>> Giáo dục, du học, tư vấn du học, học bổng du học

Bài viết xin đưa ra 4 nguồn tài liệu mà du học sinh đặc biệt nên chú ý khi đi du học

Tập vở (lecture note)

Ở lớp, sinh viên nước ngoài cũng có thói quen ghi chép lại những ý chính trong quá trình nghe giảng, nhưng cách chép bài thường rất khoa học, đa phần là dưới dạng từ khóa chứ không chép từng câu từng chữ như tập viết chính tả. Thật ra, có muốn chép đầy đủ các ý cũng không được vì các Giáo sư Đại học thường có thói quen giảng rất nhanh, mỗi bài giảng lại lồng nhiều dẫn chứng khác nhau nên bạn sẽ không thể chép hết được.

Đối với những bài giảng có trợ giúp bằng Power point, đa phần sinh viên sẽ được Giáo sư gửi thẳng tới địa chỉ email hoặc truy cập vào phần dữ liệu trên trang web trường.

Tùy vào lựa chọn của mỗi Giáo sư mà bạn sẽ cần phải học kỹ các ghi chép bài giảng ở lớp hoặc không cho các kỳ thi. Tuy nhiên, các dẫn chứng hay ví dụ minh họa được kể lại trong bài giảng thì rất đáng đọc kỹ để thuận tiện cho việc ghi nhớ và nhất là làm bài kiểm tra.

Lời khuyên: Hãy đi học sớm để xí những chỗ ngồi gần tấm bảng nhất để thuận tiện cho việc nghe giảng, như vậy bạn cũng đảm bảo không thể nghĩ tới chuyện bùng tiết hay thơ thẩn nhìn xung quanh (vì đã bị cho vào… tầm ngắm của giáo viên).

Đọc thêm: Những cách giảng bài phổ biến nhất ở nước ngoài

Sách giáo khoa (Textbook)

Sinh viên nước ngoài rất được khuyến khích trong việc đọc sách giáo khoa, sách tham khảo. Trung bình, mỗi môn học Giáo sư sẽ yêu cầu bạn đọc một quyển sách nào đó có nội dung liên quan, đôi khi họ thậm chí phải đọc đến 2,3 đầu sách.

Nhiều Giáo sư chọn ra bài kiểm tra dựa theo các kiến thức có sẵn trong sách giáo khoa, có phân thành từng chương cụ thể, nên bạn chỉ việc đọc theo giới hạn.

Những đầu sách giáo khoa này luôn luôn có sẵn ở thư viện nhưng lưu ý là số lượng sách có hạn nên bạn phải nhanh chân mượn trước. Đối với những đầu sách đã được ai đó mượn trước, hãy tìm tới cùng đầu sách đó nhưng với lần tái bản cũ hơn vì đôi khi nội dung mà bạn cần tham khảo sẽ vẫn được giữ nguyên.

Lời khuyên: Nếu đó là một đầu sách thực sự có ích cho ngành học, bạn có thể tìm mua ở tiệm sách giáo khoa gần trường, mua trên các trang bán sách cũ online hay mượn bạn bè để in ra cho tiết kiệm.

Tài liệu du học không thể thiều

Thư viện chính là nơi du học sinh có thể tiếp xúc với nhiều loại tài liệu nhất.

Tạp chí

Ở nước ngoài có một lợi thế là bạn tha hồ lựa chọn sách báo, tạp chí cho mình. Hầu như lĩnh vực nào cũng có một tờ tạp chí chuyên ngành riêng. Vậy nên, nếu có thời gian và điều kiện, bạn hãy đặt báo dài hạn để theo dõi những thông tin chuyên ngành thú vị (ví dụ: Kinh tế, Quảng cáo, Truyền thông, Thời trang…)

Ở thư viện trung tâm thành phố hay thư viện của trường luôn có một góc nhỏ dành cho người mê tạp chí, thông thường là nơi chỉ cho đọc tại chỗ.

Những bài báo này đôi khi cũng sẽ giúp ích bạn trong việc viết luận văn, góp nhặt thông tin, dẫn chứng thú vị cho các bài kiểm tra sắp tới.

Lời khuyên: Đừng ngại đầu tư cho chiếc thẻ thư viện thành phố hay tại những thư viện công cộng vì đó là nơi bạn có thể tiếp xúc với nhiều loại tạp chí nhất, kể cả các tạp chí viết bằng tiếng nước ngoài. Khi đi thăm thú các hiệu sách, bạn cũng đừng quên mang theo thẻ sinh viên để nhận được giảm giá.

Internet

Cũng như tạp chí, bạn chắc hẳn đã có trong tay một vài địa chỉ website thú vị, phù hợp với chuyên ngành. Đừng ngại đăng ký nhận newsletter hay thường xuyên cập nhật thông tin từ các trang này.

Tất nhiên bạn cũng cần lưu ý uy tín của các nguồn thông tin trên mạng, đặc biệt là khi viết luận, vì không phải nguồn tin nào cũng đáng tin cậy.

Việc sử dụng các công cụ canh gác thông tin như Scoop.It hay Google Alerts cũng là một cách hay để thu nhận thông tin yêu thích từ Internet.

Cuối cùng, bạn cũng nên lưu ý phần trích dẫn thông tin từ Internet (hay cả nguồn thông tin trên giấy) vào các bài luận ở trường Đại học.

Lời khuyên: Thay vì lưu các trang web hay ho trên mạng trong bookmark, bạn có thể lưu chúng lại trong Getpocket (http://getpocket.com/), một công cụ chuyên để lưu link, vô cùng hữu ích với giao diện hiệu quả (có thể lưu hình ảnh của đường link đó). Cùng thử xem sao nhé!

Kênh tuyển sinh (Theo Zing)