Chỉ tiêu tuyển sinh tại các ngành tại trường đại học năm nay giảm mạnh so với các năm trước. Vậy thì điểm chuẩn các ngành sẽ tăng vọt hay không? Cùng Kênh tuyển sinh tìm hiểu nhé!
1. Giảm đơn môn, tăng tích hợp
Đào tạo giáo viên (sư phạm) là nhóm ngành có những quy định đặc thù không chỉ trong cách thức tuyển sinh mà còn ở khâu xác định chỉ tiêu. Theo Thông tư 03 của Bộ GD-ĐT quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các trường đào tạo ngành sư phạm thực hiện xác định chỉ tiêu dựa trên năng lực hiện có theo quy định chung, báo cáo về Bộ để đăng ký. Sau đó, Bộ xác định và thông báo chỉ tiêu cho từng trường trên cơ sở năng lực đào tạo, nhu cầu địa phương và cả nước. Từ quy trình này, chỉ tiêu chính thức các ngành đào tạo giáo viên được Bộ thông báo của nhiều trường giảm mạnh so với chỉ tiêu đăng ký hồi đầu năm.
Đến giữa tháng 8, Trường ĐH Sài Gòn thông báo chính thức tuyển sinh ĐH chính quy năm nay. Theo đó, trường thông báo tuyển 650 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo giáo viên. Ngoại trừ 2 ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học có chỉ tiêu tuyển gần 200 mỗi ngành, nhiều ngành chỉ tuyển hơn 10 sinh viên cho khóa 2022. So với chỉ tiêu tự xác định ban đầu, chỉ tiêu chính thức nhiều ngành giảm còn một nửa, từ 30 xuống còn 15 chỉ tiêu. Cụ thể các ngành như: sư phạm vật lý, sư phạm hóa, sư phạm sinh, sư phạm địa, giáo dục chính trị…
Trong 9 ngành đào tạo giáo viên của Trường ĐH Đà Lạt, nhiều ngành chỉ tuyển 5 - 7 sinh viên cho năm học tới. Cụ thể như: sư phạm vật lý 5 chỉ tiêu, sư phạm hóa học 5 chỉ tiêu, sư phạm sinh học 7 chỉ tiêu, sư phạm lịch sử 8 chỉ tiêu… Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết năm nay trường được giao 305 chỉ tiêu đào tạo sư phạm, giảm hơn 40 chỉ tiêu so với năm ngoái. Giống với tình hình chung của cả nước, chỉ tiêu của trường giảm ở các ngành đào tạo giáo viên lý, hóa, sinh, toán.
Trường ĐH Quy Nhơn cũng giảm mạnh chỉ tiêu nhiều ngành sư phạm so với đề án tuyển sinh. Từ 1.300 chỉ tiêu tự xác định trong đề án tuyển sinh, trường có thông báo chỉ tiêu chính thức 770 chỉ tiêu vào cuối tháng 7 (giảm hơn 500 chỉ tiêu). Nhưng đến ngày 17.8, trường này cũng có thông báo điều chỉnh tăng chỉ tiêu 9 ngành đào tạo giáo viên từ 214 lên 440 chỉ tiêu. Trong đó, 3 ngành tăng mạnh chỉ tiêu hơn gấp đôi do nhu cầu thực tế của địa phương gồm: sư phạm tin học, sư phạm khoa học tự nhiên, sư phạm lịch sử địa lý. Dù vậy, so với đề án tuyển sinh công bố ban đầu, chỉ tiêu sau khi điều chỉnh lần 3 vẫn giảm mạnh ở nhiều ngành.
Theo thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm của trường năm nay chỉ bằng khoảng 60% so với năm 2021. Việc giảm chỉ tiêu này của trường theo xu hướng chung dựa vào thực tế nhu cầu giáo viên các địa phương thời gian tới.
Chỉ tiêu đào tạo giáo viên giảm mạnh, điểm chuẩn có tăng vọt?
2. Điểm chuẩn khó có thể tăng vọt?
Trước xu hướng giảm mạnh chỉ tiêu, đại diện các trường ĐH đều có dự đoán về việc tăng điểm chuẩn các ngành đào tạo giáo viên năm nay.
Thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết các ngành đào tạo giáo viên xác định chỉ tiêu dựa trên nhu cầu giáo viên cả nước. Trong đó, một số ngành chỉ tiêu giảm mạnh nhưng một số ngành chỉ tiêu vẫn ở mức cao như năm trước.
“Các ngành chỉ tiêu giảm, điểm chuẩn có thể tăng. Tuy nhiên, điểm chuẩn cũng khó có sự tăng vọt do thí sinh khi đăng ký cũng có sự tính toán dựa vào chỉ tiêu từng ngành”, thạc sĩ Quốc phân tích.
Theo thông tin đã công bố, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM có điểm sàn nhận hồ sơ nhiều ngành sư phạm cao hơn ngưỡng chung của Bộ tới 4 điểm (tức ở mức 23 điểm), gồm: sư phạm toán, sư phạm vật lý, sư phạm hóa, sư phạm ngữ văn, sư phạm tiếng Anh. Điểm chuẩn xét điểm thi các ngành sư phạm năm ngoái của trường này từ 22,05 - 27,15 điểm.
Nói về xu hướng điểm chuẩn, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang bình luận: “Thông thường khi chỉ tiêu giảm thì điểm chuẩn sẽ tăng. Tuy nhiên, mức tăng cụ thể còn tùy thuộc vào từng ngành, từng trường”.
Cùng quan điểm này, tiến sĩ Trần Hữu Duy phân tích: “Phổ điểm thi năm nay bằng hoặc cao hơn năm ngoái tùy theo tổ hợp xét tuyển. Chỉ tiêu các ngành sư phạm lại có xu hướng giảm mạnh so với năm ngoái, điểm chuẩn có khả năng tăng”. Với Trường ĐH Đà Lạt, ông Duy cho biết năm nay điểm sàn xét tuyển một số ngành cao hơn 1 điểm so với năm 2021. Trong đó, 3 ngành điểm sàn cao hơn ngưỡng chung của Bộ từ 1 - 2 điểm gồm: giáo dục tiểu học, sư phạm toán và sư phạm tiếng Anh. Đây cũng là những ngành đang có sự thu hút của nhiều thí sinh trong năm nay dựa vào số liệu đăng ký nguyện vọng.
“Hầu hết các ngành đào tạo giáo viên của trường năm nay đều có số thí sinh trúng tuyển sớm theo phương thức xét học bạ như đề án tuyển sinh đặt ra. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn một số ngành có thể tăng so với năm ngoái”, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt dự báo.
> Trường ĐH Bách khoa TP.HCM thông báo kéo dài thời gian nộp lệ phí xét tuyển 2022
> Quá trình tuyển sinh đại học 2022 phức tạp khiến nhiều trường đại học bị động
Theo Báo Thanh Niên