Trong khi chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm giảm mạnh, tổng chỉ tiêu năm 2018 ở hầu hết các trường vẫn tăng so với năm trước. Nhìn vào thực tế có thể thấy bất thường trong xác định chỉ tiêu năm nay.
Xem thêm:
>>> Nhiều ngành mới xuất hiện trong mùa tuyển sinh 2018 đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội
>>> Không còn "tâm lý đám đông" trong kỳ xét tuyển sinh đại học 2018
Tổng chỉ tiêu tuyển sinh tăng dù giảm khối ngành Sư phạm
Theo số liệu của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT Quốc gia 2018, tổng chỉ tiêu vào các trường ĐH, CĐ có đào tạo nhóm ngành giáo viên là 455.174 chỉ tiêu (tăng 1,2% so với năm ngoái). Trong đó, tổng chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi này là 344.275, tuyển bằng các phương thức khác là 110.899.
Có thể thấy xu hướng tăng chỉ tiêu này đang đi ngược lại so với năm trước. Cụ thể, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2016 là 420.000, thì chỉ tiêu tuyển sinh ĐH năm 2017 giảm khoảng gần 100.000 (tương đương 20%). Điều đáng nói là tổng chỉ tiêu năm 2018 tăng dù chỉ tiêu các ngành đào tạo giáo viên đã giảm tới 38% so với năm trước đó!? Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết năm nay lần đầu tiên các trường hoàn toàn xác định chỉ tiêu, Bộ không tiền kiểm hay thông báo về chỉ tiêu tuyển sinh như các năm trước đó.
Theo đại diện Bộ GD-ĐT, chỉ tiêu của cả hệ thống chỉ tăng lên 1,2%. Số liệu thực tế cho thấy các trường có sự kiểm soát, không tăng tràn lan chỉ tiêu. Tuy nhiên, theo ý kiến một chuyên gia, xét về mặt tỷ lệ thì con số 1,2% không lớn nhưng nhìn trong bối cảnh chung khi năm rồi Bộ phải siết chỉ tiêu do cung đang lớn hơn cầu, cộng với giảm mạnh chỉ tiêu đào tạo sư phạm thì đây không phải là điều bình thường.
Được các chuyên gia dự báo trước
Việc tăng mạnh chỉ tiêu có thể xảy ra trong năm nay là điều một số chuyên gia đã có dự báo khi nói về quy định mới về xác định chỉ tiêu tuyển sinh áp dụng trong năm nay. Theo đó, quy định này cho phép các trường khi xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy được tính cả giảng viên thỉnh giảng với một tỷ lệ được giới hạn, trừ các ngành đào tạo giáo viên. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các trường chỉ được căn cứ vào số lượng giảng viên cơ hữu để xác định chỉ tiêu (cùng với các tiêu chí khác như diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo, quy mô sinh viên chính quy tối đa).
Tỷ lệ giảng viên thỉnh giảng sau khi đã quy đổi chỉ được sử dụng với tỷ lệ giới hạn tùy theo khối ngành. Tuy nhiên, điều này vẫn thực sự đáng lo ngại khi hiện vẫn chưa có công cụ quản lý chất lượng giảng viên thỉnh giảng, khiến một giảng viên có thể làm thỉnh giảng ở rất nhiều trường, từ đó tạo điều kiện cho một số trường ĐH chạy theo quy mô nên tăng chỉ tiêu một cách thiếu trách nhiệm.
Không những thế, một điểm mới năm nay còn cho phép tự chủ xác định chỉ tiêu với những ngành đạt kiểm định. Điều này dẫn đến bất cập khi bản thân bộ tiêu chuẩn kiểm định đang có nhiều vấn đề như hiện nay. Bởi quy định hiện nay, việc cho điểm như nhau giữa tất cả các tiêu chí và không có quy định trường đạt chuẩn phải đạt ở những tiêu chí quan trọng nào. Một khi đánh giá “cào bằng” thì vẫn có tình trạng một trường không đảm bảo đội ngũ giảng viên vẫn được công nhận đạt chuẩn. Nếu cho phép một đơn vị như vậy tự do xác định chỉ tiêu có thể nảy sinh những bất cập.
Điều này đã được nhìn thấy rõ qua kết quả đánh giá của một trường đã được công nhận tại TP.HCM ở mức tối thiểu 80,33%. Trong số 12 tiêu chí chưa đạt của trường có những nội dung rất quan trọng như về chương trình đào tạo, về phương pháp, quy trình kiểm tra đánh giá người học, yêu cầu 100% ngành đào tạo có tổ chức lấy ý kiến phản hồi của đơn vị sử dụng lao động với sinh viên tốt nghiệp... Đáng chú ý, trường còn chưa đạt chuẩn về yêu cầu đội ngũ giảng viên, số lượng giảng viên cơ hữu... Ngay cả tiêu chí trang thiết bị phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học, đủ diện tích lớp học theo quy định cũng đều chưa ổn. Dù vậy chỉ tiêu tuyển sinh năm 2018 của trường vẫn tăng khá mạnh so với trước đó, từ trên 4.800 lên tới gần 6.000 chỉ tiêu.
Việc để những trường dù thiếu những điều kiện thiết yếu để đảm bảo chất lượng đào tạo (giảng viên, chương trình học) được tự chủ tăng chỉ tiêu trong trường hợp này sẽ dẫn đến hệ quả không hề nhỏ về chất lượng nguồn nhân lực.
Theo Thanh Niên