Buổi tọa đàm về chủ đề "Khát vọng tương lai" của các bạn trẻ được tổ chức tại trường Đại học Quốc gia TP.HCM vào ngày 13/05 được nhiều bạn trẻ quan tâm. Chương trình còn có sự tham gia của ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn kinh doanh hội nhập toàn cầu; chị Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook VN; ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Xem thêm:
>>> Các trường Đại học Sư phạm tăng chỉ tiêu tuyển sinh do Quy định "thoáng hơn" của Bộ GD&ĐT
>>> Nhiều ngành mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2018 đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội
Mở đầu buổi nói chuyện “Khát vọng tương lai” do ĐH Quốc gia TP.HCM tổ chức sáng 13/05, PGS-TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã nhấn mạnh: "Không ai sinh ra đã thành công. Họ thành công vì có khát khao và quyết tâm phấn đấu không ngừng nghỉ để biến ước mơ thành hiện thực. Hãy mạnh dạn khởi nghiệp, biến những ước mơ, ý tưởng của mình thành hiện thực, đấy chính là những khát vọng tương lai."
Tuổi trẻ phải có khát vọng
Nói về những khát vọng của mình, chị Lê Diệp Kiều Trang cho biết tùy thuộc vào mỗi giai đoạn, khát vọng sẽ thay đổi khi tầm nhìn của chúng ta thay đổi. Thành công không phải vì mình giỏi nhưng cơ hội được tiếp xúc với thế giới bên ngoài từ hết cánh cửa này đến cánh cửa khác, từ đó tầm nhìn mình mở ra và làm bản thân quyết tâm hơn với khát khao của mình.
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai, khát vọng là mong muốn làm một điều gì đó. Ông Trai nhắn nhủ: “Hãy đi tìm cái mình cần chứ đừng đi tìm cái người ta có mà mình không có”. Còn ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ: “Tuổi trẻ là phải có khát vọng. Chúng ta là người có tri thức, chúng ta phải biết phân tích, phải biết được đâu là nguồn đáng tin để chọn lựa, đi theo và thực hiện ước mơ của mình”.
Suy nghĩ: "Làm chủ hay làm thuê?"
Trong buổi nói chuyện, Trương Đình Thông, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, hỏi: “Mọi người nói nhiều về khởi nghiệp nhưng bản chất của khởi nghiệp như thế nào và sinh viên ra trường nên làm thuê hay làm chủ?”.
Về vấn đề này, chị Lê Diệp Kiều Trang cho rằng làm gì không quan trọng miễn sao mỗi ngày mình trưởng thành hơn. Và bất kể làm gì các bạn phải có được 2 yếu tố là phải giỏi và thật sự yêu thích. Nếu thiếu một trong hai, thì cũng sẽ không thể đi được đến cuối con đường.
Cũng theo chị Trang, giữa khởi nghiệp và đi làm thuê có nhiều điểm giống nhau như đều là làm giỏi cái mình đang làm. “Tuy nhiên, có những bạn chỉ phù hợp với khởi nghiệp. Nếu các bạn có một ý tưởng, có công nghệ nào đó có thể thay đổi cộng đồng này thì nên mạnh dạn khởi nghiệp. Còn lại đừng nên chạy theo khởi nghiệp với lòng mong mỏi duy nhất là làm giàu. Nếu mục tiêu là làm giàu thì có rất nhiều con đường đi vì khởi nghiệp thành công ít nhưng thất bại thì nhiều. Nên đầu tiên, hãy làm thuê để hiểu rõ về mình và về thị trường. Còn bạn nào đã chắc chắn hiểu rõ mình và thị trường cần gì thì ngại ngần gì mà không khởi nghiệp”.
Đặt câu hỏi hay thay vì tìm câu trả lời
Hạnh Dung, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, trăn trở: “Tuổi trẻ làm thế nào để xác định được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của bản thân?”.
Chị Kiều Trang khuyên: “Đầu tiên trong giai đoạn sinh viên nên tập trung đặt câu hỏi hay chứ đừng vội tìm câu trả lời vì chưa đủ thông tin để tìm ra câu trả lời. Câu hỏi hay sẽ làm cho bản thân bạn luôn không hài lòng và giúp bạn tìm thêm thông tin cho câu trả lời càng đúng. Đâu là mục tiêu dài hạn và ngắn hạn thì vẫn là vấn đề còn mông lung, nhưng quan trọng nhất là trong lòng luôn thôi thúc làm việc”.
Hoàng Văn Sơn, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, thắc mắc: “Du học có phải là con đường ngắn nhất dẫn đến thành công?”.
Với những kinh nghiệm của mình, ca sĩ Hà Anh Tuấn cho rằng môi trường học đại học trong nước đang tiến rất gần đến tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, vẫn có những sự khác biệt. Khi quăng mình vào một cộng đồng toàn những người nước ngoài thì ngoài những kỹ năng cơ bản, bắt buộc bạn phải học thêm rất nhiều kỹ năng khác để tồn tại. Chính vì thế, môi trường du học sẽ cho bạn được rất nhiều kỹ năng.
Tuy nhiên, theo Hà Anh Tuấn: “Phải đi du học để thành công thì đây không phải là quan niệm đúng. Dù các bạn học ở môi trường nào đi chăng nữa nhưng phải có tư duy của sinh viên toàn cầu để có thể giải quyết bất kỳ vấn đề gì và có thể bắt kịp được bất kỳ kiến thức nào”.
Theo Thanh Niên