Săn học bổng là một quá trình đầy thử thách và bản lĩnh của bất kỳ du học sinh nào. Cùng tham khảo một số bí quyết của người đi trước để bạn có thêm kinh nghiệm tham khảo nhé!

Tất tần tật các loại học bổng hiện nay trên thế giới

Tất tần tật các loại học bổng hiện nay trên thế giới

Tìm kiếm học bổng phù hợp là một yếu tố rất quan trọng quyết định việc ý định du học của một người có thành công hay không.

1. Chàng trai 9x chia sẻ kinh nghiệm săn học bổng ĐH Oxford

Tạo thói quen nói đúng tiếng Anh ngay từ đầu

Chàng trai sinh năm 1992 hiện là học viên thạc sĩ Chính sách công tại Trường Quản lý Nhà nước Blavatnik, ĐH Oxford và là cựu sinh viên khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM. Khi quyết định sang Anh, Đỗ Khanh đã chuẩn bị vốn kiến thức và một "tư duy mở" để sẵn sàng đón nhận cái mới. Khi ở Việt Nam, Khanh có nhiều cơ hội luyện tập tiếng Anh. Điều này giúp cho cậu bạn tự tin hơn khi du học tại quốc gia mới.
Khanh cho biết: "Ngoài việc tự tạo môi trường rèn luyện, các bạn nên tạo thói quen nói đúng ngay từ đầu, tránh sử dụng tiếng Anh giao tiếp không chuẩn mực, không đúng ngữ pháp, dùng nhiều từ lóng. Nhiều bạn được khuyên rằng 'cứ nói đi, đừng ngại sai', nhưng việc cứ nói mà không để ý tới cái sai sẽ rất hại về lâu dài, ảnh hưởng lớn đến việc học tiếng Anh nâng cao".
Đỗ Khanh có cơ hội làm việc với nguyên Bộ trưởng Bộ an ninh nội địa Mỹ Michael Chertof
Nhờ tham gia tích cực trong các hội nhóm nên dù mới đến Anh, Khanh đã được chọn là một trong các chủ tọa nhóm thảo luận trong Hội nghị Mô phỏng Liên Hiệp Quốc tại ĐH Oxford và là thành viên đoàn giám khảo cho cuộc thi tranh luận Liên trường ĐH tại Oxford.
"Mình nhớ nhất là thời điểm mình 'kết bè kết cánh' tranh cử ghế trong ban chủ tịch Hội sinh viên của 'School of Government'. Lúc ấy, mọi mánh khóe được học trong lớp, từ vận động hành lang tới chiêu trò kết đảng phái đều được vận dụng hết. Dù căng thẳng nhưng rất vui, do trường mình là 'School of Government' nên sinh viên rất cạnh tranh và đều muốn làm leader", Đỗ Khanh kể.

Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần của các du học sinh nổi bật - Ảnh 1
Đỗ Khanh và GS Louise Richardson - Hiệu trưởng ĐH Oxford

Không có đường tắt dẫn đến thành công

Không có con đường tắt dẫn đến sự thành công, mọi bí quyết hay cách viết thư để xin học bổng cũng không bằng một dòng kinh nghiệm chứng tỏ bạn đã có thành tựu rõ ràng.
"Để có được một dòng 'Thành viên sáng lập kiêm phó ban tổ chức chương trình Giao lưu Thanh niên Việt Nam - Nhật Bản (VJYE)' trong profile, mình và nhóm bạn đã mất gần nửa năm làm việc để xây dựng chương trình", Đỗ Khanh cho biết.
Theo Khanh, một profile tốt để xin học bổng cần đầu tư công sức rất nhiều chứ không chỉ dựa trên các bí quyết. Bài luận về bản thân nên viết về những giá trị của bản thân và tiềm năng phát triển chứ đừng "kể khổ" vì như vậy đồng nghĩa với việc bạn đang làm thấp giá trị và khả năng giải quyết vấn đề của bản thân. Đồng thời, nếu phải nộp các bài nghiên cứu mẫu, các bạn nên tìm hiểu hướng nghiên cứu của các giáo sư trong trường để viết về các chủ đề họ hứng thú, từ đó, khả năng bạn được nhận sẽ cao hơn. Về thư giới thiệu, người viết cho bạn cần phải làm trực tiếp hoặc liên quan đến ngành bạn học thì mới khiến cho lá thư đó có sức nặng.

Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần của các du học sinh nổi bật - Ảnh 2

Đỗ Khanh cùng những người bạn tại Oxford

Cũng theo Khanh, các giáo sư ở Oxford yêu cầu rất cao với sinh viên nên thời gian đầu, cậu bạn hơi mệt mỏi với số lượng bài luận. Để thích nghi, Khanh tự lên lịch cụ thể cho từng tuần, chi tiết công việc mỗi ngày để tránh bị dồn ứ bài tập. Đối phó với lượng tài liệu phải đọc quá lớn, cậu bạn lập nhóm đọc với một vài người bạn thân. Mỗi tuần, các bạn phân công nhau đọc, sau đó ghi chú các nội dung chính và chia sẻ với nhau.
"Một điều mình nên thích nghi nữa là hầu hết tất cả sinh viên Oxford đều giỏi. Vì thế, ai cũng có phần 'chảnh' và cái tôi rất lớn. Nhưng chỉ cần tìm được sở thích và tiếng nói chung thì rất dễ để hòa nhập, bản thân mình cũng đã lập được một hội bạn thân rất đoàn kết tại Oxford", Đỗ Khanh tâm sự.

2. Cô gái biến tên mình thành bí quyết 'săn' học bổng đại học, thạc sĩ ở Mỹ và tiến sĩ ở Australia

Sử dụng bốn từ bắt đầu bằng bốn chữ cái "M-I-N-H", Nguyễn Nhật Minh đã trúng tuyển đại học, thạc sĩ ở Mỹ và tiến sĩ ở Australia.
Nguyễn Nhật Minh, 23 tuổi, Hà Nội, từng giành học bổng Đại học Vanderbilt (trường top 14 của Mỹ, theo US News & World Report) năm 2016 và đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Toán ứng dụng của trường này.
Tháng 3, Minh nhận được thông báo trúng tuyển chương trình thạc sĩ ngành Computational Science and Engineering của Đại học Harvard (Mỹ) và nhận được học bổng toàn phần trị giá 6,5 tỷ đồng chương trình tiến sĩ ngành Data Science (Khoa học dữ liệu) từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia Australia. Ngay sau đó, Đại học Macquarie (Australia) cũng quyết định trao cho em học bổng trị giá 6 tỷ đồng nếu theo học tiến sĩ ngành Toán thống kê.
Nhật Minh chia sẻ bí quyết xây dựng hồ sơ du học:
Việc nộp hồ sơ (apply) du học ở các bậc học khác nhau sẽ đòi hỏi những yếu tố khác nhau. Chẳng hạn, với bậc đại học, bạn cần quan tâm đến thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, bài luận. Với bậc thạc sĩ, bạn cần điểm GPA, bài luận, kinh nghiệm làm việc, nghiên cứu và thư giới thiệu. Còn với bậc tiến sĩ, nhất thiết bạn phải xin được một giáo sư nhận mình làm nghiên cứu sinh.
Các yếu tố và mức độ quan trọng của từng yếu tố khi apply vào các bậc học là khác nhau, bạn cần chuẩn bị riêng. Tuy nhiên, vẫn có những bí quyết có thể sử dụng chung cho bất cứ chương trình du học nào.
Mình đã tự xây dựng bốn bí quyết, lấy cảm hứng từ tên mình - "MINH".

M - Mentor (người hướng dẫn, sự hướng dẫn)

Bạn hãy tìm một người bạn đồng hành, đặc biệt là những người đi trước, người có kinh nghiệm bởi họ có thể trải qua những gì thực tế nhất, những gì các bạn muốn học hỏi nhất. Với mình, mình đã tìm được rất nhiều mentor. Họ đã cho mình kiến thức, kinh nghiệm sống mà chắc có lẽ không học được từ bất kỳ cuốn sách nào.
Các bạn lưu ý người đi trước không cần thiết phải là người quen. Đôi khi, một mối quan hệ "mentorship" có thể được hình thành qua những cuộc nói chuyện ngẫu nhiên tại hội thảo, hay khi bạn ấn tượng với hồ sơ của họ trên Linkedin và quyết định nhắn tin làm quen. Hãy vào Linkedin, tìm trên thanh công cụ "Search" (tìm kiếm) những tiêu chí mà bạn cần tìm ở một mentor (nơi công tác, trường đã theo học, tổ chức tình nguyện...) và kết nối với họ để xin kinh nghiệm.
Và một trong những mentor lớn nhất chính là bản thân. Mỗi khi thêm một tuổi, mình lại thấy những trải nghiệm sống của mình nhiều hơn, phong phú thêm và học được rất nhiều từ quá khứ.
Chẳng hạn, mình từng khao khát tột độ việc sẽ làm việc toàn thời gian ở một ngân hàng đầu tư tại Mỹ. Nhưng những ngày làm việc tới 4-5h sáng mà không nhìn thấy được nhiều tác động tới xã hội đã khiến mình suy nghĩ lại, quyết định về nước và nộp hồ sơ du học bậc cao học. Những trải nghiệm, cả tích cực và tiêu cực khi ở Mỹ đã được mình viết trong bài luận gửi đến nhà tuyển sinh.

