>> Giáo dục, du học, tư vấn du học, học bổng
Bài giảng ở giảng đường (Lecture), thực hành ở lớp (Tutorial), hội thảo (Seminars) hay tham quan học hỏi (Study trip) đều là những hình thức giảng dạy mà các trường Đại học nước ngoài thường xuyên ứng dụng.
Bài giảng (Lectures)
Giảng bài có thể được xem là một trong những phương thức truyền tải thông tin cổ điển và thông dụng nhất tại hầu hết các trường Đại học trên thế giới. Bất kì môn học nào cũng có thể được đưa vào bài giảng, từ ngành kĩ thuật đến văn chương hay ngoại ngữ.
Thông thường mỗi bài giảng đều bao gồm các nội dung: hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa, quan điểm... xoay quanh vấn đề trọng tâm. Sinh viên của nhiều khoa khác nhau có thể cùng học chung một lớp lecture nào đó, nhưng phổ biến nhất vẫn là dành cho sinh viên toàn khoa (bất kể những khác biệt về chuyên ngành). Vì lí do này mà sĩ số tham gia các khóa bài giảng rất đông, nơi học luôn tập trung ở giảng đường.
Thông thường nội dung đuợc trình bày dưới dạng bài giảng thiên về lí thuyết. Vì lượng người tham gia đông đảo nên những bài giảng này thường không có nhiều thời gian cho việc trao đổi, dẫn đến tình trạng sinh viên chỉ có thể chép bài hay note lại các ý chính mà không được thoải mái thảo lụân hay bày tỏ quan điểm.
Đọc thêm: Phương pháp chép bài khi du học cần sự khoa học và có hệ thống
Giờ thực hành ở lớp (Tutorial)
Thực hành nghĩa là những giờ lên lớp diễn ra ở trong lớp học, thường có điểm danh sĩ số chứ không “tự giác” như ở các lớp diễn ra tại giảng đường. Khi đó, sinh viên thường được tham gia dưới nhiều nhóm nhỏ để thuận tiện hơn cho việc trao đổi với giáo viên.
Các trường Đại học hay kết hợp giữa học trên giảng đường và Tutorial (đối với một số môn thì chỉ có một trong hai hình thức trên). Nếu sĩ số trên giảng đường có thể lên đến hàng trăm sinh viên thì các lớp học tutorial chỉ có khoảng dưới 20 người/lớp. Khi đó sinh viên sẽ được cùng trao đổi với nhau, dưới sự trợ giúp của giảng viên hay trợ giảng về vấn đề mình còn chưa rõ.
Tại các buổi hội thảo ở nước ngoài, sinh viên được trao đổi về các vấn đề thực tế nảy sinh trong quá trình nghiên cứu.
Hội thảo (Seminars)
Điểm mạnh của các buổi hội thảo tại các trường Đại học nước ngoài là sự góp mặt của các tên tuổi trong ngành, có khi là một giảng viên đến từ một trường Đại học khác, có khi là một nhà văn, doanh nhân nổi tiếng. Ở các chương trình Tiến sĩ, bạn cũng sẽ thường xuyên dự các hội thảo khoa học, toán học, công nghệ… quốc tế để lắng nghe các công trình của những người đi trước.
Ở các buổi hội thảo, đôi khi mọi người được tập hợp thành những nhóm nhỏ để trao đổi suy nghĩ của mình. Đôi khi, cuối buổi hội thảo, mỗi nhóm phải cử một đại diện lên thay mặt cho cả nhóm để thuyết trình.
Học tập tại Mỹ, Canada, Anh và Úc, sinh viên thường được tham dự các hội thảo cấp lớp (class level) trong suốt năm học. Bên cạnh mục đích giúp họ làm quen với các nội dung lí thuyết, tại đây sinh viên cũng được trao đổi về các vấn đề thực tế nảy sinh trong quá trình nghiên cứu. Đây cũng thường là dịp các bài tập đọc được đem ra thảo luận, mổ xẻ thông qua các câu hỏi và tranh luận.
Khảo sát thực tế (excursions, field trips)
Một chuyến tham quan thực tế luôn được tổ chức với mục đích giáo dục trong không khí thư giãn, khám phá. Có khi bạn sẽ được tham quan một nơi chốn nào đó không quá xa, nhưng có lúc cũng sẽ được đi “du lịch” trong suốt mấy ngày liền ở nước ngoài.
Đã gọi là đi tham quan học hỏi, nghĩa là sẽ không chỉ có đi thăm thú những địa danh nổi tiếng, mà đồng thời còn được gặp gỡ những chuyên gia, ghé thăm những trụ sở liên quan đến ngành học. Chẳng hạn như sinh viên ngành Truyền thông trường Đại học Franche-Comté (Pháp) thường được sang Mỹ và Canada để ghé thăm trường UQAM, vốn được xem là ngôi trường uy tín nhất thế giới trong việc đào tạo ngành học này, hay thăm văn phòng của những công ty truyền thông tại New York.
Đặc điểm của những chuyến đi này là bạn sẽ chỉ phải trả kinh phí vừa phải vì một phần đã được nhà trường hỗ trợ. Tuy nhiên, du học sinh Việt có thể sẽ phải đối diện với một số rắc rối như việc xin visa, nếu điểm đến là ở một nước thứ ba.
Kênh tuyển sinh (Theo HCVN)