Nhiều thí sinh đã quên ăn, quên ngủ để ôn luyện với mong muốn sẽ đạt được kết quả cao nhất. Vậy thì, đêm trước ngày thi có nên tiếp tục cày đề?

TOP 5 điều cha mẹ cần lưu ý về thời gian ngủ của con trước kỳ thi ĐH

TOP 5 điều cha mẹ cần lưu ý về thời gian ngủ của con trước kỳ thi ĐH

Thời gian ngủ là thời gian để não bộ nghỉ ngơi sau một ngày làm việc liên tục. Do vậy, để có thể chuẩn bị tinh thần tốt nhất cho kì thi ĐH sắp tới,...

1. Kinh nghiệm học thi từ thủ khoa

Theo kinh nghiệm của Nguyễn Lê Vân, thủ khoa khối D Trường ĐH Ngoại thương năm 2015, những ngày sắp đến kỳ thi THPT quốc gia, Vân sẽ không học bài mới mà chỉ ôn lướt qua những gì đã học.
Đào Ngọc Minh Huy, thủ khoa Trường ĐH Y Dược TP.HCM năm 2017, chia sẻ một tuần trước khi thi nên tập đi ngủ sớm để tạo nên thói quen và có được sự tỉnh táo cho đầu óc. “Hầu hết các thí sinh thì thời gian ôn thi thường sẽ thức khuya, thậm chí mất ăn mất ngủ chỉ vì lo lắng cho kỳ thi THPT quốc gia. Nhưng điều này không nên, vì như thế sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Các bạn thường nhầm tưởng là học nhiều thì sẽ nhớ nhiều nhưng chúng ta chỉ nhớ được nhiều và hấp thu kiến thức hiệu quả khi đầu óc chúng ta tỉnh táo nhất”, Huy chia sẻ.
Nguyễn Thị Khánh Huyền, thủ khoa khối A Trường ĐH Kinh tế TP.HCM năm 2017, cũng khuyên thí sinh không nên học kiến thức mới những ngày trước khi thi.

Đêm trước ngày thi có nên tiếp tục cày đề? - Ảnh 1

Không nên tiếp tục "cày cuốc" đêm nay trước ngày thi

2. Lời khuyên của bác sĩ về những ngày cận thi

Chị Nguyễn Thị Hòa Phương, phụ huynh của Thu Thủy, cho biết hằng ngày thấy con thức khuya học bài, sáng dậy trễ, vợ chồng chị rất lo lắng. “Cảm xúc vừa thương vừa lo vì giấc ngủ của con trái với nhịp sinh học. Còn chuyện ăn uống của con thì càng tệ hơn vì dậy trễ mệt nên không ăn bữa sáng. Thời gian qua mình cũng mua một số loại thuốc bổ để tăng tuần hoàn máu não cho con uống, bổ sung thêm các loại trái cây mà con thích. Thực sự kỳ thi này là bước ngoặt lớn nên dù con có học tốt thì phận làm cha mẹ vẫn không thể không căng thẳng. Cảm giác còn lo lắng hơn lúc con từ lớp 9 thi lên lớp 10 nhiều”, chị Hòa Phương cho hay.
Anh Hoàng Tuấn Minh, phụ huynh của Hoàng Tuấn Hải, HS Trường THPT Lê Quý Đôn, TP.HCM, lại thường xuyên lên mạng đọc những bài báo có lời khuyên của chuyên gia về cách học thi sao cho khoa học, rồi khuyên lại con mình không nên thức quá khuya. Anh Minh kể lại: “Thế nhưng con bảo phải thức để hệ thống lại toàn bộ kiến thức, đào sâu được thêm chút nào hay chút đó, nên vợ chồng mình chỉ còn cách động viên con, nấu cho con món ngon, con có mong muốn gì thì hỗ trợ để con có thể an tâm bước vào kỳ thi”.
Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp, Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho rằng việc thí sinh và phụ huynh lo lắng, căng thẳng là không thể tránh khỏi trong những ngày này. “Tuy nhiên, chỉ còn một hai ngày nữa là bắt đầu thi, thì việc thức quá khuya sẽ khiến các bạn dễ bị giảm trí nhớ do ngủ không đủ giấc hoặc ngủ sai giờ giấc. Phải ăn đủ no và ngủ đủ giấc, bên cạnh đó buổi sáng nên vận động để cơ thể được khỏe khoắn. Hãy để cho đầu óc được thư giãn thì mới có thể minh mẫn, tỉnh táo để vận dụng tốt các kiến thức đã học vào bài thi”, tiến sĩ Điệp đưa ra lời khuyên.

