Sự kiện:  GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | SAU ĐẠI HỌC | THẠC SĨ | MBA

161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị ngừng tuyển sinh, vì sao?

Trong “danh sách đen” 161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị ngừng tuyển sinh năm 2013, có một số trường được coi là có chất lượng đào tạo cao cũng “dính”. Lý giải, các trường cho rằng sự “vênh” trong việc nhìn nhận chuẩn đội ngũ giảng viên tham gia dạy giữa bộ GDĐT và nhà trường nên đã gây ra hệ lụy này.

161 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ bị ngừng tuyển sinh!

Nhiều trường kêu “không công bằng”. Trong khi các học viên đã và đang theo học thì đứng ngồi không yên vì lo lắng. Đó là một trong các bản kết luận của Bộ GDĐT đưa ra vào cuối năm 2012, sau thời gian thanh kiểm tra thực tế trên toàn quốc. Theo đó, những chuyên ngành này thuộc 41 trường, học viện trong cả nước đã và đang thực hiện đào tạo hàng trăm chuyên ngành ở bậc học này. Xem xét cụ thể hơn trong cái tạm gọi là “danh sách đen” này, lại xuất hiện không ít các tên tuổi uy tín.

Còn khi điểm qua thực tế danh sách cụ thể các chuyên ngành đang đứng trước án treo “tạm ngừng tuyển sinh 2013” của Bộ GDĐT thì “anh cả” ĐH Quốc gia có đến 4 trường thành viên vi phạm với 33/161 chuyên ngành (!?). Riêng trong nhóm này, ĐH BK TPHCM đứng đầu bảng với 13 chuyên ngành; tiếp đến là ĐH Khoa học Tự nhiên (11 chuyên ngành) và ĐH KHXHNV TPHCM (8 chuyên ngành)...

"Danh sách đen" tại TPHCM

Ngoài ra, chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, còn có một số trường khác như ĐH Sư phạm TPHCM cũng "dính" 8 chuyên ngành, ĐH Kinh tế TPHCM (6 chuyên ngành), ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (4 chuyên ngành) và Luật TPHCM (2 chuyên ngành). Duy nhất ĐH Nông Lâm chỉ có 1 chuyên ngành rơi vào “danh sách đen”.

Học viên sốt ruột

Khi đề cập nguyên nhân mà 4 trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM có đến 32 chuyên ngành bị cấm tuyển sinh, PGĐ ĐH Quốc gia TPHCM – TS Nguyễn Hội Nghĩa - đã lý giải: “Cái lỗi lớn nhất và cũng có thể gọi là duy nhất của các trường vi phạm xuất phát từ sự “vênh” trong việc nhìn nhận chuẩn đội ngũ giảng viên tham gia dạy hệ đào tạo thạc sĩ phải có (giảng viên chuyên ngành và giảng viên đúng ngành) và thực tế tại từng trường. Với “nền tảng dữ liệu” như đã phân tích, lãnh đạo ĐH Quốc gia TPHCM đang tiến hành rà soát cụ thể, thực tế nhân lực... trình Bộ GDĐT xem xét để vẫn được tiếp tục thực hiện tuyển sinh ở một số chuyên ngành đã bị bộ đề nghị “đóng” trong khóa 2013, để kịp tuyển sinh đào tạo vào tháng 5 tới.

Tương tự, với “lỗi” thiếu nguồn lực giảng viên phụ trách đào tạo chuyên ngành, ĐH Nông Lâm TPHCM cũng bị đình chỉ duy nhất ngành khoa học đất. PGS-TS Huỳnh Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng - cho rằng: “Trước khi mở ngành thì Bộ GDĐT cũng đã kiểm tra thực tế, phải đủ điều kiện mới cho mở. Bên cạnh đó, vào thời điểm Bộ GDĐT kiểm tra thì đội ngũ cơ hữu của trường cũng có biến động vì nghỉ hưu, khiến bộ cho là “thiếu nhân sự” nên tạm thời đóng cửa (!?). Như vậy chưa thật sự “công bằng”..

Liên quan mật thiết đến quyết định này, anh Trần Đình Lý - hiện vừa hoàn tất chương trình  thạc sĩ của một trường thành viên của ĐHQG TPHCM, sốt ruột: “Chẳng biết số phận, tính pháp lý của bằng cấp của mình sẽ được nhận ra sao vì ngành mình vừa bảo vệ cũng nằm trong hơn 30 ngành mà ĐH Quốc gia TPHCM bị đề nghị “tạm đình chỉ”.

Lo lắng này đã được một cán bộ lãnh đạo cấp vụ - Bộ GDĐT tại TPHCM trấn an: “Tất cả các học viên đã và đang theo học những ngành học này đều có thể hoàn toàn yên âm về chương trình đào tạo cũng như tính pháp lý của bằng cấp. Những yếu tố này đều được công nhận một cách chính thức và công bằng như mọi bằng cấp bậc đào tạo thạc sĩ của mọi ngành học chính quy của bộ.
Theo Báo Lao Động