Sự kiện: Giáo Dục, Tuyển Sinh

 

Tin liên quan:

bat_on_truong_tu

Phát biểu lấy ý kiến về việc định giá tài sản tại hội nghị cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu của Trường ĐH Hùng Vương (tháng 7-2011) - Ảnh: Tr.Huỳnh

 

Thuở ban đầu ở nhiều trường ngoài công lập, quan hệ giữa những người điều hành và các nhà đầu tư như câu chuyện đẹp, cùng có chung mục tiêu. Thế nhưng những ngày tháng tươi đẹp đó không kéo dài được lâu.

 

Trong 23 năm tồn tại, hàng loạt vụ việc cùng nhiều mâu thuẫn trong nội bộ các trường vẫn liên tục xảy ra...

 

Tháng 8-2010, Bộ GD-ĐT đã đồng thời ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh đối với hai trường ĐH là Phan Châu Trinh (Quảng Nam) và Công nghệ Đông Á (Bắc Ninh). Lý do được bộ nêu ra là cả hai trường này đều vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của ĐH tư thục. Sau khi thành lập một thời gian dài, các trường vẫn chưa ban hành được quy chế tổ chức và hoạt động của trường, hội đồng quản trị (HĐQT) trường mất đoàn kết...

Mâu thuẫn âm ỉ

Tại Trường ĐH Phan Châu Trinh, từ khi thành lập hơn hai năm trường không tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, không tổ chức họp HĐQT theo quy định và trường không có ban kiểm soát... Một số cá nhân trong HĐQT trường gửi đơn tố cáo chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng gây ra bất ổn.

 

Tuy nhiên, theo ông Nguyên Ngọc, chủ tịch HĐQT nhà trường: “Không phải chúng tôi không triệu tập các cuộc họp theo đúng quy định mà không thể họp được. Do sự khống chế của nhóm tố cáo (các cổ đông của trường - PV) nên các cuộc họp HĐQT chưa bao giờ bàn thảo được một câu về giáo dục, nội dung xây dựng và phát triển trường, chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền. Nhiều cuộc họp đã tan vỡ vì mỗi lý do đó!”. Cuối cùng, hiệu trưởng Phan Ngọc Thu chấp nhận ra đi vào tháng 6-2011.

 

Trong một thời gian khá dài, tập thể cổ đông Trường ĐH Công nghệ thông tin Gia Định đã mâu thuẫn gay gắt với một số thành viên trong HĐQT và ban giám hiệu. Theo các cổ đông, họ không được ban giám hiệu, chủ tịch HĐQT cung cấp thông tin minh bạch về tài chính. Báo cáo của ban kiểm soát nhà trường khẳng định tình hình hoạt động tài chính của trường có dấu hiệu không minh bạch, dẫn đến nhiều thiệt hại và thất thoát lớn tiền của do cổ đông đầu tư. Các chi phí khảo sát, thẩm định, xây dựng cơ sở vật chất, chi phí đối ngoại... đều cao hơn giá thành thực tế.

 

Sau những mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng, tháng 11-2008, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chấn chỉnh lại hoạt động nhà trường, bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Quang làm hiệu trưởng (thay ông Trần Hiếu Hạnh). Nội bộ trường vẫn lục đục, ông Quang lại từ chức. Một thời gian trường này không có hiệu trưởng...

 

Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM khi thành lập (năm 2001) đến nay tình hình nội bộ vẫn rất rối ren. Ngay cả chức vụ hiệu trưởng nhà trường (được công nhận từ tháng 5-2008) đến nay vẫn chỉ là quyền hiệu trưởng... vì bất đồng với chủ tịch HĐQT nhà trường.

 

Nhiều năm nay, nội bộ trường liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiện cáo nhau. Có thời điểm lãnh đạo nhà trường và nhà đầu tư đã tranh nhau mua cổ phần để chiếm giữ quyền kiểm soát nhà trường... Những vụ việc tương tự cũng đang xảy ra tại Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn vì mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường giữa các thành viên HĐQT và hiệu trưởng đến mức không thể tự giải quyết được.

Bùng nổ bất ổn

Trong khi những bất ổn từ trước chưa được giải quyết, các trường đại học dân lập lại bị buộc phải chuyển sang loại hình trường tư thục một cách chóng vánh (theo quyết định số 122/2006/QĐ-TTg tháng 5-2006 của Thủ tướng Chính phủ) đã khiến những bất ổn vốn âm ỉ trong các trường bùng phát...

 

Suốt nhiều tháng qua, do nội bộ mâu thuẫn Trường ĐH Hùng Vương TP.HCM không thể tự giải quyết được nên UBND TP.HCM phải đứng ra giải quyết các bất đồng. Thanh tra TP hiện vẫn thanh tra toàn diện trường này. Từ khi chuyển sang loại hình tư thục (tháng 5-2010) đến nay, Trường ĐH Hùng Vương nảy sinh bất đồng giữa chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng. Để giải quyết việc này, tháng 3-2011 ông Lương Ngọc Toản (chủ tịch HĐQT), Lê Văn Lý (hiệu trưởng) và Đặng Thành Tâm (nhà đầu tư) thỏa thuận để ông Toản và ông Lý cùng đề nghị HĐQT thôi chức của hai ông. Đồng thời đề nghị HĐQT bầu ra chủ tịch HĐQT và hiệu trưởng mới. Nhưng ngay sau đó tình hình của trường càng trở nên phức tạp hơn...

