Trong kỳ tuyển sinh 2022, có quá nhiều yếu tố tác động trực tiếp đến điểm chuẩn. Do vậy, dư luận khó dự đoán được chất lượng đầu vào của trường.
1. Nhiều ngành suýt đụng trần
Trường đại học (ĐH) Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một trong những đơn vị khiến dư luận xã hội lên “cơn sốt” bởi một loạt ngành khối C của trường này có mức điểm chuẩn suýt “đụng trần” với mức 29,95.
Giải thích về hiện tượng này, GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, đưa trường hợp ngành báo chí như một điển hình. Theo GS Tuấn, năm 2022 trường dự kiến tuyển 55 chỉ tiêu ngành báo chí, trong đó 25 chỉ tiêu cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, 30 chỉ tiêu dành cho 4 phương thức khác. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, trường lại xét tuyển 6 tổ hợp (A01, C00, D01, D04, D78, D83), thành ra trung bình mỗi một tổ hợp chưa tới 5 chỉ tiêu trúng tuyển. Riêng tổ hợp C00, trường nhận được tổng cộng 2.544 nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Như vậy, có thể thấy tỷ lệ chọi vào ngành báo chí năm nay rất cao ở khối C00, khoảng 1 chọi hơn 500 thí sinh (TS).
Trong 12 khoa, trường ĐH trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội còn có Trường ĐH Công nghệ điểm chuẩn ngành công nghệ thông tin (chương trình chuẩn) cũng rất cao: 29,15 điểm. Năm nay, trường này dự kiến tuyển 980 chỉ tiêu, theo 7 phương thức xét tuyển. Trong đó, phương thức xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT có số chỉ tiêu được phân bổ là từ 20 - 50%, tùy theo chương trình đào tạo. Trong đó, ngành công nghệ thông tin tuyển 20% chỉ tiêu cho phương thức dựa vào kết quả thi THPT, được phân bổ số phần trăm chỉ tiêu thấp nhất so với 11 ngành còn lại.
Điểm chuẩn đại học 2022 đang "lạm phát"
2. Có ngành giảm đến 10 điểm !
Điểm chuẩn ĐH nhiều ngành giảm nhẹ là xu hướng được nhìn thấy ở các trường năm nay. Trước hết, phải kể đến điểm chuẩn các trường đào tạo khối ngành y dược, đặc biệt là ngành y khoa.
Năm nay, Trường ĐH Y dược TP.HCM lấy điểm chuẩn ngành y khoa theo điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT ở mức 27,55 điểm. Ở phương thức kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, điểm chuẩn ngành này ở mức 26,6. Trong khi đó, năm 2021 ngành y khoa có điểm chuẩn cao nhất với 28,2 điểm. Ở phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, ngành y khoa có điểm chuẩn 27,65.
Ngành y khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch: 25,85 (TS có hộ khẩu TP.HCM) và 26,65 (TS có hộ khẩu tại các địa phương khác). Trong khi đó, điểm chuẩn ngành này năm ngoái là 26,5 (TS có hộ khẩu TP.HCM) và 27,35 (TS có hộ khẩu tại các địa phương khác).
Đặc biệt, năm nay Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có điểm chuẩn các ngành giảm mạnh so với 2021. Trong đó, ngành cao nhất của năm ngoái là logistics và quản lý chuỗi cung ứng giảm từ 27,1 xuống còn 17 điểm năm nay.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận định: “Điểm chuẩn ĐH năm nay có xu hướng giảm nhẹ ở hầu hết các ngành, do những nguyên nhân từ phổ điểm thi và số lượng TS đăng ký. Số lượng ngành có điểm chuẩn cao ở mức trên 27 không nhiều và có thể một phần do số lượng chỉ tiêu còn lại cho xét điểm thi tốt nghiệp THPT không nhiều”.
Các ngành khoa học xã hội nhân văn được đánh giá có điểm chuẩn tăng trong năm nay. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, tất cả các ngành có xét tuyển tổ hợp khối D của trường đều giảm điểm so với năm ngoái (trừ 2 ngành mới có số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh là tâm lý học giáo dục và quản lý giáo dục). “Điều này là tất yếu do ảnh hưởng từ kết quả thi tốt nghiệp THPT của TS ở môn ngoại ngữ”, tiến sĩ Hạ nhận định.
Ông Hạ phân tích: “Xu hướng điểm chuẩn giảm ở hầu hết các ngành năm nay còn có những tác động từ số lượng TS đăng ký xét tuyển. Đặc biệt là ở những ngành có số lượng TS nhập nguyện vọng bằng phương thức sớm không nhiều dẫn đến chỉ tiêu phương thức xét điểm thi tăng, điểm chuẩn giảm nhiệt”.
3. Giải pháp kìm hãm “lạm phát”điểm chuẩn
Một số trường ĐH mọi năm vẫn được dư luận chú ý bởi điểm chuẩn thường xuyên đứng hàng top thì năm nay điểm chuẩn lại có xu hướng giảm. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là một ví dụ điển hình.
Đầu bảng điểm chuẩn phương thức xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay là mã ngành kỹ thuật máy tính, 28,29 điểm. Đây cũng là mã ngành duy nhất trong số 60 mã ngành của trường có mức điểm chuẩn trên 28. Tuy nhiên, điều đáng nói là năm nay mã ngành khoa học máy tính không có điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, cùng với 4 mã ngành khác.
PGS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, giải thích đây là 5 mã ngành có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT thì sẽ đẩy điểm chuẩn những mã ngành này lên “đụng trần”. Trong khi đó, nhà trường quan niệm việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, nó thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những TS xuất sắc nhưng vì sơ suất nhỏ khi làm bài mà điểm không đủ cao.
PGS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng ĐH của ĐH Huế, cho biết qua quan sát tuyển sinh theo xu hướng tự chủ hiện nay, mỗi ngành có nhiều phương thức xét tuyển, trong khi đó chuẩn đầu vào các phương thức xét tuyển chưa được đánh giá và có phương pháp đối sánh chất lượng với nhau. Vì thế, nhiều ngành dành chỉ tiêu thấp cho phương thức xét tuyển theo kết quả thi THPT, vì vậy nhiều trường đẩy điểm chuẩn theo phương thức kết quả THPT lên rất cao, nhằm tạo thương hiệu nhưng thực chất số lượng tuyển rất ít. Điều này đặt ra bài toán sự đồng đều chất lượng đầu vào của các phương thức xét tuyển, sự công bằng và đảm bảo chất lượng cho quá trình đào tạo.
> 17 trường quân đội công bố điểm chuẩn 2022
> Điểm chuẩn của 8 trường công an giảm
Theo Báo Thanh Niên