Được cấp ba giấy chứng nhận điểm thi

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho biết kỳ thi ĐH, CĐ năm 2013 vẫn tổ chức theo “ba chung” (chung đợt thi, đề thi và dùng chung kết quả để xét tuyển). Thời gian nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013 từ 11-3 đến hết ngày 11-4. Học sinh phổ thông sẽ nộp tại trường THPT mình đang theo học. Từ ngày 12-4 đến ngày 19-4, học sinh có thể nộp hồ sơ trực tiếp tại trường ĐH, CĐ mình đăng ký dự thi.

Sau khi có điểm thi, Bộ GD-ĐT sẽ họp định ra mức điểm sàn cho từng khối. Sau đó, các trường ĐH, CĐ sẽ công bố điểm chuẩn trúng tuyển. Năm 2013 thí sinh được cấp ba giấy chứng nhận kết quả thi thay vì hai giấy như năm trước. Giấy này được cấp cho những em chưa trúng tuyển NV1, có điểm cao hơn điểm sàn theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cần lưu ý, thi ĐH, CĐ yếu tố quyết định đậu là điểm ba môn thi. Năm trước, điểm bình quân ba môn thi của thí sinh cả nước là 11,39 điểm. Học sinh tỉnh Bình Định có điểm bình quân ba môn là 10,62, thấp hơn điểm bình quân ba môn thi chung của cả nước.

Nếu chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì các bạn nên lưu ý năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Hàng trăm học sinh tập trung trong gian tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin.


TS Phạm Tấn Hạ mở đầu như vậy cho câu tư vấn dành cho một bạn thí sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh  - hướng nghiệp 2013 diễn ra tại Bình Định chiều 23-2.

Dù trời mưa và gió mạnh nhưng khoảng 2.000 học sinh các huyện Vân Canh, An Nhơn, Tuy Phước và các trường THPT tại Qui Nhơn vẫn đến tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 do Tuổi Trẻ, Bộ GD-ĐT cùng Sở GD-ĐT, tỉnh đoàn Bình Định phối hợp tổ chức.
Một học sinh đặt câu hỏi với các thầy trong ban tư vấn - Ảnh: Tiến Thành

Và các bạn đã đặt ra với ban tư vấn rất nhiều câu hỏi.

* Hiện em vẫn chưa chưa biết thích ngành nào để làm hồ sơ đăng ký dự thi, thầy cô giúp em với?

- TS Phạm Tấn Hạ: Các bạn vẫn chưa lựa chọn được cho mình một ngành học thì nên lưu ý những điều sau: Trước hết là năng lực, khả năng của mình có phù hợp với ngành dự định lựa chọn hay không. Các bạn thích một ngành nhưng ngành đó mình không với tới được vì điểm quá cao thì nên xem lại.

Cũng có thể xem nhu cầu của xã hội về nghề đó như thế nào. Xem thử ngành này sau này có tìm được việc làm hay không. Đó là những điều cân nhắc khi lựa chọn cho mình một nghề. Nếu vẫn chưa định hướng được, có thể tham khảo từ các thầy cô, các anh chị đi trước để lựa chọn cho mình một nghề.

Chọn ngành phù hợp: Hãy xác định năng lực và sở thích

Chọn ngành phù hợp: Hãy xác định năng lực và sở thích

- Th.S Lâm Tường Thoại: Tôi xin nhấn mạnh, đôi khi em thích làm ở lĩnh vực ngân hàng, du lịch… nhưng không nhất thiết phải học hai ngành này. Học kế toán cũng có thể làm việc tại hai ngành này. Các em cần phân biệt rõ ràng để định hướng phù hợp.

Hãy xác định mình thích gì, có đam mê việc gì hay không. Các em có thể làm trắc nghiệm, nhờ thầy cô, bạn bè tư vấn. Nên liệt kê một số ngành nghề yêu thích và lựa chọn khối thi, trường thi cho mình.

* Bậc CĐ Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM xét điểm thi ĐH hay tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng? Ngành xây dựng cầu đường đào tạo những gì?

- PGS TS Nguyễn Văn Thư: nếu thí sinh muốn học bậc CĐ thì phải dự thi ĐH để lấy điểm xét tuyển vào CĐ của trường. Bậc CĐ của trường chỉ xét tuyển điểm thi ĐH chứ không xét điểm thi CĐ. Ngành này đạo tạo kỹ sự cầu đường, khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các công trình xây dựng hạ tầng giao thông.

* Em học Sư phạm văn, có thể giảng dạy trẻ khuyết tật không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Trong khối ngành sư phạm có ngành giáo dục đặc biệt. Đây là ngành đào tạo giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Nếu yêu thích và muốn giảng dạy trẻ khuyết tật thì em nên chọn ngành giáo dục đặc biệt sẽ tốt hơn bởi ngành này không chỉ đào tạo kỹ năng sư phạm mà còn có các kỹ năng để giảng dạy cho trẻ khuyết tật, như vậy em sẽ làm việc tốt hơn.

* Ngành hóa học Trường ĐH Khoa học tự nhiên có đào tạo về công nghệ hóa không?

- TS Nguyễn Kim Quang: Ngành hóa học là ngành khoa học cơ bản, sau khi học kiến thức cơ bản các bạn có thể chọn một số hướng chuyên sâu như hóa lý, hóa polyme... Môi trường, thực phẩm, công nông nghiệp, dầu khí... là những lĩnh vực có thể ứng dụng kiến thức hóa học trong quá trình làm việc. Trước mắt, các bạn cứ chọn ngành học, sau đó sẽ chọn chuyên ngành sau.

* Ngành sư phạm kỹ thuật xây dựng đào tạo những gì, tốt nghiệp có thể làm việc ở đâu?

- PGS TS Đỗ Văn Dũng: Các em thi vào ngành xây dựng sẽ có hai lựa chọn: xây dựng dân dụng công nghiệp hoặc sư phạm kỹ thuật xây dựng. Hướng công nghệ học 4 năm và tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư xây dựng. Nếu học sư phạm kỹ thuật xây dựng, các em sẽ học trong 4,5 năm và được miễn học phí. Tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư xây dựng và chứng chỉ sư phạm. Tốt nghiệp các em có thể đi làm bên ngoài hoặc đi dạy tại các trường nghề, trung cấp, CĐ...

* Muốn thi ngành tâm lý học, em cần chuẩn bị những gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Đây là ngành học có nhiều bạn lựa chọn. Khi thi vào ngành này, không chỉ phụ thuộc vào sở thích, năng lực mà đòi hỏi các bạn biết lắng nghe, chia sẻ và đồng cảm. Chương trình đào tạo chia ra hai hướng về nhân sự và tư vấn tâm lý. Các bạn sẽ được trang bị kiến thức về tâm lý lứa tuổi, tâm lý giới tính... Các bạn cần chịu khó vận động nhiều hơn, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn để khi ra trường có thể trở thành nhà tư vấn tâm lý tốt.
Ông Trần Văn Giàu, một phụ huynh đặt câu hỏi với ban tư vấn về đầu ra cho các trường ĐH - CĐ - Ảnh: Tiến Thành

* Em muốn thi Trường ĐH An Ninh nhân dân, điều kiện sơ tuyển như thế nào, tiêu chuẩn tuyển sinh ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ: Lý lịch các bạn phải rõ ràng (không vi phạm pháp luật), hạnh kiểm tốt, học lực từ trung bình trở lên đối với nam và khá trở lên đối với nữ. Sức khỏe tốt, không bị dị tật, không mắc bệnh kinh niên. Chiều cao từ 164-180 cm đối với nam và 158 đến 175cm đối với nữ. Ngoài ra còn có yêu cầu về cân nặng cho nam và nữ.

Ở phía Nam có hai Trường ĐH An Ninh và ĐH Cảnh sát. Khối trường quân đội cũng có tiêu chuẩn như các trường công an nhưng điểm chuẩn thấp hơn so với trường an ninh, cảnh sát. Nếu học lực không tốt thì nên chọn khối trường quân đội thay vì chọn trường cảnh sát, an ninh.

* Muốn thi vào ngành y đa khoa ĐH Y Dược TP.HCM, nếu không đủ điểm y đa khoa nhưng đủ điểm vào các ngành còn lại em có được chuyển vào các ngành đó không?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Trường tuyển sinh theo ngành. Khi không đủ điểm chuẩn vào ngành đăng ký các bạn sẽ không được chuyển sang ngành khác dù đủ điểm.

* Ngành Đông phương học đào tạo chuyên sâu về lĩnh vựa nào?

- TS Phạm Tấn Hạ: Hiện ngành này còn các ngành Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Úc và Ả Rập. Khi các bạn chọn ngành nào đó, số đông chưa chắc đã là thuận lợi cho các bạn. Các bạn được đào tạo về lịch sử đất nước và ngôn ngữ của quốc gia đó.

