dòng đó là F1 D/S (F1 Duration Status), có nghĩa là khi hết thời gian trên I-94, bạn sẽ không bị trục xuất nếu bạn còn giữ được tình trạng Visa F1 (phụ thuộc I-20).

I-20: Sau khi Visa hết hạn thì I-20 sẽ là tấm giấy thông hành cho bạn tiếp tục ở lại Mỹ. Điều quan trọng để làm được điều này là duy trì I-20 có hiệu lực (F1 status còn hiệu lực). Khi đó bạn sẽ được ở Mỹ hợp pháp miễn là không rời nước Mỹ dưới mọi hình thức.

Giấy khai sinh, khám sức khỏe, chứng minh nhân dân, giấy nhập học, v.v. Những giấy tờ này không nhất thiết là bản chính (ngoại trừ khám sức khỏe bằng tiếng anh) mà chỉ cần sao y, có dịch sang tiếng Anh và công chứng. Những loại này cũng quan trọng không kém vì khi ở cửa khầu sân bay, nhân viên an ninh có thể yêu cầu bạn xuất trình cho họ xem (đặc biệt là giấy khám sức khỏe).

Bộ giấy tờ Passport, Visa, I-94, I-20 nên được để chung với nhau vì chúng sẽ liên tục được yêu cầu xuất trình trong suốt chặng đường bay của bạn.

9. Tiền bạc: theo quy định của nhà nước Việt Nam thì công dân Việt Nam khi xuất cảnh có thể mang theo tối đa là 5000 đô la Mỹ. Nên để tiền chung một chỗ, đừng chia nhỏ ra. Công nghệ an ninh ở sân bay rất cao, do đó họ chỉ cần soi qua độ dày xấp tiền là biết được bạn mang theo bao nhiêu. Đừng chia nhỏ vì sẽ khiến họ không chắc được số lượng và bạn sẽ bị giữ lại để kiểm tra riêng, rất phiền phức. Bên cạnh đó, trước khi đi nên đổi khoảng 100 đô là sang tiền lẻ mệnh giá 1 hoặc năm đô la đề dùng dọc đường.

Cách xử lý những tình huống bất ngờ xảy ra khi du học Mỹ

Bên cạnh việc chuẩn bị đồ dùng, hành lý, các bạn cũng nên chuẩn bị để đối phó với những tình huống có thể gặp phải trên đường đi. Những tình huống hay gặp nhất:

1. Bị yêu cầu kiểm tra hành lý sau khi đi qua máy quét anh ninh sân bay: Điều này là hoàn toàn bình thường và không nên lo lắng nhiều. Bạn nên bình tĩnh, làm theo yêu cầu của nhân viên an ninh. Thông thường họ sẽ trực tiếp mở hành lý của bạn. Họ không xóc tung hành lý lên, máy soi đã chỉ chính xác vị trí vật dụng khả nghi của bạn. Do đó, hành lý xách tay phải do chính bạn sắp xếp để bạn biết được trong va ly của mình có gì và trả lời câu hỏi của nhân viên an ninh. Điều quan trọng là bình tĩnh và tự tin.

Nếu bạn còn lúng túng cho việc lên kế hoạch học tập và làm việc của mình tại nước ngoài hãy đăng ký ngay khóa học Lập kế hoạch du học tại cổng đào tạo trực tuyến Academy.vn


2. Thất lạc hành lý ký gửi: Lại một điều rất ư bình thường ở hệ thống sân bay Mỹ. Việc bạn cần làm đó là đi tới khu vực “Lost and Found” (Thất lạc và tìm thấy) ở sân bay. Làm theo những yêu cầu của họ để mô tả hành lý và cung cấp thông tin cá nhân. Khoảng một tuần sau hành lý sẽ được gửi trả lại cho bạn (hoàn toàn miễn phí).

3. Không tìm được cổng để thực hiện check-in chuyến bay kế tiếp hay bị lạc đường: Sân bay ở Mỹ khá lớn nhưng bạn chỉ cẩn để ý thông tin trên vé máy bay. Nhìn những bảng chỉ dẫn là có thể dễ dàng tìm được đường đi. Nếu không chắc thì không nên tự ý đi, hãy hỏi bất kỳ nhân viên sân bay nào (thậm chí là cả nhân viên lau dọn vệ sinh), họ sẽ vui vẻ chỉ cho bạn, nếu cần, họ sẽ trực tiếp dẫn bạn đi. Một điều hữu ích khi hỏi những nhân viên này là khi bạn gần trễ chuyến bay, họ có thể thông báo cho bộ phận bay chờ bạn thêm một chút.

Nhìn chung, nếu cần bất kỳ sự trợ giúp nào thì hãy mạnh dạn hỏi nhân viên sân bay. Họ được huấn luyện và được trả lương để trợ giúp bạn. Một điều quan trọng nữa là đừng nói chuyện với người lạ, đừng giữ đồ hay nhờ người lạ giữ đồ. Luôn để mắt đến hành lý và an toàn chính mình. Đừng để chuyện xảy ra rồi mới giải quyết. Bạn nên nhớ là bạn đang ở nơi xứ người, và thời gian là điều quý nhất.

Mọi sự chắc chắn không đơn giản nhưng không cũng không quá khó khăn để chuẩn bị chu đáo. Điều quan trọng nhất trong suốt chuyến bay là bình tĩnh và một chút nhạy bén. Chúc các bạn có một chuyến
“phiêu lưu” an toàn và thú vị nhé.

Bạn đọc quan tâm hay còn nhiều thắc mắc về hệ thống giáo dục, các ngành học, việc làm thêm khi chọn du học Mỹ có thể để lại thông tin tại phần hỏi đáp bên dưới để được cập nhật thêm thông tin hoặc bạn cũng có thể liên hệ trực tiếp với các công ty tư vấn du học uy tín - là đối tác của Kenhtuyensinh.vn để được cập nhật thông tin và tư vấn miễn phí.