Nhiều địa phương đã lên kế hoạch cho học sinh học trực tiếp tại trường, sau thời gian dài tạm nghỉ do dịch COVID-19, cùng nhiều phương án đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Hơn 10 ngày qua, nhiều học sinh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã đến trường sau 4 tháng học online. Các trường đã chia đôi sĩ số để tách thành 2 nhóm học sáng, chiều hoặc lệch giờ để giãn cách, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
Trao đổi với Zing, Giám đốc Sở GD&ĐT Sóc Trăng Châu Tuấn Hồng cho biết lớp 7-12 tại các địa phương vùng xanh, vàng (dịch cấp 1, 2) học trực tiếp tại lớp từ ngày 10/1. Mỗi lớp, học sinh được chia thành 2 nhóm và một tuần học bao nhiêu buổi do các trường quyết định.
Trong 3 tuần thí điểm dạy trực tiếp, các trường sẽ cho học sinh quen dần không khí ở lớp sau nhiều tháng học online. Ngành giáo dục Sóc Trăng sẽ họp rút kinh nghiệm để có phương pháp dạy, học tốt nhất.
“Sau những ngày dạy trực tiếp, lãnh đạo các trường báo cáo rằng học sinh vui vẻ đến trường, phụ huynh đồng tình với việc này. Tuy nhiên, có vài trường hợp phụ huynh còn e ngại nhưng sau đó đã cho con đến lớp. Những trường vùng cam và đỏ, các em tiếp tục học online”, ông Hồng nói.
Tại TP Sóc Trăng, tiến sĩ Phùng Kim Phú, Hiệu trường trường THPT Hoàng Diệu, thông tin học sinh chỉ học 2 buổi mỗi tuần. Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, trường kết nối với phụ huynh để những em có những dấu hiệu bất thường sẽ ở nhà học trực tuyến. Khi vào lớp, các em giữ khoảng cách 1 m, ngoài lớp là 2 m.
Theo ông Phú, những ngày đầu đến lớp, học sinh rất phấn khởi và thực hiện tốt 5K. Lãnh đạo trường THPT Hoàng Diệu đặc ra mục tiêu chính trong 3 tuần trước Tết Nguyên đán Nhân Dần 2022 là ổn định tâm lý cho học sinh, không đặt nặng vấn đề kiến thức. Vì vậy, ngoài việc giáo dục ý thức phòng, chống dịch trong cộng đồng, giáo viên giúp học sinh ôn tập bài đã học online để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
“Khó khăn của thầy, cô là phải di chuyển qua 2 nhóm của một lớp để dạy. Ca một học tiết 1-4, ca hai tiết 2-5 để lệch thời gian các em đến trường và ra về. Việc quán xuyến 2 nhóm trong một lớp làm mất thêm thời gian, một nội dung phải giảng nhiều lần”, ông Phú chia sẻ.
Tại Tiền Giang, sau gần 2 tháng thí điểm dạy trực tiếp lớp 9 và 12 tại huyện Tân Phú Đông, sở GD&ĐT tỉnh này quyết định mở rộng ra tất cả huyện, thị xã và thành phố trong tỉnh từ ngày 3/1. Riêng huyện Tân Phú Đông có thêm lớp 10 học trực tiếp tại trường.
Học sinh tại nhiều địa phương trở lại học trực tiếp
Tiến sĩ Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho hay mỗi lớp chia ra 2 nhóm học sáng, chiều đối với tất cả môn. Vì vậy, giáo viên phải tăng số giờ dạy lên gấp đôi nên vất vả. Ngoài việc động viên tinh thần, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang có chủ trương trả đủ thù lao cho giáo viên dạy tăng tiết, không để thầy, cô chịu thiệt.
“Trong ngày đầu học trực tiếp, học sinh một số trường còn ít vì phụ huynh đang thăm dò. Tuy nhiên, những ngày sau đó, sĩ số học sinh tăng lên hơn 90%. Đến nay, ở một số trường, 100% học sinh học trực tiếp. Các khối học tập trung sẽ thi trực tiếp từ ngày 17/1, các khối còn lại thi trực tuyến”, ông Trí nói.
Từ ngày 10/1, Sở GD&ĐT An Giang cũng cho 8 trường tại huyện Châu Phú dạy trực tiếp khối 9 và 12. Gần 2.000 học sinh và 312 giáo viên tham gia thí điểm.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang Trần Thị Ngọc Diễm, các trường được lựa chọn đã chuẩn bị tốt điều kiện dạy học và phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19.
Trước ngày đi học, UBND huyện Châu Phú và nhà trường đã phối hợp test nhanh nCoV cho tất cả học sinh đăng ký trở lại trường và giáo viên trực tiếp tham gia giảng dạy.
> TP.HCM: Chuẩn bị sẵn sàng để đón học sinh khối 6 trở xuống đến trường
> Ghi nhận 11 ca nhiễm biến chủng Omicron, TP.HCM có tạm dừng học trực tiếp?
Theo ZING News