Chiều nay 15.9, một số trường đại học sẽ công bố kết quả xét tuyển cũng như điểm chuẩn và danh sách các thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển đợt 1.
Tính đến vòng lọc ảo chiều qua (14.9), điểm chuẩn nhiều ngành không tăng như dự báo trước đó.
Theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, đến chiều nay (15.9) các trường đại học (ĐH) sẽ tải từ hệ thống tuyển sinh kết quả xử lý nguyện vọng lần 6. Từ kết quả lọc ảo toàn quốc lần cuối cùng này, các trường ĐH nhập mức điểm trúng tuyển và kết quả xét tuyển lên hệ thống, rà soát và công bố kết quả trúng tuyển đợt 1 năm nay.
Ngay từ chiều qua, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã có thông báo thời gian dự kiến công bố kết quả trúng tuyển phương thức xét tuyển kết hợp năm 2022. Theo đó, trường dự kiến công bố điểm trúng tuyển vào 15 giờ 09 ngày 15.9 và thí sinh có thể tra cứu kết quả trúng tuyển từ 16 giờ 09 ngày 16.9. Thí sinh tự tra cứu kết quả trúng tuyển trên cổng tuyển sinh của trường và nhận giấy báo trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học trực tiếp. Trường không gửi giấy báo trúng tuyển về nhà cho thí sinh.
Điểm chuẩn đại học 2022 của nhiều ngành có thể không tăng như dự kiến
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết thí sinh dự kiến trúng tuyển vào trường năm nay đa số có điểm thi tốt nghiệp THPT ở mức cao. Điều này chứng tỏ thí sinh đã có lựa chọn và cân nhắc khi nộp hồ sơ.
“Năm nay, lần đầu tiên trường thực hiện phương thức xét tuyển kết hợp nhiều tiêu chí nên khó có sự so sánh với điểm chuẩn các năm trước. Tuy nhiên, do chỉ tiêu dành cho phương thức này rất cao (tối đa 90%) nên nhìn chung điểm chuẩn sẽ không cao như các năm trước nếu tính theo từng điểm thành phần”, PGS Thắng nhận định.
Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cũng cho biết năm nay các ngành thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học sự sống điểm chuẩn gần ở mức sàn. Các ngành toán, máy tính, công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể tăng nhẹ trong phạm vi tối đa nửa điểm so với năm ngoái. “Riêng các ngành công nghệ và kỹ thuật có sự biến động nhiều hơn trong khoảng dưới 1 điểm theo chiều hướng tăng hoặc giảm tùy ngành”, thạc sĩ Vũ chia sẻ.
Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cũng cho biết: “Điểm chuẩn các ngành của trường năm nay có xu hướng giảm. Trong đó, một nguyên nhân trực tiếp là trường áp dụng điều kiện tiếng Anh, nhiều thí sinh dù có điểm xét tuyển cao ở mức 25, 26 điểm nhưng không đạt tiêu chí tiếng Anh để xét tuyển”.
Điểm chuẩn các ngành của trường, ông Phương cho hay: “Mức điểm cao nhất rơi vào ngành ngôn ngữ Anh và công nghệ thông tin, 21 điểm. Nhóm ngành kinh tế, quản lý khoảng 19 - 20 điểm và các ngành kỹ thuật 15,5 điểm”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cũng cho biết điểm chuẩn các ngành của trường sẽ từ 17 - 20 (không tính các ngành khoa học sức khỏe). “Ban đầu, điểm chuẩn được dự báo có thể tăng cao nhưng thực tế qua công tác lọc ảo thì không tăng như dự kiến. So với năm ngoái, điểm chuẩn có ngành bằng hoặc cao hơn nhưng nhiều ngành điểm chuẩn thấp hơn”, ông Quốc Anh bình luận.
Điểm chuẩn Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM tính đến vòng lọc ảo chiều 14.9 cũng có những biến động so với năm 2021. Theo đó, các ngành điểm chuẩn tăng khá nhiều như tự động hóa (17 lên 20 điểm), công nghệ sinh học (từ 16,5 lên 20 điểm), an toàn thông tin (từ 17 lên 21 điểm). Khối ngành công nghệ thông tin và kinh tế tăng khoảng nửa điểm. Ngược lại, một số ngành có xu hướng giảm khoảng 1 - 1,25 điểm so với năm trước như: công nghệ thực phẩm, quản trị kinh doanh. Các ngành giữ nguyên điểm chuẩn như năm ngoái ở mức 16 như công nghệ môi trường, công nghệ chế biến thủy sản…
Trường ĐH Văn Lang cũng dự kiến điểm chuẩn phương thức xét điểm thi tốt nghiệp bằng với điểm sàn đã công bố (16 - 23 điểm tùy ngành).
> Một số thí sinh đăng ký nhầm phương thức xét tuyển đại học 2022
> Cập nhật website tra cứu điểm chuẩn đại học 2022
Theo Báo Thanh Niên