1. Bạn cần chuẩn bị những gì cho kỳ thi ilets?

Tìm hiểu về kỳ thi và bài thi IELTS: Cái này dĩ nhiên là bắt buộc, nhưng vì không còn nhiều thời gian, các bạn đừng Google lung tung, rồi đọc hết cả lô xắc xông tất cả mọi thứ tìm được. Link này dẫn đến link kia, có khi bạn sẽ mất từ một buổi đến vài ngày để kết quả thu được vẫn “sương khói mờ nhân ảnh” (Hàn Mặc Tử). Bạn hãy vào ngay trang web của các đơn vị tổ chức thi (IDP và Hội đồng Anh), sẽ thấy những thông tin cụ thể và cần thiết nhất như giới thiệu chung về kỳ thi, cơ cấu đề thi, câu hỏi mẫu, tài liệu tham khảo, lời khuyên cho thí sinh,…Hãy đọc kỹ, đọc hết và…đọc đi đọc lại mọi điều bạn tìm thấy ở đó, thế là đủ.

Dành thời gian ôn luyện: Hãy cố gắng dành riêng 3-4 giờ mỗi ngày ở một nơi yên tĩnh, biệt lập để không bị quấy rầy, tắt chuông điện thoại. Nếu được, buổi sáng từ khoảng 8-12g là tốt nhất, vì đó là lúc kỳ thi thật diễn ra, đồng hồ sinh học của bạn sẽ (phần nào) làm quen với áp lực và tránh bị mệt mỏi không đúng lúc. Hãy làm trọn vẹn mỗi lần một bài test theo thứ tự Nghe – Đọc – Viết – Nói như trong kỳ thi thật, mỗi phần đều làm y hệt trong khoảng thời gian cho phép, chưa làm xong chưa đứng dậy. Nếu bạn là người hay ngủ dậy trễ (8-9g sáng), hoặc hay đói sớm (10-11g),…thì làm thế này sẽ giúp tránh được cảnh nhìn đề thi (nhất là phần Đọc) toàn chữ mà mắt cứ sụp xuống, hoặc làm bài với cái bụng sôi ùng ục, nhất là khi phải dậy sớm, ăn sớm lúc 5-6g sáng mà đến 12g vẫn còn đang ngồi “nhai” bài thi Viết. Nếu ngoài khoảng thời gian trên, bạn còn dành thêm được ít thời gian nào khác để “ăn IELTS, ngủ IELTS” thì càng tuyệt vời, dĩ nhiên là nếu bạn thu xếp được trăm công nghìn việc khác từ cơ quan, gia đình, con cái,…ielts-structure-format

Đạt điểm cao kỳ thi ielts chỉ trong 1 tuần ôn luyện

Đạt điểm cao kỳ thi ielts chỉ trong 1 tuần ôn luyện

Tài liệu: Nếu không mua/mượn được sách, bạn cứ Google mấy quyển Cambridge IELTS 7, 8, 9, 10 (quyển 10 này đa số trên mạng là sách “chế”, vì xuất hiện trên mạng lâu lắc trước khi NXB Cambridge cho ra sách thật, nhưng nếu cần dùng tạm vẫn được). Khi Google tên sách, nhớ kèm thêm mấy chữ pdf / ebook / CD / audio / mp3 để có thể tải được cả sách lẫn file nghe. Mỗi quyển có 4 bài test, mỗi ngày làm khoảng 1 bài là được, nên nếu quyển nào đã làm thì các bạn có thể bỏ qua, không làm lại nữa. Các quyển này có mức độ khó gần ngang ngửa với đề thi thật, lại do đơn vị đồng tổ chức và sở hữu kỳ thi IELTS xuất bản, nên bạn có thể hiểu tại sao nhiều người nói bộ Cam này là “huyền thoại” trong “ma trận” sách luyện IELTS. Nếu đã làm hết những quyển này, bạn có thể thử mấy quyển Recent Actual Test, nhưng lưu ý độ khó của chúng cao hơn mấy quyển Cam kha khá, nên đừng nản nếu thấy số câu làm đúng ít quá. Đừng tham, tải hay mua cả đống sách về rồi…để đó không rờ tới. Giải quyết từng “thằng” một, quý hồ tinh bất quý hồ đa mà. Thời gian bây giờ là vàng 4 số 9, đừng phí phạm lung tung.

