Cùng con chọn tương lai
Hằng năm, cứ đến mùa tuyển sinh là học sinh lớp 12 cùng phụ huynh đổ dồn sự quan tâm vào việc chọn trường, chọn ngành để làm hồ sơ đăng ký kỳ thi tuyển sinh ĐHCĐ.
“Có biết gì đâu mà thích!”
Khuynh hướng chung của nhiều thí sinh cũng như các bậc cha mẹ thường lựa chọn sự an toàn, miễn sao đậu vào một trường nào đó là được hoặc chọn ngành nào đang “hot” nhất hiện nay; ngành học phí thấp nhất; chọn một ngành phù hợp với “cái ghế” đã dành sẵn đâu đó cho con; chọn ngành học mang tính truyền thống gia đình…
Tư vấn tuyển sinh và chọn ngành: Tránh đẩy con vào thế khó
Một học sinh lớp 12 ở quận Phú Nhuận - TPHCM cầm trên tay hồ sơ dự thi đã được “khai báo” đầy đủ. Khi thấy trên đó ghi nguyện vọng thi vào ngành tài chính Trường ĐH Ngân hàng, cô giáo chủ nhiệm buột miệng hỏi: “Em thích ngành này hả?”. Không ngờ, em trả lời: “Em có biết gì đâu mà thích cô ơi! Má em tính hết rồi. Nếu thi đậu, vào trường đó học hết 4 năm, khi em ra trường cũng là lúc má em về hưu, em sẽ vào thế chỗ của má em luôn”. Có thể đây là một trường hợp cá biệt nhưng điều đó cũng cho thấy rằng rõ ràng phụ huynh ngày nay đang rất quan tâm đến việc định hướng sự lựa chọn trước mắt và cả tương lai cho con cái.
Tuy nhiên, hình như có một điều gì đó không ổn trong sự định hướng này. Bản thân các em là đối tượng của kỳ thi ĐH sắp tới nhưng lại là chủ thể của công việc, của nghề nghiệp sau này, mà chủ thể đó không hề biết gì về mục tiêu mình đã lựa chọn. Nhiều bậc cha mẹ không hề muốn con chủ động và trưởng thành trong cuộc sống. Nếu có một em học sinh nào đó cãi lại cha mẹ, tự lựa chọn con đường theo ý mình, sẽ dễ dàng nhận lấy sự đánh giá “trứng mà đòi khôn hơn vịt” và dọa “nếu thi không đậu thì... liệu hồn!”. Điều này đã tạo một áp lực không nhỏ cho các em.
Tư vấn tuyển sinh: Vun đắp niềm tin
“Tôi thường cùng với con cập nhật thông tin, đóng vai một người bạn, góp ý cho con bằng chính kinh nghiệm học hành và làm việc cả đời của mình. Đồng thuận với lựa chọn của con để nó lên tinh thần, đồng thời giúp con có thêm một lựa chọn “an toàn” nào đó trong thi cử. Tôi cũng nói với con rằng nghề nào cũng quý nhưng con nhắm coi có thể làm tốt được không...” - chia sẻ này của một phụ huynh tại hội thảo chuẩn bị hành trang vào ĐH-CĐ được rất nhiều người đồng tình.
Tâm lý của phụ huynh thường là vô cùng lo lắng cho con trước kỳ thi vì họ không muốn con mình rơi vào con số 85% thi rớt, nghỉ học, khủng hoảng... đăng đầy trên mạng internet. Các em học sinh lại đang rất căng thẳng cho những kỳ thi liên tiếp và chịu áp lực từ nhiều phía, cả cha mẹ và thầy cô. Trong trạng thái đó, hai bên - cha mẹ và con cái - dễ trở nên giao tiếp kém hiệu quả. Cùng lúc này, phụ huynh phần nhiều không có thời gian dành cho con nên rất dễ dẫn đến 2 thái cực: hoặc sắp xếp áp đặt cho con hoặc tùy con “hên xui”. Tất cả đều ảnh hưởng không tốt đến tâm lý, kết quả học tập trước mắt và cả tương lai của con. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho con cần phải được cha mẹ chuẩn bị từ đầu, xây dựng thành một lộ trình phù hợp với sự phát triển của con cái ở từng giai đoạn, chứ không nên đợi đến sát kỳ thi.
Cần có một tầm nhìn xa hơn và một quan điểm đúng đắn trong việc lựa chọn ở kỳ thi quan trọng này. Thi vào trường nào đó là để học một nghề, trở thành chuyên gia trong một lĩnh vực nhất định. Chọn nghề là chọn cho mình cả một lối sống trong tương lai. Nếu hôm nay, một học sinh chọn thi vào trường sư phạm; tương lai gần, anh ta có thể sẽ trở thành một thầy giáo; 22 tuổi, người ta gọi anh ấy là thầy; 40 tuổi, người ta cũng gọi là thầy; 70 tuổi hay khi mất đi, người ta vẫn gọi “thầy ơi!”. Khi làm công việc của một thầy giáo, anh ta sẽ sống bằng đồng lương của nghề giáo, cư xử theo phong cách của người thầy, dạy dỗ con cái theo cách của ông thầy… Không chỉ là thầy giáo mà luật sư, bác sĩ, nghệ sĩ, đầu bếp hay kỹ thuật viên… đều trưởng thành và hoàn thiện nhân cách từ chính công việc mà họ đã lựa chọn.
Tư vấn tuyển sinh, chọn trường: Đẩy con vào thế khó
“Chỗ nào có thể chữa bệnh thần kinh cho con tôi?”. Đây là một câu hỏi đã được không ít phụ huynh trao đổi riêng tại các buổi tư vấn hướng nghiệp ở các trường THPT. Khi chuyên viên tư vấn hỏi: “Cháu bị làm sao?”, người mẹ bỗng nức nở: “Hình như nó học nhiều quá nên muốn “mát” rồi cô ơi...”. Khi gặp riêng em nam sinh này, chuyên viên tư vấn nghe em bộc bạch ba mẹ muốn em thi vô kiến trúc vì ba làm kỹ sư xây dựng. Khi em học xong, 2 cha con mở công ty sẽ rất thuận lợi.
Ban đầu, em cũng thấy ham, đăng ký đi luyện thi vẽ nhưng bây giờ mới ngán vì chẳng có tí năng khiếu, tới lớp học thêm vô cùng căng thẳng. Em trốn ba mẹ nghỉ lớp vẽ, đi học thanh nhạc vì thực ra, em thích được làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật hơn. Em này đã từng nói với mẹ nhưng mẹ nói ba mà biết sẽ no đòn. Em định cứ làm 2 bộ hồ sơ cho ba mẹ yên tâm rồi sau đó đến lúc thi sẽ tính tiếp. Chính điều này khiến em thấy căng thẳng, lơ là việc học ở lớp, chứ nào có bệnh gì đâu.
Trong trường hợp này, phải chăng người cần được “điều trị” chính là cha mẹ?! Kỳ vọng quá mức vào con, trao cho con một sứ mạng nặng nề mà trước đây bản thân cha mẹ chưa hoàn thành được, bất kể khả năng và nguyện vọng của con thế nào là một trong những “căn bệnh” dễ mắc phải của cha mẹ khi định hướng lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho con.