3. Dù là thời điểm ôn tập cao điểm, thí sinh cũng nên xây dựng chế độ ngủ “đúng - đủ”

Việc thức khuya kéo dài sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể mất cân bằng. Chia sẻ thêm về tác hại của việc thức khuya, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Ngọc - Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cho biết: Ngoài tác động đến hệ thần kinh, việc thức khuya kéo dài còn ảnh hưởng đến một số bệnh khác như: Các bệnh về mắt như khô mắt, nhức mỏi mắt, đau mắt, loạn thị… cũng ảnh hưởng không tốt đến kết quả học tập. Thức khuya cũng khiến da bị xấu, nổi mụn… khiến các em mất tự tin. Khi thức khuya, cũng khiến các em dễ bị rối loạn nhịp sinh học ngày đêm, đặc biệt ở những em dùng các chất kích thích như cà phê, trà đặc kéo dài dễ sinh ra trạng thái suy nhược thần kinh sau đó như ù tai, chóng mặt, hay nóng nảy, khó tập trung, cơ thể mệt mỏi, hay bị chuột rút..., các rối loạn nhịp tim như nhịp tim nhanh, hồi hộp trống ngực… Thời gian ngủ ít hơn thì nguy cơ bị bệnh tim cao hơn so với những người bảo đảm thời gian ngủ. Thậm chí thức khuya trong thời gian dài dẫn đến cơ thể bị stress liên tục, dễ dẫn đến nguy cơ của các chứng bệnh như tiểu đường, tim mạch, huyết áp.

Đêm trước ngày thi có nên tiếp tục cày đề? - Ảnh 2

Việc thức khuya kéo dài sẽ khiến nhịp sinh học của cơ thể mất cân bằng

Ngoài ra, mất ngủ còn khiến suy giảm hệ miễn dịch. Trên thực tế cho thấy, rất nhiều sinh viên, học sinh thường phát ốm sau nhiều đêm thức khuya để ôn thi. Thiếu ngủ luôn đi kèm với suy giảm miễn dịch và làm giảm các tế bào bảo vệ trong cơ thể, đối phó với vi khuẩn gây bệnh. Một nghiên cứu của Đại học Chicago (Mỹ) cho thấy, những ai chỉ ngủ 4 giờ mỗi đêm trong một tuần liền thì số kháng thể chống lại bệnh cúm giảm đi một nửa. Vì vậy, dù việc học tập có gấp gáp tới đâu, các em học sinh cũng nên tạm thời gác qua một bên và cố gắng dành thời gian ngủ đủ 8 giờ/ngày và không nên đi ngủ quá muộn.
Như vậy, việc thức thâu đêm để học ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe và công việc của con người, đặc biệt là học sinh - sinh viên. Nếu không có một sức khỏe tốt, một đôi mắt tốt và tinh thần làm việc sảng khoái, minh mẫn thì bạn không thể hoàn thành công việc hoặc hoàn thành việc học của bạn thật tốt. Do đó, dù thời gian đã gấp gáp cho kỳ thi sắp tới, thì các sĩ tử cùng gia đình hãy biết cách sắp xếp và cân đối thời gian giữa việc học và việc nghỉ ngơi thư giãn. Điều này không những có lợi cho sức khỏe thể chất mà còn giúp cho các sĩ tử có một tinh thần thoải mái bước vào kỳ thi và đạt được kết quả tốt nhất.
Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng với con người. Vì thế, dù là thời điểm ôn tập cao điểm, thí sinh cũng nên xây dựng chế độ ngủ “đúng - đủ” để kết quả kỳ thi được tối ưu.

> Nguyên tắc ăn uống trong mùa thi dành cho các sĩ tử

> TOP 7 điều cha mẹ cần lưu ý trước kỳ thi đại học của con

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp