Kết thúc mùa thi THPTQG, có nhiều sĩ tử ăn mừng và chuẩn bị cho con đường du học Đức. Tuy nhiên vẫn có khá nhiều bạn không đạt đủ điều kiện APS ( tổng điểm 6 môn trên 36 điểm, tối thiểu 4 môn trên 6 và không môn nào dưới 4).
Chắc hẳn các bạn đang rất lo lắng và đặt ra câu hỏi, liệu còn con đường nào cho mình sang Đức? Sau đây ad sẽ tổng hợp những con đường bên cạnh APS, hy vọng giúp các bạn lựa chọn cho mình một cơ hội phù hợp nhất nhé!
Dù bạn không đủ điều kiện về APS, bạn vẫn còn có những cơ hội khác để du học Đức
1. Chương trình Studienbrücke ( Cầu nối Đại Học) của Viện Goethe
Chương trình đã được tổ chức tại nhiều nơi trên Thế Giới, và tổ chức thành công tại Việt Nam năm 2018. Điều kiện của Studienbrücke không giống với APS ( tức là không đòi hỏi điểm thi THPTQG) nhưng có những điều kiện khác như sau: Đối tượng tuyển sinh là các học sinh đang học lớp 12.
Điều kiện nộp đơn dự tuyển:
- Trình độ tiếng Đức A2 (chứng chỉ Goethe Zertifikat A2)
- Điểm trung bình tối thiểu năm lớp 11 và học kỳ 1 năm lớp 12 đạt từ 8.0 trở lên.
- Điểm thi TestAS từ 100 trở lên (cả mô đun Tổng hợp và mô đun Chuyên ngành)
- Thư trình bày động lực
- Cam kết đồng ý của phụ huynh (hoặc người giám hộ) bằng văn bản.
Điều kiện xét tuyển:
- Tốt nghiệp THPT và được nhận vào hệ chính quy của một trường đại học ở Việt Nam.
- Lợi ích khi tham gia chương trình:
- Tiết kiệm tiền và thời gian 1 năm học Dự bị Đại học
- Được viện Goethe hỗ trợ nhiều mặt, cơ hội tham gia các dự án, chương trình đặc biệt dành riêng cho các Studienbrücklern.
- Được luyện thi TestDAF, TestAS ngay trong chương trình và sở hữu các bằng này ngay tại Việt Nam.
Bất lợi khi tham gia chương trình:
- Không thể theo học Đại học Việt Nam vì chương trình Studienbrücke là toàn thời gian
- Chỉ nộp đơn vào 1 trong 7 trường Đại học đối tác của chương trình ( tuy nhiên đều là các trường tốt). Các trường này gồm: Đại học Allianz Ruhr – Đại học Tổng hợp Ruhr – Bochum, Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Dortmund và Đại học Tổng hợp Duisburg – Essen, cũng như Đại học RWTH Aachen, Đại học Khoa học Ứng dụng Bonn-Rhein-Sieg, Đại học Châu Âu Viadrina và Đại học Tổng hợp Siegen.
2. Chương trình Freshman
Yêu cầu duy nhất: Tốt nghiệp PTTH ở Việt Nam và đậu qua kỳ thi tuyển sinh đầu vào của trường bao gồm Toán và Tiếng Anh hoặc Toán và tiếng Đức
Tuy nhiên chương trình Freshman có yêu cầu học phí cho năm dự bị là 17500€
Chi phí các năm học tiếp theo như sau:
- Phí đóng cho trường: 600 – 680 Euro/năm
- Bảo hiểm: 900 Euro/năm
- Phí sinh hoạt 9000 Euro/năm
- MIỄN PHÍ HỌC PHÍ các năm tiếp theo
Lợi ích của chương trình: Yêu cầu đơn giản, và với chi phí 17500€ gần như được Freshman lo toàn bộ cho cuộc sống ở Đức năm đầu
Bất lợi của chương trình:
- Chi phí cao, không được đi làm thêm trong cả quá trình học dự bị.
- Theo các cựu sinh viên Freshman, bằng tốt nghiệp Freshman chỉ xin vào được FH, vào các trường Uni rất khó.
3. Dự bị đại học/ Đại học tại Áo
Với cùng một hệ ngôn ngữ và không đòi hỏi điêu kiện điểm thi THPT như ở Đức, du học dự bị đại học/ Đại học tại Áo đang là lựa chọn của rất nhiều bạn học tiếng Đức:
Các bạn có thể học tiếp ĐH ở Áo sau khi kết thúc năm dự bị, hoặc chuyển đổi sang Đức theo cách sau:
Học xong dự bị tại Áo và thêm vài kì ĐH Áo: Ở Áo ít trường dự bị nên nghe cách này có vẻ dễ nhưng thật ra để vào được dự bị Áo khá khó vì phải cạnh tranh với rất nhiều sinh viên quốc tế. ( KHÔNG CÓ APS phải đi theo cách này).
Trước tiên, để được đi học dự bị tại Áo, bạn cần thi đỗ một trường Đại học công lập hoặc dân lập tại Việt Nam với ngành bạn muốn học ở Áo.
Có chứng chỉ tiếng Đức A2.
Mức học phí một năm dự bị tại Áo là 450-600 Euro/ 1 kỳ học.