I - Intern (thực tập)

Các bạn nên chú trọng việc học trên lớp, cố gắng đạt điểm số tốt vì đó cũng là yếu tố gây ấn tượng với nhà tuyển sinh. Và đừng bao giờ dánh giá thấp những trải nghiệm thực tế. Hãy cố gắng "Get yourself out there" (thử thách bản thân) và tìm một công việc thực tập phù hợp.
Trong 4 năm học tại Đại học Vanderbilt, mình đã được thực tập tại Văn phòng chính phủ bang Tennessee, nơi rất ít người nước ngoài được thực tập hay làm việc. Mình cũng đã có thời gian thực tập tại ngân hàng đầu tư thuộc một tập đoàn tài chính lớn ở phố Wall (New York). Mình đã nói với rất nhiều người rằng ba tháng thực tập ở phố Wall có lẽ bằng bốn năm học đại học vì những trải nghiệm mình học được rất nhiều và mình lớn lên từ những công việc thực tập.
Bạn không cần thực tập ở một vị trí "xịn", lương cao trong một tập đoàn lớn. Vị trí trợ lý cho quản lý của một nhà hàng cũng đã dạy cho các bạn rất nhiều kỹ năng "sinh tồn" (street smart).

N - Novice (người mới bắt đầu)

Novice là người mới bắt đầu. Mình khuyên các bạn đừng bao giờ nghĩ có một môn học không cần thiết. Môn học nào cũng cần thiết cả, có tác dụng của nó và dạy cho bạn nhiều điều bổ ích. Vì vậy, hãy học tất cả môn trong tâm thế của người mới bắt đầu, sẵn sàng và không ngừng học hỏi, tìm tòi, đón nhận kiến thức mới, mở rộng vùng hiểu biết của mình, từ đó đạt điểm số cao trong lớp.
Việc đạt điểm số cao sẽ giúp các bạn về sau bởi ở bất kỳ hồ sơ du học hay xin việc nào, điểm số cao cũng giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và nhà tuyển sinh.
Tuy nhiên, nói học tất cả môn trong tâm thế người mới bắt đầu không có nghĩa là bạn phải chia đều công sức của mình cho từng môn. Với mỗi môn, hãy cố hoàn thành bài tập về nhà, nghe giảng trên lớp và tôn trọng thầy cô bộ môn để có đủ hiểu biết. Với những môn học bạn thấy hứng thú, hãy dành thời gian trò chuyện với thầy cô, đọc thêm sách để khơi gợi đam mê của mình.

Kinh nghiệm săn học bổng toàn phần của các du học sinh nổi bật - Ảnh 3

Nguyễn Nhật Minh vừa giành hai học bổng tiến sĩ toàn phần từ Australia và trúng tuyển chương trình thạc sĩ của Đại học Harvard.

H- Hero (anh hùng)

Hãy luôn nghĩ rằng cuộc đời của bạn là một cuốn tự truyện, hãy viết và truyền cho thế hệ sau. Mỗi khi đưa ra quyết định gì, hãy nghĩ xem liệu quyết định đó có xứng đáng để đưa vào cuốn tự truyện không. Ví dụ khi mình quyết định từ bỏ việc toàn thời gian với mức lương khoảng hai tỷ đồng một năm, mình luôn tự hỏi liệu quyết định đó đã suy nghĩ thấu đáo chưa và sẽ hối hận sau này.
Đừng bao giờ để mình là nhân vật phụ trong câu chuyện của người khác mà hãy luôn trở thành anh hùng. Đó là trải nghiệm của mình từ rất nhiều thất bại trong cuộc sống.
Việc được nhận vào Đại học Harvard hay học bổng tiến sĩ toàn phần từ Hội đồng nghiên cứu quốc gia Australia là minh chứng cho sự dũng cảm của mình trong trận chiến của bản thân. Mình luôn tự hào khi trải qua những khó khăn, hoài nghi của bản thân để đạt được mục tiêu đề ra.

> Có mấy hình thức ở trọ? Nên ở ktx hay ở trọ ghép khi du học?

> Chứng chỉ PTE là cơ hội du học rộng mở trên toàn thế giới

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp