>> Giáo dục, du hoc, tư vấn du học, bài luận du học
Chọn một đề tài không ai đề cập tới, hay đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi... bằng lập luận chính xác sẽ giúp bạn thành công. 4 bài viết luận du học xuất sắc nhất được đăng trên New York Times sẽ cho bạn những kinh nghiệm tuyệt vời nhất để ghi dấu ấn với hội đồng tuyển sinh.
Đề tài không ai ngờ tới
Bài viết đầu tiên được đăng trên New York Times là của Julian Cranberg, một học sinh 17 tuổi tới từ Brookline, Massachusetts đã viết rất thẳng thắn về chi phí lớn các trường bỏ ra để gửi thư mời cho những sinh viên tiềm năng. "Tại sao, trong một kỷ nguyên mà nợ cho vay sinh viên và tỷ lệ thất nghiệp cao tới mức kỷ lục, các trường đại học lại không tái phân bổ các quỹ không cần thiết để hỗ trợ chính các sinh viên của mình?" - cậu viết.
4 gợi ý vàng cho các bài luận du học đạt điểm cao
Theo nguyên tắc ngầm của viết luận vào đại học là bạn không bàn về quá trình nộp đơn vào đại học. Tuy nhiên, Julian đã không hề ngần ngại phá vỡ điều cấm kị đó. Mạnh dạn chọn một đề tài mà không ai ngờ tới và đưa ra những lập luận sắc bén, thẳng thắn đã giúp anh bạn này ghi điểm và được vào thẳng trường Oberlin College.
Cảm xúc chân thật
Những bài luận về cảm xúc, trải nghiệm của học sinh về môi trường họ đang sống, về người thân trong gia đình không phải là một đề tài mới lạ nhưng cảm nhận sâu sắc, chân thực của bạn sẽ vẫn để lại những dấu ấn riêng. Đọc thêm về hướng dẫn viết bài luận khi du học Mỹ
Đây chính là kinh nghiệm được đúc kết từ bài luận du học xuất sắc của Lyle Li giúp anh được nhận vào New York University. Mỗi chi tiết trong câu chuyện của Li miêu tả chân thực và sinh động về cuộc sống gia đình, về sự đấu tranh của bản thân, và đặc biệt là tình yêu và sự tôn trọng mà anh dành cho người mẹ đã hi sinh hết lòng vì anh. Yếu tố cảm xúc trong bài viết luận về đề tài này là không thể thiếu được.
Tuyên bố táo bạo
Khác với Li viết về một đề tài gần gũi thì Ana Castro, nữ sinh trung học 18 tuổi đến từ Rensselaer, New York nộp đơn vào trường Hamilton College lại mạnh dạn bày tỏ quan điểm của mình về quốc tịch và trách nhiệm của một công dân toàn cầu.
Cô đã kể lại một câu chuyện buồn trong chuyến thăm Cộng hòa Dominica. Ở đó, cô không được phép cô chơi với cậu bé hàng xóm chỉ vì cậu là con nhà nghèo. Ana đã có tuyên bố đầy bất ngờ trong bài luận văn, "Tôi chưa bao giờ cảm thấy thực sự yêu một đất nước bất kỳ nào đó. Tôi không nghĩ sẽ chỉ ở đây và để giúp đất nước này, bởi vì tôi không cho rằng nước Mỹ là nhà của tôi. Đối với tôi trái đất mới thực sự là nhà”.
Tuyên bố táo bạo, chân thật trong suy nghĩ của Ana đã để lại dấu ấn mạnh mẽ với ngài giám đốc tuyển sinh và hỗ trợ tài chính du học tại trường Hamilton. Để rồi cô đã chính thức nhập học vào trường trong mùa thu vừa qua.
Vấn đề gây chú ý
Bài luận đáng chú ý nữa thuộc về Shanti Kumar, học sinh trường trung học Bronx Science, New York. Khi được yêu cầu bình luận về câu nói: "Princeton là dịch vụ của quốc gia và sẵn sàng phục vụ tất cả các quốc gia". Mở đầu bài luận của mình, Kumar đã đặt ra câu hỏi: “Tôi tự hỏi trường Đại học Princeton có nên nghèo hơn? ", Cô không ngần ngại bàn luận về những vấn đề giật gân hay đưa ra những phát biểu gây tranh cãi, qua đó thẳng thắn thể hiện được quan điểm cá nhân thông qua những câu chuyện độc đáo.
Đây quả là những gợi ý vàng cho bài viết luận du học xuất sắc của bạn. Quan trọng hơn nữa, một bài luận thành công là phải phản ánh được kinh nghiệm cá nhân của người viết trong một bối cảnh lớn hơn cuộc sống mà bạn đang sống. Những ứng viên có khả năng khái quát và nâng cao tầm nhìn của mình chắc chắn sẽ được hội đồng tuyển sinh đánh giá cao hơn so với những người khác.
Theo Tiin