Không cần đến trung tâm ngoại ngữ vẫn có thể đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS, Đó là kinh nghiệm của một nữ nhà báo vừa đạt điểm 8.5.
Là một nhà báo trẻ làm việc tự do tại Hà Nội, Minh Thi vừa tham dự đợt thi IELTS tháng 11/2014 và đạt số điểm 8.5. Trong đó kỹ năng Listening đạt 9 điểm, Speaking đạt 8.5, Reading đạt 8 và Writing đạt 7.5. Minh Thi cho biết đã trải qua một thời gian dài tự rèn luyện, không hề đến học tại một trung tâm ngoại ngữ nào.
6 bí quyết học tiếng anh thi ielts đạt điểm cao
1. Tra từ điển Anh-Anh: Một trong những thói quen hiệu quả để học từ mới là tra từ điển Anh-Anh thay vì Anh-Việt, hoặc song song với từ điển Anh-Việt. Phương pháp này nhằm vào hai mục đích: giúp hiểu rõ bản chất của từ, vì ý nghĩa của từ sẽ được diễn giải bằng cách dùng những từ ngữ tiếng Anh cơ bản nhất; và giúp hình thành tư duy bằng tiếng Anh. Cách làm này có lợi hơn hẳn so với tra Anh-Việt, vì loại từ điển đó chủ yếu cung cấp từ tương đương trong tiếng Việt, chứ không giúp người học hiểu được đầy đủ những sắc thái riêng của từ trong tiếng Anh. Hãy tập cho mình thói quen tra từ điển Anh-Anh trước, rồi nếu vẫn không hiểu thì mới tra thêm Anh-Việt.
2. Học từ bằng cách tự đặt câu: Rất nhiều người học từ chỉ bằng cách liệt kê một loạt từ mới bên cạnh nghĩa tiếng Việt của chúng, một cách chỉ hiệu quả với người có trí nhớ cực tốt. Bạn không nên học từ mới một cách biệt lập, mà phải học từ theo cách dùng của chúng, tức là phải tìm hiểu cụ thể từ ấy thường được dùng trong những ngữ cảnh nào, đi với những trạng từ, động từ, danh từ... nào. Muốn làm được điều đó, bạn hãy ghi chép lại những câu ví dụ trong từ điển, sau đó tự đặt câu khác với từ mới ấy. Khi đã hiểu rõ nghĩa của từ đã học, bạn hãy áp dụng chúng bất cứ khi nào có thể, ví dụ như khi viết thư cho đối tác/đồng nghiệp người nước ngoài, hay khi tập viết bài luận tiếng Anh.
3. Đọc sách tiếng Anh: Hãy tìm đến bất kỳ cuốn sách tiếng Anh nào khiến bạn hứng thú, không phân biệt đề tài. Nếu bạn yêu thích một tác phẩm văn học Anh-Mỹ, hãy tìm nguyên bản của tác phẩm ấy để nghiền ngẫm lại sau khi đã đọc bản tiếng Việt. Như thế, bạn sẽ cảm thấy đọc sách tiếng Anh "dễ vào" hơn nhiều vì bạn đã biết nội dung của cuốn sách đó rồi.
Bạn cũng có thể tìm đọc những cuốn sách dạng "self-help" (giúp cải thiện bản thân) nổi tiếng, như How to Win Friends & Influence People, nguyên bản của Đắc nhân tâm. Những cuốn sách ấy được viết cho quảng đại công chúng nên có cách diễn đạt giản dị hơn so với các tiểu thuyết hay sách chuyên ngành
4. Đọc báo tiếng Anh: Hãy tập cho mình thói quen đọc báo hàng ngày, hoặc ít nhất hàng tuần. Hãy đọc về những vấn đề bạn yêu thích. Đó có thể chỉ là một bài báo về chuyện làm sao để có nhiều bạn bè tốt, những cách giúp bạn tiết kiệm tiền, cách chế biến một món ăn mới, hay bài viết giới thiệu một bộ phim. Nhiều trang tin còn có hẳn chuyên mục riêng dạy học tiếng Anh.
5. Xem phim tiếng Anh: Xem phim thật nhiều chính là chìa khóa để sở hữu một vốn tiếng Anh chuẩn vì thói quen này không chỉ giúp bạn rèn luyện kỹ năng nghe mà còn giúp bồi dưỡng khả năng phát âm chuẩn, đồng thời là cách học từ mới vô cùng hiệu quả.
Hãy bắt đầu bằng cách xem phim với phụ đề tiếng Anh (thay vì phụ đề Việt ngữ) nếu bạn chưa tự tin - nhưng khi xem phim bạn phải chú ý đến cách phát âm của diễn viên và từ mới, chứ không chỉ chăm chăm đọc phụ đề. Sau khi đã có tiến bộ, hãy xem phim truyền hình, phim tài liệu trên các kênh Discovery, National Geographic,.. với nội dung đơn giản. Bạn cũng có thể xem phim hoạt hình - vì đặc điểm chung của phim hoạt hình là cách phát âm của người lồng tiếng phải rất rõ ràng để các em nhỏ có thể hiểu được. Sau khi trình độ của bạn đã cao, bạn có thể bắt đầu xem phim điện ảnh mà không cần phụ đề.