Riêng theo học ngành Hàn Quốc hay Nhật Bản, khoảng 10% sinh viên sẽ được chính phủ hai nước này tài trợ học phí từ năm hai và được sang quốc gia đó để giao lưu. Chương trình đào tạo bắt đầu từ chương trình đào tạo tiếng với giáo viên là người bản ngữ.

* Ngành ngôn ngữ học đào tạo những gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này có ba chuyên ngành văn học, ngôn ngữ học và Hán nôm. Nếu theo học ngôn ngữ học, các bạn được trang bị kiến thức để nắm vững cấu trúc ngữ nghĩa của tiếng Việt. Tốt nghiệp, có thể làm công tác biên tập viên cho các trang web, nhà xuất bản, phóng viên...

* Học lực trung bình khá có thể thi vào ngành nào thuộc nhóm ngành sức khỏe? Học ngành y học dự phòng ra có thể làm việc gì?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Sức học trung bình khá muốn học y, dược thì em nên chọn học trung cấp hoặc các trường CĐ y tế bởi rất khó để vào bậc ĐH. Ngành y học dự phòng khi học xong có thể làm việc ở trung tâm y tế dự phòng, chủ yếu làm công tác phòng chống bệnh dịch, nâng cao sức khỏe người dân.

* Thế nào là điểm sàn, điểm chuẩn, đề thi ĐH năm nay sẽ ra như thế nào?

- PGS TS Huỳnh Thanh Hùng: Bộ GD-ĐT đã ban hành cấu trúc đề thi ĐH các môn thi ĐH. Đề thi ĐH ra chủ yếu trong chương trình lớp 12, phần còn lại nằm trong chương trình lớp 11, 10, đề thi không đánh đố. Sau khi các trường chấm và công bố điểm thi, Bộ GD-ĐT sẽ họp để đưa ra mức điểm sàn.

Các trường không được xác định điểm trúng tuyển vào trường thấp hơn điểm sàn. Từ điểm sàn này, các trường xác định điểm chuẩn vào trường. Điểm sàn là điểm chung cho tất cả các trường do Bộ GD-ĐT đưa ra còn điểm chuẩn là điểm do các trường tự ấn định. Chẳng hạn điểm sàn năm 2012 khối A, D 13 và B, C là 14. Các trường xác định điểm chuẩn cao, thấp khác nhau nhưng không được thấp hơn điểm sàn của Bộ.

* Ngành kinh tế gia đình có triển vọng không? Học ngành công nghệ may, ra trường làm việc làm giống như một công nhân may, đúng không?

- PGS.TS Đỗ Văn Dũng: Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM có đào tạo ngành kinh tế gia đình (trước đó là ngành kỹ thuật nữ công). Ngành này học nhiều thứ từ kỹ thuật nấu nướng, chế biến, dinh dưỡng, may mặc… Học xong các bạn có thể giảng dạy tại các trường trung cấp, trung cấp nghề. Một số bạn khác làm ở các ngành du lịch, dịch vụ. Riêng ngành công nghệ may, kỹ sư công nghệ may sẽ học thiết kế trang phục, làm việc tại các dây chuyền sản xuất. Việc làm ngành này hiện rất nhiều vì các khu chế xuất, công nghiệp đóng vai trò rất lớn trong việc xuất khẩu của nước ta.

* Một học sinh băn khoăn muốn theo học ở Sài Gòn nhưng người yêu nói không muốn xa em và khuyên em nên học ở Qui Nhơn. Em phải làm thế nào? Câu hỏi này đã nhận được nhiều sự hưởng ứng từ phía các bạn học sinh.

Giải đáp băn khoăn này, TS Phạm Tấn Hạ chia sẻ: đây là lứa tuổi đẹp nhất của đời người, tuổi học trò hồn nhiên và trong sáng. Các bạn sắp có những cuộc chia tay: trường lớp, thầy cô, bạn bè và có thể cả người yêu để chuẩn bị theo con đường học hành. Các bạn yêu nhau và cùng hướng đến việc xây dựng tương lai, vì thế cần phải chia sẻ và thông cảm cho nhau. Nếu thực sự yêu nhau, hãy lắng lại và chia sẻ với nhau về nguyện vọng của mình để có thể đồng cảm và đưa ra quyết định phù hợp nhất với điều kiện của mình.