Làm test: Dù bạn có “nổ não” sau khi thử làm một bài Nghe/Đọc, hay ngồi 1 tiếng đồng hồ mà chưa viết được nửa bài task 1/2, thì điều quan trọng là vẫn phải mỗi ngày làm một bài test đầy đủ tất cả các phần và dừng bút ngay khi hết thời gian. Bạn phải tập làm quen với áp lực, biết khi nào cần làm gì (vd đọc câu hỏi phần Nghe Section 3-4 khi người ta đọc Direction), nhận diện câu hỏi nào dễ để tập trung đầu tư thời gian trong phần Đọc hay phân chia thời gian hợp lý khi viết task 1 và task 2. Ba phần Nghe, Đọc, Viết bạn hãy làm vào tờ answer sheet của IELST (có thể tải trên mạng hoặc photo từ sách), nhất là phần Viết cần có answer sheet để bạn tập canh số từ, số dòng cho đủ yêu cầu tối thiểu, tránh vừa viết vừa lo sợ thiếu từ, hoặc bài viết không cân đối giữa các phần (quá dài hay quá ngắn). Riêng phần Nói, nếu không tìm được ai luyện cùng thì bạn có thể tự nói một mình rồi ghi âm, sau đó nghe lại hoặc nhờ người khác góp ý dùm.

Kiểm tra đáp án: Đáp án phần Nghe và Đọc ở cuối sách, nhớ cương quyết chỉ cho mình đúng khi câu trả lời giống đáp án chính xác 100%. Dù khác nhau chỉ một dấu phẩy, một con số, một chữ “s” thì sẽ là câu trả lời sai – bạn hãy nhớ kỹ những lỗi sai đó để đừng phạm lại khi đi thi – còn nếu lỡ hôm nào đó mát trời, giám khảo châm chước cho điểm câu trả lời của bạn (xác suất thấp!) thì coi như ông bà phù hộ. Nói thẳng ra là sẽ không có chuyện các bạn sẽ được ưu ái hơn khi chấm điểm vì là ứng viên học bổng hay vì bất cứ lý do gì khác đâu. Phần Viết, nếu không nhờ được ai sửa bài giùm thì bạn có thể đánh máy lại rồi dùng chức năng Spelling and Grammar của Word, sẽ sửa được khá nhiều lỗi chính tả và ngữ pháp. Cao cấp hơn thì dùng các phần mềm như White Smoke, hoặc các diễn đàn sửa bài viết miễn phí như Chữa Writing miễn phí chẳng hạn (tìm tên nhóm trên Facebook bạn nhé)

2. Luyện thi ielts hiệu quả bằng việc rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết thật tốt

Kỹ năng Nghe: Hãy nhớ giữ tâm lý thật thoải mái, vì chỉ một giây lo lắng hay nghĩ ngợi vẩn vơ là các bạn có thể bị vuột mất vài câu trả lời đúng, hay tệ hơn là bị “trôi” không biết người ta đang nói đến câu nào và khả năng là bị mất nguyên một section. Hãy nhớ, chỉ cần đúng 8-10/40 câu là các bạn đã đáp ứng được yêu cầu của chương trình (không môn nào dưới 3.5), cho nên cứ bình tĩnh nếu 2/3 thời gian bạn chẳng hiểu nó đang nói cái gì. Kỹ năng quan trọng mà bạn có thể luyện lúc này là…đoán câu trả lời. Suy luận xem mình đang thấy văn bản loại gì, những chỗ trống này cần điền từ loại gì, điền thông tin nào, loại suy những câu trả lời bất hợp lý,…

