Bằng MBA (Master of Business Administration - Thạc sĩ quản trị kinh doanh) là chương trình đào tạo sau đại học (1-2 năm) phổ biến nhất toàn cầu hiện nay. Đây được coi như thẻ thông hành cho những doanh nhân thành đạt trong tương lai. Trong đó, “Case study” chính là phương pháp chủ chốt để người học có được tấm bằng MBA danh giá.
Tốt nghiệp Đại học Sydney với tấm bằng loại ưu, anh Minh quyết định làm việc 2 năm tại Singapore trước khi về Việt Nam khởi nghiệp với chuỗi cửa hàng. Say mê theo đuổi tri thức mới và nhận thấy những kiến thức mình học được đã lỗi thời, gác lại tất cả, anh tiếp tục theo đuổi ước mơ học MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại Đại học Harvard với kỳ vọng được tiếp xúc với nhiều người ở các ngành nghề khác nhau, những người đã đi trước để có tư duy tiến bộ và hiện đại hơn.
Anh Bùi Quang Minh tốt nghiệp chương trình MBA của Harvard
Cách đào tạo MBA tại Harvard
Theo anh Minh, tất cả chương trình đào tạo tại Harvard đều được dạy bằng "case study", tức là học qua những tình huống thực tiễn. Trong 2 năm, học viên sẽ phải trải qua vài trăm "case study" khác nhau ở từng lĩnh vực. Bài học sẽ là những tình huống thực tế mà các nhà quản lý thường gặp phải ở các doanh nghiệp. Lý thuyết cũng được cung cấp đan xen trong bài nhưng tất cả học viên phải tự nghiên cứu. Đó chỉ là cơ sở để học viên hiểu kỹ hơn về tình huống được cung cấp.
Với phương pháp này, học viên buộc phải chủ động đọc, nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu trước. Việc này chiếm hơn 50% thành công của giờ giảng. Tại lớp, giảng viên chỉ hỗ trợ để mọi người tự trao đổi, trò chuyện, tham gia tranh luận theo các câu hỏi mang tính gợi mở. Từ đó, sự bất đồng, những góc nhìn khác nhau sẽ giúp người học có cái nhìn sâu sắc hơn và "vỡ lẽ" được nhiều điều mới mẻ. Cách tiếp cận vấn đề và suy nghĩ khác nhau sẽ giúp học viên định hướng tư duy, nâng cao khả năng.
“Case study” là gì?
"Case study là phương pháp hiệu quả và không thể thiếu khi học MBA. Nó giúp người học có tư duy giống như mình là người quản lý thực sự, gánh trên vai trách nghiệm dẫn dắt doanh nghiệp đi đến thành công. Lúc đó, người học sẽ có công cụ để tư duy về cách đưa ra quyết định chính xác", anh Minh chia sẻ.
Theo đó, "case study" rèn luyện cho học viên có tư duy cần thiết để đưa ra quyết định. Không chỉ dừng lại ở việc học, mỗi học viên sẽ được thử ngồi ghế lãnh đạo, đưa ra quan điểm và phải bảo vệ nó trước nhiều người. Nếu giải quyết tốt các tình huống, khi ngồi vào vị trí đó trong tương lai, bạn hoàn toàn có thể làm tốt mọi việc.
Case study rèn luyện cho học viên có tư duy cần thiết để đưa ra quyết định
Ví dụ về phương pháp case study
Trong buổi chia sẻ với các học viên chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh của Viện Quản trị Kinh doanh FSB, anh Minh đưa ra "case study" về việc cung cấp dịch vụ khách hàng của Starbucks - hãng cafe nổi tiếng của Mỹ. Trước đó, học viên đã được cung cấp tình huống và tự tìm hiểu trước khi vào bài học. Tại lớp, học viên được tự do phát biểu, đưa ra ý kiến và bảo vệ quan điểm của mình.
Tại buổi học, anh Minh đã đưa ra nhiều câu hỏi: Tại sao Howard Schultz - CEO của Starbucks lại muốn thực hiện ý tưởng tạo ra một chuỗi các quán cà phê tại Mỹ; các tiêu chí đánh giá dịch vụ khách hàng của Starbucks đã ổn chưa hay Starbucks có nên mở rộng phạm vi ra ngoài nước Mỹ? Với mỗi câu hỏi lớn, anh lại liên tiếp đặt ra các câu hỏi về chiến lược xây dựng thương hiệu; việc đào tạo nhân viên cho các cửa hàng như thế nào hay cách đo lường chất lượng dịch vụ…
Các câu hỏi này nhận được nhiều ý kiến và trao đổi từ học viên. Mọi người đưa ra quan điểm riêng và bảo vệ ý kiến bằng những kiến thức mình có được, từ đó phát hiện được một số mâu thuẫn trong bảng đánh giá sự hài lòng và đo tần suất của khách hàng tại Starbucks.
Qua phần tranh luận, mọi người được tiếp cận rõ ràng các giải pháp mà Starbucks áp dụng thành công nhờ cung cấp tốt dịch vụ khách hàng. Quá trình tự nghiên cứu và trao đổi đã giúp học viên tự đúc kết kinh nghiệm cho bản thân.
> Có phải chỉ “nhà giàu” và “học giỏi” thì mới đi du học được?
> Những suy nghĩ sai lầm về du học ngăn cản ước mơ của bạn
Theo Dân trí