 

Với chức danh chủ tịch HĐQT, ông Đặng Thành Tâm đã mời ông Nguyễn Đăng Dờn làm hiệu trưởng mới của trường. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng ông Dờn làm quyền hiệu trưởng, ông Tâm lại ra quyết định ông Lê Văn Lý tiếp tục làm hiệu trưởng và buộc ông Dờn bàn giao công việc. Sau đó ông Tâm lại gửi văn bản đến các cơ quan chức năng đề nghị miễn nhiệm chức danh hiệu trưởng của ông Lý vì lý do không được HĐQT tín nhiệm. Ngay sau đó, ông Tâm cùng một số thành viên HĐQT có văn bản gửi UBND TP.HCM cho rằng từ năm 2005-2010 ông Lý có nhiều sai phạm tài chính, nhiều năm không kê khai nộp thuế... Đồng thời đề nghị cơ quan công an kinh tế làm rõ sai phạm về tài chính của nhà trường.

 

Tại đại hội cán bộ công nhân viên trường này (tháng 7-2011), hiệu trưởng Lý cho rằng: “Mâu thuẫn nảy sinh từ khi có quyết định chuyển đổi loại hình trường. Từ đây, chủ tịch HĐQT, nhà đầu tư mới lấn sân rất sâu và toàn quyền quyết định mọi hoạt động của nhà trường”.

 

Tuy nhiên một thành viên HĐQT cho biết: “Từ lúc trường chuyển sang tư thục đến tháng 3-2011, ông Đặng Thành Tâm đóng góp thêm nguồn lực tài chính cho trường và đã góp vào quỹ trường đủ 50 tỉ đồng như biên bản góp vốn đã ký kết... không hưởng lợi một chút gì. Đồng thời để ông Lý và ông Toản điều hành nhà trường, không hề can thiệp vào hoạt động chuyên môn. Bản thân ông Lý và ông Toản được Tập đoàn SGI ưu ái góp cổ phần cho để được làm thành viên HĐQT”.

 

Theo ông Lương Ngọc Toản, năm 2007 HĐQT trường đã chuyển trọng tâm vào việc chuyển đổi trường sang tư thục được toàn thể cán bộ nhân viên, giảng viên cơ hữu hoàn toàn đồng thuận và thống nhất mời Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn (SGI) làm nhà đầu tư chính chiếm cổ phần quá bán. “Nhờ vậy HĐQT ban hành quy chế góp vốn phát triển trường làm cơ sở kêu gọi góp vốn vào trường. Đây là cơ sở chính để triển khai nhiệm vụ chuẩn bị chuyển đổi... Ban chỉ đạo chuyển đổi trường sang tư thục cũng được thành lập và đã xây dựng kế hoạch. Đồng thời thông báo trên báo kêu gọi góp vốn đầu tư để trở thành cổ đông của trường trong hai lần.

 

Cuối cùng Tập đoàn SGI đã ký biên bản góp vốn cho trường theo phương châm bất vụ lợi giai đoạn 1 đã ký đầu tư 50 tỉ đồng và nộp ứng trước 20% số vốn vào trường, 80% còn lại sẽ chuyển hết khi trường chuyển sang tư thục. Nhờ số vốn đầu tư này, trường có cơ sở đủ vốn điều lệ quy định lúc bấy giờ để xin chuyển sang tư thục...” - ông Toản cho biết.

Chuyển đổi bất thành

Ngày 28-10-2011, Trường ĐH Văn Hiến tổ chức đại hội đồng cổ đông nhằm chuyển đổi sang trường tư thục. Nhưng ngay sau phần giới thiệu, đoàn chủ tịch liền bị nhiều cổ đông phản đối nên đại hội phải hủy giữa chừng. Theo một số cổ đông, HĐQT trường chưa có văn bản chính thức nào thông báo kế hoạch chuyển đổi trường sang tư thục theo quy định của Bộ GD-ĐT. Vì vậy nhiều cán bộ, giảng viên và nhân viên trường không biết phần tài sản chung của họ được xử lý ra sao.

 

Ông Trần Chút - phó hiệu trưởng nhà trường - nói: “HĐQT nhà trường đã chấp nhận một cách tùy tiện nhà đầu tư chiến lược dẫn tới tình trạng không thể xác định VTC hay Công ty cổ phần VTC Truyền thông trực tuyến (VTC Online) là nhà đầu tư chiến lược của trường”. Cũng theo ông Chút, dựa vào những văn bản thiếu chuẩn mực, HĐQT đã nhanh chóng “ghi nhận việc chuyển vốn” cho VTC và tổ chức ngay những cuộc họp “bán vốn”.


Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, trường quốc tế

Kenhtuyensinh (TTO)


Bài: Bất cập trường tư: bất ổn và mâu thuẫn