Ví dụ bạn nhìn thấy một cái mẫu đơn, vậy nhiều khả năng phải điền thông tin cá nhân. Nếu chỗ trống nằm sau chữ Gender, gần như chắc chắn bạn có một trong hai lựa chọn là Male/Female, hay nếu cần điền một phương tiện giao thông công cộng, thì bạn nên đoán trước câu trả lời sẽ là xe buýt / tàu lửa / taxi/ xe điện ngầm,… Nếu thấy nội dung bài về một bảo tàng, vậy thì mục Closing time nhiều khả năng là những đáp án như là 5pm/ 6pm hơn là 10am / 11pm,…Nguyên tắc vàng: Đọc câu hỏi – Đoán câu trả lời – Nghe – Chọn thông tin cần nghe – Ghi lại.

Lưu ý: Chỉ nghe những cái cần nghe – ở những chỗ cần nghe. Để nghe cái cần nghe thì cần phải xác định: ta cần nghe cái gì? Ví dụ: với câu này, ta cần nghe danh từ chỉ người (vì câu hỏi là Who…?), vậy các bạn chỉ cần nghe những tên riêng của người, hoặc các danh từ tận cùng bằng –er, -or, -ist, -ant,… Nếu câu hỏi Where, chỉ cần nghe nơi chốn, hay với câu hỏi Why nên tập trung cao độ khi nghe chữ “because / since / for / as,…) Còn nghe ở chỗ cần nghe, là vì thông tin trong phần Nghe sẽ theo đúng trật tự câu hỏi, nghĩa là câu trả lời của câu 1 sẽ nằm ở phần đầu bài nghe, còn câu 2 sẽ ở sau câu 1 và cứ thế. Nên nếu bị vuột mất 1-2 câu, bạn cứ bình tĩnh đọc tiếp, nghe tiếp, chờ sẵn ở những câu tiếp theo, không có gì phải xoắn, trừ phi bạn đặt mục tiêu 9.0 Listening tongue emoticon

Túm lại, nghe là kỹ năng cần nhiều thời gian luyện tập mới tiến bộ được, vậy nên trong một tuần ngắn ngủi còn lại, bạn cứ nghe càng nhiều càng tốt, nghe mọi lúc mọi nơi kể cả khi ngủ nếu muốn, còn khi đi thi, nó nói gì kệ nó, ta đoán được câu nào thì cứ đoán, biết đâu đoán bậy đoán bạ mà trúng tùm lum tà la thì sao tongue emoticon

Kỹ năng Đọc: Tiếp tục phát huy khả năng đoán mò bạn nhé. Thực ra, nói là đoán mò cho vui chứ cái gì cũng có logic của nó, nắm được logic đó thì mọi việc sẽ dễ dàng hơn nhiều. Ví dụ, đọc tiêu đề, bạn có thể hình dung bài sẽ nói về cái gì. Nếu bài nói về một hiện tượng tự nhiên chẳng hạn, bạn hãy vận dụng hết 10 thành công lực tích tụ từ những năm viết báo cáo hay làm nghiên cứu khoa học hay xem tivi, nghe đài, đọc tạp chí chuyên ngành…để hình dung là cơ cấu bài sẽ thế nào. Chắc là sẽ đưa ra một định nghĩa cho hiện tượng đó, rồi lý giải tại sao hiện tượng đó xảy ra, nó có tác động như thế nào đối với môi trường sinh thái, cuộc sống con người, phải làm gì để hạn chế tác hại hay phát huy tác dụng của nó…

