Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

Tin liên quan:

bat_cap_truong_tu

Dự án đầu tư xây dựng của trường vẫn còn nằm trên giấy. Trong ảnh: khu đất dự kiến xây trường của Trường ĐH Văn Hiến tại huyện Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

 

Nhà đầu tư khẳng định họ phải có quyền để đảm bảo nguồn vốn của họ. Trong khi đó, những người điều hành lại quan niệm rằng trường tư không phải là doanh nghiệp mà ở đó người có tiền làm chủ, giáo viên làm thuê.

 

Từ khi có chủ trương chuyển các trường ĐH dân lập sang loại hình trường tư thục đã nhận được sự đồng thuận của nhiều người. Tuy nhiên, khi cụ thể hóa chủ trương này, nhiều trường lại làm vội và đã “mắc cạn” khi chuyển đổi hoặc dẫn đến bùng nổ mâu thuẫn.

 

Theo quyết định 122, có 19 trường ĐH dân lập phải hoàn thành chuyển đổi trước thời hạn 30-6-2007. Nhưng đến nay mọi chuyện vẫn còn khá ngổn ngang, đầy phức tạp.

Chung thuyền khác hướng

Thực tế để thành lập trường ĐH ngoài công lập cần đến nguồn vốn, trong khi các nhà giáo lại không nhiều tiền nên đã mời gọi các nhà đầu tư góp vốn. Ngay từ đầu, những người sáng lập trường là các nhà giáo cùng các nhà đầu tư đã ngồi lại và hỗ trợ cho nhau khá tốt. Tuy nhiên sau quá trình hoạt động, bất đồng dần tích tụ và nảy sinh mâu thuẫn. Thông thường sau khi kết thúc nhiệm kỳ hội đồng quản trị (HĐQT), bất ổn ở các trường lại bùng lên. Đến lúc này đã lộ ra những điều chưa đầy đủ trong quy chế, văn bản pháp luật nên rất khó giải quyết...

 

TS Phan Ngọc Thu, nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Phan Châu Trinh, cho rằng nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là do mâu thuẫn sâu sắc về quan điểm giáo dục. “Một số nhà đầu tư quyết dùng nhà trường làm cuộc buôn bán giáo dục lớn và trắng trợn. Chúng tôi tôn trọng quyền lợi chính đáng và hợp lý của các nhà đầu tư nhưng quyết không buôn bán giáo dục” - ông Thu khẳng định.

 

Ngay sau khi có quyết định 122, hàng loạt trường sốt sắng hoàn tất hồ sơ chuyển sang tư thục. Chính việc chuyển đổi chóng vánh này cùng với những toan tính mưu cầu lợi ích đã đẩy nhiều trường bùng phát những bất ổn nghiêm trọng. Lãnh đạo của nhiều trường ĐH ngoài công lập cho rằng mâu thuẫn lớn nhất xảy ra ở các trường hiện nay là vấn đề sở hữu tài sản và quyền quyết định cơ cấu tổ chức.

 

Theo GS.TSKH Đào Văn Lượng - hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, quy chế 61 và thông tư 20 không thể hiện rõ vai trò của các nhà giáo và người học. “Theo các quy chế hiện hành, HĐQT trường ĐH tư thục có quyền rất to, quyết định rất nhiều vấn đề về tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, quy hoạch, kế hoạch và phương hướng đầu tư phát triển trường... Rõ ràng người có tiền được quyết định rất nhiều thứ. Điều này chỉ phù hợp với doanh nghiệp. Đây là sai lầm của chính sách” - ông Lượng khẳng định.

 

Đồng quan điểm này, rất nhiều lãnh đạo các trường ĐH tư thục cho rằng quan niệm người đầu tư vào trường càng nhiều tiền thì được làm chủ là không hợp lý. Chính vì chính sách như vậy nên nhiều người có tiền muốn nhảy vào trường ĐH với mục tiêu kinh doanh giáo dục.

 

Đại diện ban giám hiệu Trường ĐH Văn Lang nhận định: “Trong quá trình chuyển đổi luôn đề cao những người có tiền (cổ đông) đã tạo tâm lý không tốt. Trường tư thục không thể là một công ty cổ phần mà ở đó người có tiền làm chủ, giáo viên làm thuê, sinh viên là khách hàng. Nhưng trên thực tế nhiều trường tư thục đang làm theo cách này. Vì vậy nhiều người không chấp nhận được...”.

