Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 theo lộ trình bắt đầu cấp THPT từ năm học 2022-2023 ở lớp 10, năm học sau cho lớp 11 và năm học tiếp sau nữa là lớp 12.
Tuy nhiên, để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới hiệu quả, Bộ GD-ĐT cần tập trung một số vấn đề để tránh “vết xe đổ” của chương trình phân ban trước đây.
1. Bài học từ chương trình phân ban
Kế hoạch giáo dục cấp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gồm môn học bắt buộc, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, môn học tự chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương. So với chương trình phân ban trước đây, giống như “bình mới, rượu cũ”. Chương trình mới chỉ thay đổi đôi chỗ từ chương trình phân ban. Còn nhớ, thuở ban đầu chương trình phân ban triển khai rầm rộ gồm ban khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, khoa học tự nhiên - kỹ thuật; tự chọn (nâng cao, bám sát). Nhưng hiện nay chỉ còn một ban cơ bản.
Hồi đó cũng theo xu hướng quốc tế nhưng từ cơ sở vật chất, nội dung chương trình, năng lực cán bộ quản lý giáo dục, năng lực chuyên môn giáo viên... đều quá tải vì chương trình học một đằng thi đại học một nẻo khiến chương trình phân ban “sập toàn tập”. Đây là điều đang thách thức với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khi triển khai ở cấp THPT.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 khi triển khai ở cấp THPT gặp nhiều thách thức
2. Chú trọng hơn đến việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên
Do dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục hiện nay tập trung triển khai dạy học trong trạng thái bình thường mới, khắc phục nhiều khó khăn, thách thức để dạy học hiệu quả, an toàn nên công tác bồi dưỡng giáo viên nắm bắt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa mới chậm triển khai. Bài học sâu sắc qua nhiều lần thay sách giáo khoa, cải cách giáo dục là khi đội ngũ giáo viên non am hiểu chương trình, nông kiến thức và kỹ năng thì dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Chính vì vậy, lần này dù khó khăn đến đâu cũng cần tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thật kỹ lưỡng.
Nhiều trường THCS đã tổ chức họp phụ huynh học sinh lớp 9 thông báo và hướng dẫn việc tuyển sinh vào lớp 10
3. Bối rối xây dựng tổ hợp môn cho học sinh chọn
Chẳng hạn ở một địa phương có 60 trường THPT mà hiện chỉ một trường xây dựng được tổ hợp môn có âm nhạc, mỹ thuật nguyên nhân do không có giáo viên, thiếu cơ sở vật chất để thực hiện môn học này. Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 cận kề trong khi đó việc xây dựng phương án của tổ hợp các môn học, chuyên đề học tập (từ 3 nhóm môn học lựa chọn)... được các trường THPT bắt đầu triển khai với tâm trạng lo âu, chờ đợi.
Ngoài ra, vấn đề quan tâm của học sinh và các nhà trường THPT hiện nay khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới là chọn các tổ hợp môn trong 3 nhóm môn học lựa chọn từ lớp 10 sao cho phù hợp với tuyển sinh đại học 3 năm tới. Hiện Bộ GD-ĐT chưa có định hướng khiến phụ huynh học sinh và học sinh lúng túng, nhà trường cũng không có cơ sở vững chắc xây dựng phương án tổ hợp môn.
Hiện Bộ GD-ĐT chưa có định hướng khiến phụ huynh học sinh và học sinh lúng túng, nhà trường cũng không có cơ sở vững chắc xây dựng phương án tổ hợp môn
> Vì sao không dùng điểm miễn thi tốt nghiệp ngoại ngữ để xét tuyển đại học 2022?
> Những điều thí sinh cần chuẩn bị khi đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT trực tuyến
Theo Thanh Niên