Hay nếu đoán được bài này viết về một loài động vật, bạn sẽ hình dung bài này sẽ miêu tả hình dáng, đặc điểm, quá trình sinh trưởng, phát triển của nó, con người sử dụng nó để làm gì, hiện nay nó có gặp hay mang lại nguy cơ gì không, giải pháp là gì,…Nguyên tắc của tiếng Anh học thuật là mỗi đoạn chỉ tập trung phân tích một ý, do vậy nếu câu hỏi về định nghĩa hoặc nguy cơ thì bạn biết phải tìm ở đoạn nào, phần nào trong bài rồi đấy. Cũng cần nhớ là mỗi đoạn sẽ có một “topic sentence” nói lên ý chính của đoạn, thường nằm ở đầu hoặc cuối đoạn, cũng giống như đoạn mở đầu hay kết luận cũng sẽ nói lên ý chính của cả bài. Thật quen thuộc phải không?

Như vậy là chỉ cần lướt qua câu đầu và câu cuối của từng đoạn là ta biết được mỗi đoạn nói về cái gì, nhưng nếu nhìn vào mỗi câu mà thấy câu nào cũng dài loằng ngoằng, chẳng có từ nào quen, hoặc có khi cái từ nó quen mà cái nghĩa nó…hổng quen thì làm sao? Kinh nghiệm tiếp theo là dùng kiến thức ngữ pháp (cái này thì người Việt mình khá tốt) mà “chẻ” nhỏ cái câu đó ra, chia để trị. Tìm chủ ngữ của câu (câu này sẽ nói về cái này), động/tính từ theo sau (à cái chủ ngữ này nó làm thế này / nó có đặc điểm này), tân ngữ (à thằng chủ ngữ nó tác động lên cái này),…còn các cụm giới từ, trạng ngữ,…thì sẽ là bối cảnh của hành động / sự kiện đó. Chỉ cần biết câu này nói về X, X thực hiện Y với Z tại ABC thế là đủ để trả lời câu hỏi trong bài rồi, mà trả lời đúng nhé, chả cần biết mấy cái thằng ABCXYZ đó nghĩa là gì trong tiếng Việt đâu bạn ạ. Còn nếu thi xong rồi mà bạn vẫn muốn học (vì chắc chắn là sẽ phải học rồi) thì ta cứ học thôi.

Kỹ năng Viết: Kinh nghiệm xương máu của mình là “Trăm hay không bằng tay quen”. Bạn có đọc hàng trăm bài viết mẫu, cộng với tất cả các bài chia sẻ kinh nghiệm đi nữa mà không viết được một bài nào trước khi đi thi thì cũng “toi” như thường. Lần đầu đi thi, mình không đọc bất cứ bài mẫu nào, chỉ tự viết đúng 8 bài test trong 2 quyển Cam 7,8 thì điểm cao hơn lần 2 ngồi đọc hết quyển IELTS Write Right, còn ghi ra đến gần chục trang giấy những cấu trúc hay ho, phức tạp,…Do đã luyện quen với áp lực nên lần đầu mình viết rất nhanh, dư đến hơn chục phút để ngồi sửa lỗi chính tả dù gặp đề lạ (ngày nay người ta quan tâm nhiều đến chuyện truy tìm nguồn gốc tổ tiên ông bà – khuynh hướng này tích cực hay tiêu cực?), còn lần sau vì không hề luyện tập nên quản lý và phân bổ thời gian tệ hại, viết task 1 đến gần 40 phút và kết quả là task 2 còn có hơn 20 phút mà còn chưa cả viết kết luận cho task 1!