Xem phim đồng thời có thể cải thiện kỹ năng nói của bạn, nếu bạn chú ý đến cách phát âm của diễn viên và tìm cách bắt chước. Thông qua việc xem phim thường xuyên, bạn sẽ thấy cách phát âm và ngữ điệu trong giọng nói của diễn viên dần dần "ngấm" vào mình, và khi có dịp thực hành, bạn sẽ thấy những kiến thức đó dần biến thành của bạn.
6. Kết bạn với người nước ngoài: Lý tưởng nhất, hãy kết bạn với những người đến từ các nước nói tiếng Anh. Ngày nay, các website phục vụ cho việc kết bạn với người nước ngoài có rất nhiều, ví dụ như Couchsurfing, trang web giúp dân du lịch làm quen với người bản xứ. Bạn có thể làm quen với người nước ngoài đến Việt Nam du lịch, dẫn họ đi chơi, sau đó giữ liên lạc với họ. Chat Facebook, trao đổi email, nói chuyện qua Skype với bạn bè ngoại quốc là những cách tốt để rèn luyện kỹ năng.
Ngoài ra, trên mạng hiện có rất nhiều diễn đàn chuyên đề, ví dụ như diễn đàn phim ảnh, nhiếp ảnh, hay công nghệ…Bạn có thể đăng ký làm thành viên của một diễn đàn chuyên về đề tài bạn yêu thích, và tham gia thảo luận cùng các thành viên đến từ khắp nơi trên thế giới.
Bạn cũng có thể tìm thấy vô số cơ hội kết bạn với người nước ngoài trong môi trường sống của mình, ví dụ như một chuyên gia nước ngoài làm cùng công ty, hay ông sếp của bạn. Hãy mạnh dạn trò chuyện với người nước ngoài, và bạn sẽ thấy nói tiếng Anh không khó khăn đến thế!
Chia sẽ bí quyết luyện thi IELTS 7.5 – Bắt đầu từ con số 0
Mình đã thi IELTS tại IDP vào ngày 11/8. Thực tế là khoảng thời gian ôn mình tranh thủ vào hè được nghỉ ở trường, nên cũng không được nhiều, chỉ ôn tập trung được 1 tháng. Nhưng kết quả mình nhận được, so với điểm bắt đầu của mình, thì cũng khá hài lòng.
7.5 Overall với từng kĩ năng là:
Reading: 8.5 Listening: 8.5 Writing: 7.0 Speaking: 6.0
Hiện giờ thì mình sắp thành SV năm cuối trường Ngoại thương. Mình là dân chuyên Toán thi vào trường là khối A, nên từ cấp 3 mình cũng không xác định gì về việc học tiếng Anh cả. Bước chân vào đại học, mình cũng khá là hoang mang vì trường mình nhiều bạn khối D giỏi ngoại ngữ quá. Vì thế mình quyết định sớm đi học thêm tiếng Anh bên ngoài vì nếu không sẽ sớm bị tụt hậu so với bạn bè. Lúc đó thì mình cũng chưa xác định là học bằng IELTS hay bất cứ bằng gì, chỉ nghĩ là sẽ nâng cao trình độ chung chung. Nhưng thực tế là, vì bỏ quá nhiều suy nghĩ vào chuyện đó nên mãi sau mình mới quyết định đi đăng kí học ở trung tâm luyện thi IELTS. Đến giờ thì mình nghĩ rằng, bạn học bằng gì không quan trọng, bởi vì cuối cùng thì khả năng sử dụng tiếng Anh của bạn sẽ tiến bộ nên hãy đừng đắn đo suy nghĩ quá nhiều đối với các bạn mới bắt đầu học nhé! Còn tại sao đợt đó mình quyết định học IELTS thì là vì bằng IELTS trở nên ngày càng phổ biến và đã được chấp nhận ở nhiều trường ĐH trên thế giới.
1. Reading: Đây là phần mình khá yếu lúc ban đầu. Một phần vì nó khó nhưng phần lớn là do mình chưa quen đọc bài với lượng từ vừa nhiều vừa học thuật như vậy. Mình nghĩ sẽ có nhiều bạn bị như mình. Nhưng mình thấy tất cả đều trở nên dễ dàng hơn nếu bạn hình thành thói quen tốt cho mình.
