Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

trường dan lap

Học sinh TCCN nộp hồ sơ vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng năm 2011. Năm nay, theo quy định, các trường ĐH không được tuyển sinh và đào tạo bậc học này - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

 

Không thể chấp nhận việc tồn tại một hệ thống trường ngoài công lập vốn đã yếu ớt, lại càng bị suy yếu thêm bởi những mâu thuẫn lợi ích liên tục xảy ra.

 

Lợi nhuận của trường đại học (ĐH) dân lập thuộc về tập thể. Còn đối với trường tư thục, lợi nhuận làm ra chia cho cổ đông theo tỉ lệ góp vốn. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa hai loại hình trường này.

Minh bạch tài sản

Vì thế, lãnh đạo nhiều trường cho rằng khối tài sản tích lũy được qua quá trình hoạt động dưới loại hình trường dân lập phải mời công ty thẩm định giá tài sản, công bố toàn bộ tài sản, đồng thời phải định giá giá trị vô hình (thương hiệu, đóng góp chất xám của đội ngũ giảng viên). Theo đó công sức, trí tuệ và tên gọi của trường cũng cần phải lượng hóa thành giá trị đóng góp tương đương... để tránh nghi ngại lẫn nhau. Nếu giải quyết được việc này sẽ tạo sự đồng thuận trong nội bộ các trường.

 

Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng: “Tài sản hữu hình và vô hình phải được cổ phần hóa. Cán bộ công nhân viên nhà trường ai cũng được hưởng. Dù không đưa chia nhưng phải có quyền lợi.


Một chuyên gia cho rằng việc coi trọng lợi nhuận trong phát triển giáo dục không nên nhìn nhận một cách cực đoan, nhất là khi lợi nhuận biểu hiện ở sản phẩm là con người. Tuy nhiên, hiện nay cấp quản lý vẫn phớt lờ và không làm rõ vấn đề “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” khi các trường chuyển sang tư thục. Vì thực tế lợi nhuận của các trường là có thật! Khi chưa làm rõ vấn đề này, người có tâm với giáo dục e ngại, còn người muốn mưu cầu lợi ích thật nhiều lại không chịu thừa nhận.

 

Do đó, không ít người luôn tuyên bố “trường tôi là trường phi lợi nhuận” nhưng thực chất lợi nhuận không tái đầu tư mà chia nhau hết, thậm chí có trường còn báo cáo lỗ vì thực tế tiền lãi đã phân tán thông qua mức lương khủng hằng tháng. Vì vậy, việc làm rõ hai khái niệm trên không chỉ giúp các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục yên tâm khi đầu tư vào đây, mà Nhà nước sẽ có chính sách quản lý thích hợp.

Trường của xã hội

Theo hiệu trưởng một trường ĐH dân lập ở TP.HCM, định hướng xã hội hóa giáo dục làm sao để khi chuyển đổi sang tư thục khối tài sản chung được giữ làm vốn cho trường tiếp tục phát triển chứ không được chia. Vốn bao gồm vốn trường dân lập chuyển qua và vốn góp của các cổ đông. Khi hoạt động có lãi sẽ chia theo tỉ lệ góp vốn của các cổ đông và chia cho cả phần trường dân lập góp vào...

 

Sau một thời gian hoạt động, vốn của cổ đông không tăng lên mà phần vốn của trường dân lập chuyển qua sẽ tăng lên vì phần lãi này không rút ra. Đến khi đó phần vốn của cá nhân ở trường rất nhỏ và trường trở thành trường của xã hội. “Như vậy không trái với chủ trương xã hội hóa giáo dục, các cổ đông cũng cảm thấy không bị lừa. Việc đóng góp tiền vào để xây dựng trường chứ không phải để chiếm quyền lãnh đạo nhà trường. Xã hội hóa huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục không phải góp nhiều tiền vào là có quyền quyết định tất cả mọi thứ” - hiệu trưởng này nói.