Còn lại thì Viết nhiều khi cũng không quá khó như nhiều người vẫn tưởng. Chỉ cần theo đúng nguyên tắc một bài viết nên có đủ 3 phần Mở – Thân – Kết, trong đó phần đầu và cuối chỉ nên 1 đoạn, thân bài thì 1-3 đoạn tùy task 1 hay 2. Nên nhớ mỗi đoạn chỉ nên có một ý chính, và nên để ý này (chính là câu Topic sentence) lên đầu đoạn, sau đó đưa thêm vài câu để làm rõ chẳng hạn 1 câu chứa ví dụ, 1 câu nêu nguyên nhân / kết quả hay phân tích mặt mạnh/yếu, thuận lợi/ bất lợi,…thế là xong. Đừng viết rườm rà, dài dòng hay hoa mỹ viển vông. Nhớ chọn ý nào dễ viết, dễ khai triển, và sắp xếp ý tưởng theo trình tự hợp lý, mạch lạc là được (vd quan trọng nhất đưa lên trước, hay theo trật tự thời gian, hay mỗi đoạn viết về một quan điểm khác nhau,…) Việc dành thời gian lập dàn ý và tự sửa lỗi sau khi viết cũng cực kỳ quan trọng, không nên bỏ qua vì lười biếng hoặc thiếu thời gian.

 

Kỹ năng Nói: Đừng ai như mình, ôn thi Nói bằng cách ngồi…đọc (thầm) sách IELTS Speaking (Collins) xong đi…ngủ! Mà chính xác là cũng không đọc kỹ, giở lướt lướt dòm lướt lướt xong gấp sách lại. Đi thi thì Part 2 trúng ngay cái đề đã đọc (your favourite restaurant), mà chỉ nhớ có cái đề chứ có nhớ cái gì đâu (vì có đọc gì đâu mà nhớ!). Lại còn ỷ y nghe giám khảo nói mày cứ nói đi, hết thời gian tao sẽ bảo mày dừng. Thế là nói, nói xong không thấy ổng dừng, nghĩ chắc chưa hết giờ thế là quay lại…nói tiếp (dù đã kết luận xong xuôi)! Ngồi liếc thấy ổng ghi một loạt điểm vô cái tờ giấy trước mặt, có số 5, số 7, nghĩ chắc là tiêu quá, về buồn hết một tuần. Vậy mà không chừa, đi thi lần 2 cũng lại giở quyển IELTS Speaking của Mat Clark ra đọc sơ sơ.

Lý do: Tết mà, nhiều việc phải làm lắm, con thì mới 3 tháng, rảnh đâu mà ôn, mà ai cũng bận đi chơi, ai thèm ôn với mình. Đi thi thì gặp đề khó, về nhiếp ảnh, công nghệ và chất lượng nghệ thuật, hội họa,…Cũng không hiểu nổi tại sao lên hẳn 1.0! Kết luận: chắc tại lần này biết cách trả lời hơn (đọc được gần hết quyển sách chứ bộ!) cộng với kinh nghiệm luyện nói IELTS cho học trò, chứ giám khảo mà biết mình ôn kiểu gì chắc chỉ có khóc thét!

Lời khuyên: nên tìm người cùng chí hướng / mục tiêu với mình mà luyện. Nhờ được người giỏi hơn thì quá tốt, không thì “ngang cơ” mình cũng được, miễn là chịu khó đọc sơ qua mấy quyển Speaking mình đề cập ở trên (không cần đọc kỹ lắm đâu, đủ để nắm được cách trả lời và có câu hỏi + ý tưởng để luyện tập là được. Từ vựng và ý tưởng trong mấy quyển sách đó (nhất là quyển của Mat Clark) sẽ rất hữu ích không chỉ cho phần Nói mà còn cả cho phần Viết nữa.) Gặp được nhau thì luyện trực tiếp, không thì luyện từ xa qua Skype, điện thoại (nếu có dùng gói cước miễn phí nội mạng chẳng hạn), không thì Zalo, Viber,…mình thấy trên các nhóm luyện thi IELTS hay rủ nhau luyện qua Skype, cũng là một ý tưởng hay, nhưng nói chung nên tìm người “cùng chung mặt trận” để chiến đấu là tốt nhất, vì cùng chung áp lực nên sẽ tự nhắc nhở nhau. Mà nếu thời gian của bạn bận rộn quá thì tự nói, tự ghi âm, tự nghe lại và tìm lỗi xong tự ghi âm tiếp cũng là một cách. Miễn là bạn kiên trì, có luyện tập thì khi đi thi sẽ tự tin hơn, mục tiêu 4.5 sẽ hoàn toàn trong tầm tay.