Sau đó các bạn đăng kí học Đại học tại Áo, theo học vài kì ( thường là 2 kì) rồi xin chuyển dổi sang Đức theo yêu cầu của từng trường.
Lợi ích của học tại Áo:
- Điều kiện du học đơn giản, yêu cầu về tiếng Đức cũng không quá khó
- Sau khi học xong vài kì ĐH Áo được đăng kí chuyển đổi sang Đức ( tuy nhiên vẫn phải liên hệ với trường muốn học ở Đức để hỏi rõ yêu cầu là gì) và khá tốn thời gian công sức cũng như chỉ áp dụng một số trường hợp. Nên bạn cần liên hệ hỏi thông tin trường ĐH Đức bạn muốn học để biết rõ về trường hợp này nhé.
Bất lợi của học dự bị tại Áo
- Cạnh tranh vào dự bị Đại học cao
- Bất lợi hơn so với bằng tốt nghiệp dự bị Đức và không đảm bảo cho bạn một chỗ ở trường ĐH Đức
- Chứng minh tài chính phức tạp, phí xin visa cũng cao hơn Đức,...
- Tốn khá nhiều thời gian, tốn học phí dự bị và đại học.
4. Học Master ở Đức
Sau 4 kì học Đại học ở Việt Nam, nếu các bạn muốn sang Đức học tiếp Đại học VẪN CẦN APS. Vì vậy nhiều bạn chọn học hết Đại học ở Việt Nam và sang Đức học Master.
Nếu xác định học thạc sĩ ở Đức, ad nghĩ các bạn nên tìm hiểu thật kĩ thông tin để chuẩn bị trước từ những năm đầu Đại Học. Cổng thông tin chính xác nhất là DAAD và hiện tại có những yêu cầu như sau: Yêu cầu cơ bản để được học Cao học tại Đức là phải Tốt nghiệp Đại học.
Bên cạnh đó còn có nhiều yêu cầu phụ khác, như:
- Tốt nghiệp Đại học Ngành phù hợp.
- Điểm Tốt nghiệp Đại học. ( vd 7.5 trở lên)
- Tốt nghiệp Đại học xếp loại như thế nào.
- Hình thức Tốt nghiệp Đại học.
- Kinh nghiệm thực tế.
- Các Chứng chỉ khác (GMAT, GRE v.v...)
- Khả năng ngoại ngữ v.v…
Lưu ý:
- Do các điều kiện phụ luôn thay đổi theo từng Khóa học Cao học và cả theo từng năm học, nên không thể nói trước được các yêu cầu cụ thể như thế nào đối với một Khóa học nên điều này cần phải tham khảo cho từng Khóa học.
- Thỏa mãn yêu cầu được học Cao học không đồng nghĩa với việc đương nhiên được nhập học ngay lập tức vào năm đầu tiên của Khóa học Cao học: Có thể Học viên cần phải làm những bài kiểm tra bổ sung, cần học bổ sung những kiến thức còn khuyết hay các hình thức khác.
Lợi ích học Thạc sĩ tại Đức:
- Không còn cần các yêu cầu như Cử nhân
- Có nhiều thời gian ở Việt Nam để chuẩn bị học tiếng Đức/ tiếng Anh
- Có nhiều quỹ học bổng dành cho Thạc sĩ ( hơn nhiều so với bậc Cử nhân)
- Có nhiều chương trình Thạc sĩ bằng Tiếng Anh
Bất lợi học Thạc sĩ tại Đức:
- Phần lớn chương trình thạc sĩ ( chương trình tiếng Anh) tốn học phí khoảng 500€/học kì
- Hồ sơ APS cho thạc sĩ cần thẩm tra khác với bậc Cử nhân và chỉ có 2 đợt/ năm
- Phải phỏng vấn khi xin visum
- Sau 4 năm ĐH Việt Nam, một số bạn không còn muốn du học nữa.
5. Du học nghề
Đề tài du học nghề gần như thuộc một lĩnh vực khác so với du học Đại học. Nếu các bạn cảm thấy yêu thích một ngành nghề cụ thể, mong muốn vừa học vừa làm thì du học nghề là lựa chọn thích hợp.
Người Đức họ xác định rất rõ mục tiêu, nên việc du học nghề hay du học Đại học đều có những lợi hại nhất định và không cái nào hơn cái nào. Tâm lý người châu Á thường đánh giá cao bằng cấp, nhưng lại không đánh giá cái gì mới thật sự cần. Vì vậy ad vẫn đưa du học nghề vào những con đường du học Đức, vì học nghề cũng tốt ngang với Đại học thôi, và không chỉ Giảng đường mới biến ước mơ của các bạn thành hiện thực được.
Tuy nhiên có một lưu ý là: hiện có quá nhiều trung tâm du học nghề, có những nơi tốt thật nhưng cũng có những nơi chất lượng không xứng với giá tiền ( nếu không muốn nói là lừa đảo). Hy vọng các bạn sẽ tìm hiểu kĩ thông tin, tỉnh táo và tốt nhất là hỏi qua những người đi trước để lựa chọn trung tâm tốt nhất.
> TOP 7 trung tâm tư vấn du học Đức mà bạn nên biết
> Tìm hiểu về chương trình thực tập hưởng lương tại Đức
Theo Hallo Deutschschule