Để giảm dần trạng thái đau đầu và buồn ngủ khi đọc, các bạn hãy luyện tập dần dần, chăm chỉ. Mỗi ngày hãy dành ra 20-30 phút đọc các bài báo tiếng Anh (trên mạng, hoặc báo giấy, tạp chí,…) Nhiều người cũng hay bảo mình là đọc bất cứ cái gì cũng được như là truyện tranh, truyện cười,… nhưng mình nói luôn là đọc như vậy cũng được nhưng mang tính giải trí nhiều hơn. Khi bạn đọc các bài báo, văn phong của nó sẽ giống như đề thi vậy, vì thế bạn sẽ học cách đọc hiểu và tăng tốc độ thật sự. Hơn nữa bạn cũng học được rất nhiều từ hay từ các bài báo, vận dụng cho IELTS Writing. Nếu giữ đúng thói quen đọc hàng ngày, mình tin rằng chỉ 1 tháng sau, các bạn sẽ không còn sợ khi phải làm các bài đọc dài nữa.
Về tài liệu thì mình nghĩ các bạn nên làm trong các bộ đề gồm:
- Cam 1 – 8
- IELTS for academic purpose
- IELTS Plus 1 – 3
- IELTS Practice Tests của Peter May
(Đã sắp xếp theo độ khó tăng dần)
Mình thấy làm trong các bộ đề thì câu hỏi và bài đọc sát thực tế hơn.
2. Listening: Kĩ năng này của mình khá hơn Reading một chút vì mình khá thích làm Listening. Tuy nhiên, lúc đầu mình gặp khó khăn với giọng British. Tương tự với Reading, phần này các bạn cũng cần luyện tập hằng ngày đó là nghe BBC. Thực ra nghe VOA, CNN cũng được, nhưng vì bài nghe IELTS chỉ toàn giọng Anh thôi nên mình khuyên các bạn hãy nghe theo giọng Anh ngay từ khi ôn. Mỗi ngày bạn có thể bật BBC radio lên nghe và làm các việc khác. Việc nghe này cũng khá thú vị vì bạn có thể cập nhật tất cả tin tức thời sự hay. Nhưng nếu ban đầu nghe bạn sẽ hơi đau đầu vì các phát thanh viên nói hơi nhanh, dần rồi bạn sẽ quen và bắt được từ.
Sách Listening thì mình cũng chỉ sử dụng trong các bộ đề là nhiều, tương tự như Reading.
Tóm lại, với 2 kĩ năng bị động này là cần luyện tập chăm chỉ, không bỏ cuộc. Vậy chắc các bạn sẽ thắc mắc mình đi học trung tâm được cái gì. Thực tế chính các thầy cô ở trung tâm đã đưa ra cho mình nhiều bí quyết ôn luyện tại nhà như thế, đồng thời cũng dạy mình cách làm của từng dạng bài nên mình cảm thấy đỡ bỡ ngỡ hơn nhiều. Mình đươc chỉ dẫn rất cẩn thận cả về những lỗi thường gặp hay là được giải đáp tại sao câu này mình làm sai, làm đúng.
3. Writing: Đây là phần mình cảm thấy các thầy cô ở trung tâm giúp mình nhiều nhất. Khi mình mới học, mình không có khái niệm gì về viết học thuật cả. Chính vì thế các thầy cô đã tạo nền tảng viết ban đầu cho mình, từ dạy cấu trúc viết, rồi các dạng câu và từ ngữ nên sử dụng, …
Đồng thời, mình cũng được sửa chữa bài viết rất nhiều. Khi học người bản xứ, bạn sẽ được chỉ dẫn đúng cách viết của tiếng Anh và không bị suy nghĩ tiếng Việt và dịch ra nữa.
Ngoài ra, mình cũng hay tranh thủ các online session hay tìm được trên Internet để học từ và cấu trúc mới. Vì nói đi nói lại, khi thi các bạn không thể chỉ viết đúng một kiểu được học, vì nếu vậy examiner sẽ không đánh giá cao và cho điểm thấp. Thế nên hãy tranh thủ học từ nhiều nguồn nhé!
Ví dụ các bạn có thể học từ fanpage và blog của Hội sĩ tử luyện thi IELTS, hoặc vào một số website trung tâm tiếng Anh để xem các online sessions của nó. Đây là nguồn học vô cùng đa dạng, đồng thời cũng rất khác so với những form mẫu sẵn mà các bạn được học ở lớp.
4. Speaking: Điểm phần này của mình không tốt lắm, vì mình chưa thực sự tận dụng được các cơ hội khi học ở trung tâm. Sau khi học xong ở trung tâm được mấy tháng trời mình mới đi thi, và cũng không tham gia câu lạc bộ tiếng Anh nào nên khả năng giao tiếp với người bản xứ không được tốt. Mình nghĩ trước khi đi thi, bạn nên luyện riêng khóa Speaking để được hình thành được phản xạ nhanh khi nói chuyện với người nước ngoài. Phần Speaking này thì không có kinh nghiệm gì nhiều, chỉ là hãy thực hành thật nhiều và sử dụng các cơ hội để rèn luyện và trau dồi kĩ năng.
Tóm lại với 2 kĩ năng chủ động này thì mình lại thấy sự giúp đỡ của các thầy cô giáo là rất nhiều. Vì bạn sẽ biết được chính xác thì người bản xứ sẽ xử lý như thế nào trong các đề bài được cho.