 

Trong khi đó ông Nguyễn Minh Đức, chủ tịch HĐQT Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, cho rằng: “Người góp vốn phải có những quyền để đảm bảo nguồn vốn của họ. Đã là trường tư thục phải thừa nhận cơ chế này. Thực tế trường hoạt động thua lỗ thì cổ đông chịu”. Cũng theo ông Đức, hệ thống pháp luật trong vấn đề xã hội hóa giáo dục hiện vẫn chưa minh bạch. Do cơ chế không rõ ràng về quyền sở hữu tài sản nên tiền của trường thường rơi vào túi những người điều hành, hiệu trưởng... “Nếu không làm rõ vấn đề này thì không ai dám đầu tư vào giáo dục” - ông Đức khẳng định.

Rắc rối “tài sản không chia”

Ông Trần Chút, phó hiệu trưởng Trường ĐH Văn Hiến, cho rằng việc chuyển đổi các trường từ dân lập sang tư thục thực chất là chuyển đổi từ hình thức sở hữu tập thể sang hình thức sở hữu tư nhân. “Tuy nhiên, trong khi quy chế 61 và thông tư 20 lại không hề quan tâm đến vấn đề chuyển đổi sở hữu này. Theo thông tư 20, việc chuyển đổi thực tế là mang tài sản tập thể sang cho cá nhân. Cái vướng lớn nhất là ở đây” - ông Chút nói.

 

Một thành viên đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá vấn đề phức tạp khi xây dựng văn bản chuyển đổi là việc xử lý tài sản tích lũy được của trường dân lập. Theo quy định, tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động của trường dân lập sau khi trừ các chi phí là tài sản không chia. Tuy vậy, không phải các cá nhân sáng lập và nhà góp vốn đều thông suốt quan điểm này, có người đề nghị phải chia và chia nhiều, chia hết... Một khó khăn khác trong quá trình chuyển đổi là khi thành lập các trường dân lập đều có các tổ chức bảo trợ, khi chuyển sang tư thục sẽ không có tổ chức bảo trợ. Các tổ chức này cũng đòi được phân chia quyền lợi.

 

Theo quy định, thành viên HĐQT của trường ĐH tư thục phải là những người có số lượng cổ phần đóng góp ở mức cần thiết theo quy định của trường đó. Lãnh đạo nhiều trường cho rằng HĐQT là những người có tiền được bầu ra. Vì vậy, khi chuyển đổi trường sang tư thục nếu đem giao khối tài sản này cho HĐQT là điều khó chấp nhận.

 

Trong khi nhiều người ở trường dân lập góp công làm nên khối tài sản chung không chia này lại không có tiền để góp vốn vào trường tư thục, và như vậy họ không được quyền bầu ra HĐQT. Do đó, họ bị tước mất quyền sở hữu đối với khối tài sản này. Và khi tài sản này giao cho những người không đại diện cho họ quản lý, tất nhiên họ không đồng ý.

Trường bị định giá thấp

Nhiều cán bộ, giảng viên Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cho rằng việc xác định tài sản nhà trường để chuyển sang tư thục đang có vấn đề, đồng thời sai cả về mặt pháp lý. Năm 2007, trường này được định giá hơn 16,94 tỉ đồng (chỉ tính tiền mặt hiện có gửi trong ngân hàng). Nhưng đến ngày 12-6-2009 (thời điểm các nhà đầu tư mới góp vốn để chuyển sang tư thục), HĐQT của trường lại xác định tài sản nhà trường là 16,92 tỉ đồng.

 

Trong khi đó theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2005 tổng giá trị tài sản của trường này đã là 18,72 tỉ đồng. Còn tại thời điểm cuối năm 2009, giá trị tài sản của trường là 21,77 tỉ đồng. Chính việc làm này tạo sự hoài nghi rằng đã có sự toan tính khi định giá tài sản của trường thấp để nhà đầu tư dễ dàng nhảy vào khuynh đảo trường.

 

Tuy nhiên theo ông Lương Ngọc Toản (chủ tịch HĐQT), ban chỉ đạo chuyển đổi đã quan tâm việc xác định một cách thỏa đáng số vốn góp của nhà sáng lập, đánh giá đầy đủ tài chính và tài sản của trường, kể cả tài sản vô hình. Và đã giao đại diện công đoàn trường, đại diện nhà sáng lập, trưởng phòng tài vụ, cán bộ trường đảm trách việc này.



Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (tuoitre)


Bài: Bất cập trường tư: mâu thuẫn tiền và quyền