Video giới thiệu Khóa học luyện thi ielts cấp tốc - Academy.vn: Kỹ năng cho người đi làm

3. Một số điều cần lưu ý khi luyện thi ielts

Tuyệt đối tránh dịch: Dù trong bất cứ kỹ năng nào, hãy tuyệt đối tránh dịch từ Anh sang Việt, rồi lại dịch ngược câu trả lời từ Việt sang Anh. Điều này là một thói quen khó bỏ với thế hệ những người học tiếng Anh thế hệ trước. Nó sẽ làm chậm tốc độ của các bạn, chưa kể là dịch sai sẽ làm mình hiểu sai dẫn đến sai hàng loạt câu trả lời. Hãy luôn cố gắng đoán, suy luận, không được thì thôi. Hãy nhớ: cho dù bạn dịch được, chưa chắc bạn trả lời đúng. Trong khi đó, chỉ cần hiểu sơ sơ, thậm chí có khi không cần hiểu (vì ta chỉ cần tìm thông tin) thì bạn đã có câu trả lời đúng (vì ta biết ta cần tìm thông tin gì, ở chỗ nào trong bài rồi).

Từ vựng & Ngữ pháp: Trong thời gian ngắn ngủi một tuần, chuyện nâng cao từ vựng là bất khả thi. Nên đừng ôm đồm tìm cách học nhiều từ mới, từ khó,…Hãy tập trung vào những từ bạn thường thấy xuất hiện trong phần Nghe / Đọc, thấy xuất hiện nhiều mà không nhớ nổi nghĩa. Đặc biệt lưu ý đến những từ bạn phát âm sai để cố gắng sửa, vì phát âm sai sẽ khiến bạn không nghe được, và giám khảo không hiểu được bạn muốn nói gì. Một tuần này dành để sửa lỗi phát âm, nhất là những lỗi thường gặp (dù khó thành nếp) vẫn sẽ hữu ích hơn nhiều chuyện cố gắng nhồi nhét từ vựng để rồi lại quên ngay vì không dùng đến.

Còn về ngữ pháp, cách đơn giản nhất là ngồi dò lại các bài viết của mình để tự sửa lỗi. Nếu có người cùng học thì đổi bài để sửa cho nhau, bởi nhận ra lỗi của người khác bao giờ cũng dễ hơn lỗi của mình. Không thì lôi file ghi âm của mình ra tìm xem mình sai ngữ pháp ở chỗ nào. Ghi chú lại những lỗi mình thường sai, rồi ôn lại những điểm ngữ pháp liên quan và tập nói/viết sử dụng điểm ngữ pháp đó vài lần mỗi ngày đến khi hết sai thì thôi.

Từ đồng nghĩa, phản nghĩa: rất thường khi, câu trả lời chứa những từ y hệt như trong bài đọc (trừ các danh từ riêng, thuật ngữ,…) là câu trả lời sai, còn câu chứa những từ hoặc cấu trúc đồng nghĩa / phản nghĩa với từ ngữ trong bài mới là đáp án đúng. Vì đề thi IELTS không chỉ nhằm kiểm tra khả năng nghe/đọc của bạn mà còn kiểm tra khả năng Hiểu những gì bạn đọc/nghe, và cách đơn giản nhất là dùng từ đồng nghĩa hay dùng từ trái nghĩa rồi phủ định nó đi. Sử dụng logic này, nhiều khi bạn sẽ lựa chọn được câu trả lời đúng khi đang phân vân giữa 2 phương án trả lời, hoặc khi cần loại suy bớt vài lựa chọn.