Ở phần tư vấn chung, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết Bình Định là một trong mười tỉnh có số lượng thí sinh thi vào ĐH, CĐ lớn nhất nước.

Ông Nghĩa nói: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm có khoảng 2 triệu lượt thí sinh đăng ký dự thi. Tỉnh Bình Định có số lượt thí sinh dự thi hàng năm khoảng 40.000, năm trước là 41.000”.

Ở Bình Định, hai trường lọt vào top 200 các trường THPT có kết quả cao nhất nước: trường THPT Lê Quý Đôn với điểm bình quân là 21,22 (xếp thứ 5 trên 3.000 cơ sở đào tạo cả nước).

Trong đó, trong gần 300 học sinh trường này chỉ có một học sinh thi vào CĐ cũng đạt 25,5 điểm. Như vậy, có thể nói 100% học sinh trường này đậu ĐH. Một số trường Quốc học, THPT Trưng Vương, THPT Dân tộc nội trú, THPT số 2 An Nhơn…cũng có điểm rất cao.

"Tôi muốn nhấn mạnh, đối với các em học sinh không thi (hoặc thi mà không trúng tuyển) vào ĐH, CĐ không phải là không có lối thoát. Hiện tại có nhiều trường CĐ nghề, trung học nghề, những trung tâm liên kết đào tạo…cũng thêm lựa chọn cho các em trong kỳ thi sắp tới." - TS Nguyễn Đức Nghĩa nói.

TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban Công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM hướng dẫn học sinh cách ghi hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2013. Hồ sơ ĐKDT năm nay có một số thay đổi so với năm trước. Mã ngành vẫn là một chữ và 6 số, trong đó mã ngành bậc ĐH là D và CĐ là C.

Với các trường chỉ tuyển sinh theo ngành thì không cần ghi chuyên ngành, các trường tuyển sinh theo chuyên ngành thì phải ghi tên ngành và tên chuyên ngành. Trong hồ sơ cũng có phần dành cho thí sinh dự thi liên thông.

Học sinh tốt nghiệp THPT thi ĐH không cần ghi vào phần dành cho thí sinh dự thi liên thông.

Lưu ý cần ghi đầy đủ thông tin trong mục thông tin liên hệ để giấy báo thi, giấy báo trúng tuyển, giấy chứng nhận kết quả về đúng địa chỉ của mình.

Mục đối tượng ưu tiên, cần hỏi thầy cô để biết chính xác mình thuộc khu vực ưu tiên và đối tượng ưu tiên nào.

Cơ hội giải tỏa băn khoăn chọn nghề

Trước khi bước vào thời gian tư vấn chính thức, một học sinh trường THPT Vân Canh - huyện miền núi tỉnh Bình Định - cho biết hai anh chị của mình đều học kinh tế và định hướng cho em theo học kinh tế.

Tuy nhiên năm nay có một số thông tin cho rằng các trường kinh tế sẽ cắt giảm chỉ tiêu, thậm chí ngừng tuyển sinh nên em rất hoang mang chưa biết có thể theo học kinh tế hay không.

Học sinh này chia sẻ đang cân nhắc thêm để có thể dự thi vào ngành luật kinh tế để có thể làm việc liên quan đến kinh tế nhưng chưa biết ngành này đào tạo thế nào, ra trường có thể làm việc ở bên ngoài cơ quan nhà nước hay không, cơ hội việc làm như thế nào.

Mặc dù thầy cô cũng có tư vấn và bản thân cũng tự tìm thông tin trên mạng nhưng vẫn chưa nắm được ngành này đào tạo gì, cơ hội việc làm thế nào... Được biết chương trình có đại diện trường ĐH Luật TP.HCM nên đã đến đây để có thể biết thêm thông tin.

Mở đầu chương trình, ông Đào Đức Tuấn - phó giám đốc Sở GD-ĐT Bình Định - nói: Định hướng ngành nghề để học sinh chọn được ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường là chủ trương và nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục - đào tạo.

Hiện nay nhiều thí sinh chọn ngành không theo năng lực khiến khi học ĐH các em không phát huy được thế mạnh của mình. Chọn trường nào, ngành nào để dự thi, học sinh phải nắm được các thông tin cơ bản về ngành nghề, nhu cầu xã hội cũng như năng lực bản thân và điều kiện kinh tế gia đình.

Chương trình hôm nay là cơ hội tốt để các em có thể giải tỏa được những băn khoăn, từ đó có thể chọn ngành chọn nghề phù hợp nhất.