 

Theo lãnh đạo của nhiều trường ĐH dân lập, để quá trình chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục thuận lợi, Bộ GD-ĐT cần sớm có thông tư sửa đổi thông tư 20 trước đây. Làm sao để quá trình thực hiện chuyển đổi phải thật sự dân chủ. Tất cả cán bộ nhân viên, giảng viên trong nhà trường phải được cung cấp đầy đủ thông tin, hiểu rõ các chính sách, quy định của pháp luật trong việc này. Đồng thời được tham gia quá trình định giá tài sản và làm thật minh bạch. Ngoài ra, việc bầu ban đại diện phần vốn thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của trường ĐH dân lập phải chọn được những người có năng lực, uy tín... để quản lý khối tài sản này ngày càng phát triển.

 

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga:

Hành lang pháp lý chưa vững chắc

Trao đổi với Tuổi Trẻ về những bất ổn đang xảy ra trong các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng:

- Một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập có tình trạng này thường do trong nội bộ các trường không có sự thống nhất giữa nhà đầu tư và lãnh đạo nhà trường, khác biệt quan điểm ngay trong nội bộ HĐQT, ban giám hiệu hoặc giữa chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng... Bên cạnh đó, các văn bản hiện chưa đầy đủ nên chưa thật sự tạo được hành lang pháp lý vững chắc cho các trường hoạt động, hạn chế những bất cập phát sinh. Đây cũng là yếu tố khách quan làm nảy sinh những vấn đề thực tế vừa nêu.

 

* Quan điểm của Bộ GD-ĐT trong việc giải quyết mâu thuẫn hiện nay ở các trường ra sao, thưa thứ trưởng?

- Theo quy định, các trường ngoài công lập có tính tự chủ rất cao. Vì vậy, các mâu thuẫn nội bộ trước hết phải do các trường tự xử lý trên nguyên tắc xây dựng, ổn định để phát triển. Bên cạnh đó tùy theo mức độ, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với tổ chức Đảng và chính quyền địa phương nơi trường đặt trụ sở tiến hành thanh tra, kiểm tra để xem xét, giải quyết các vướng mắc, hoặc xử lý đối với những vi phạm theo pháp luật.

 

Cũng cần phải khẳng định nhà trường muốn phát triển bền vững, tạo lập thương hiệu, trước hết nội bộ phải đoàn kết, thống nhất, đồng thời phải tăng cường đầu tư các nguồn lực cho những yếu tố đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó nhà trường cần thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động. Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, thực hiện cam kết theo đề án được phê duyệt khi thành lập của các nhà trường, nhất là các trường mới thành lập.

 

* Bộ GD-ĐT đang soạn thảo thông tư 20 sửa đổi, việc này đã thực hiện đến đâu và hướng sửa đổi ra sao?

- Qua thực tế, vấn đề khúc mắc nhất trong việc chuyển đổi trường dân lập sang tư thục hiện nay là xử lý khối tài sản không chia. Vấn đề là ai sẽ quản lý khối tài sản này (HĐQT hay đại diện tập thể người lao động); người đại diện quản lý khối tài sản không chia này có quyền biểu quyết các vấn đề quan trọng của trường hay không... đang còn có nhiều ý kiến khác nhau.

 

Bộ GD-ĐT đang cố gắng đẩy nhanh việc soạn thảo thông tư sửa đổi nói trên để tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục theo quyết định 122. Mặt khác, thực tế cho thấy việc chuyển đổi loại hình trường này nhanh hay chậm còn phụ thuộc chủ yếu vào tình hình nội bộ các trường, quyết tâm của nhà đầu tư, HĐQT...

Hành lang pháp lý mới

Trước thực tế đang có quá nhiều bất ổn xảy ra ở các trường ĐH, CĐ ngoài công lập được cho rằng do quy định của pháp luật về việc này chưa rõ ràng, mới đây (ngày 10-11) Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định 63/2011/QĐ-TTg về việc sửa đổi bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường ĐH tư thục ban hành kèm theo quyết định 61 trước đây. Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường ngoài công lập, quyết định 63 cơ bản đã đưa ra những cơ sở pháp lý để giải quyết bất ổn ở các trường hiện nay, nhưng để chính sách được thực thi hiệu quả còn nhiều việc phải làm...

Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (tuoitre)


Bài: Bất cập trường tư: quyền lợi các bên cần đảm bảo