Bạn đang chuẩn bị cho buổi phỏng vấn sắp đến? Bạn băn khoăn không biết liệu có những tác động nội ngoại nào sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến tâm lý khi phỏng vấn? Vậy hãy theo chân Kênh tuyển sinh tìm hiểu xem nhé!
1. Ngoại tố tác động phong thái
1.1. Không gian phỏng vấn
Người ta thường nói, chúng ta là chính là những gì hiện hữu xung quanh chúng ta. Từ tính cách, hành động, cư xử đều được thể hiện thông qua các đồ vật kề bên.
Đối với các ứng viên may mắn, bạn sẽ được phỏng vấn tại chính phòng làm việc của nhà tuyển dụng, đây chính là cơ hội “đọc vị” nhà tuyển dụng. Ngay từ cách trang trí bàn làm việc, cây cối, giá sách, ảnh treo tường, đồ lưu niệm… tất cả đều hiện diện cho lối sống của họ. Từ đó bạn dễ dàng nắm bắt được chút thông tin về họ cũng như chủ động hơn trong khâu ứng xử.
Ngoài ra, đừng quên để ý tới không gian văn phòng làm việc: có nhiều cửa hay không, vị trí các cửa sổ, vị trí đặt bàn làm việc, slogan hay những câu nói truyền cảm hứng được treo trên tường, những điều này thể hiện văn hóa công ty và giúp cho bạn rất nhiều trong việc thích ứng với bầu không khí của buổi tuyển dụng.
Yếu tố tác động đến tâm lý người phỏng vấn
1.2. Trang phục
Đây có lẽ là yếu tố cốt lõi giúp chúng ta “đọc vị” một ai đó, kể cả nhà tuyển dụng. Một người ăn mặc sang trọng, chỉnh chu: đóng vest, cặp táp, cà vạt ngay ngắn thì tất nhiên sẽ khác với một người chỉ mang áo pull và jean.
Nhà tuyển dụng duy trì một phong cách ăn mặc trịnh trọng tất nhiên là người khuôn khổ, họ thường phân định rất rõ môi trường làm việc và các mối quan hệ các nhân, cấp trên, cấp dưới… Khi đối mặt với những nhà tuyển dụng này, cách sống sót tốt nhất là hãy thể hiện một thái độ nghiêm túc, lịch sự từ hành động tới lời nói. Hạn chế chia sẻ những câu chuyện cá nhân, đùa cợt thân mật không đáng có. Ngược lại, bạn vẫn sẽ được gặp một nhà tuyển dụng thoải mái hơn khi diện các trang phục thoải mái, thể thao, hay mang đậm tính các nhân hóa. Lúc này, hãy cứ là chính bạn, hãy chia sẻ một cách chân thật chất những câu chuyện và thu hút họ bằng chính sự trải nghiệm của bạn trong đó.
1.3. Tư thế người tuyển dụng
Đây là một điều rất đáng lưu tâm nhưng phần lớn các ứng cử viên lại bỏ qua. Tư thế người tuyển dụng ngồi trước mặt bạn như thế nào đã đủ nói lên nhiều điều. Ngồi ngả ghế, dựa hẳn vào phần tựa hay bắt chéo chân, khoảng cách ngồi xa thể hiện họ là người tự tin nhưng đôi khi cũng là tự cao. Họ nhận thức rõ ràng mình chính là người phán xét bạn và việc họ làm là đánh giá. Ngược lại, nếu nhà tuyển dụng có xu hướng ngồi gần bạn, đối mặt, hướng về phía bạn thì đang thể hiện mình sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ với bạn hơn. Tùy vào ngữ cảnh hãy điều chỉnh hành vi của mình để phù hợp với những mong muốn của nhà tuyển dụng nhé.
2. Nội tố ảnh hưởng thái độ
2.1. Ánh mắt
Có một câu nói rất quen thuộc “đôi mắt là cửa sổ tâm hồn”. Chúng ta có thể đọc vị được nhiều điều về người khác dựa vào cách ứng xử trong đôi mắt của họ, đặc biệt là những cảm xúc ẩn giấu bên trong.
Công việc tuyển dụng không hề nhẹ nhàng, một ngày làm việc họ phải đọc rất nhiều hồ sơ, gặp rất nhiều người nhưng không phải khi nào cũng có được kết quả như ý. Nên nếu là ứng viên thì hãy làm sao cho đúng nhất. Bắt đầu với “đọc vị” ánh mắt nhà tuyển dụng. Những manh mối không lời liên quan đến đôi mắt có thể đến bất chợt. Đó có thể là một cái nheo mắt, họ thường nheo mắt nhìn bạn khi họ không thích bạn hoặc những điều bạn đang nói. Nó cũng có thể đang ám chỉ sự nghi ngờ. Cũng có thể là một cái nhìn thẳng kèm theo nhướn lông mày cho thấy đối phương đang ngạc nhiên, bất ngờ với những điều bạn nói. Thêm vào đó, thể hiện hành động này khi nói chuyện là dấu hiệu của sự cởi mở và thu hút, hãy tin rằng họ đang sẵn sàng trò chuyện và làm bạn.
2.2. Cách xưng hô trong lời nói
Không ít nhà tuyển dụng cho dù lớn tuổi hơn ứng viên rất nhiều vẫn lựa chọn cách xưng hô ngang hàng như tôi – bạn với ứng viên. Điều này thể hiện họ là người thân thiện và thoải mái. Điều này như một dâu hiện bạn có thể sẽ có một buổi phỏng vấn dễ thở hơn một chút rồi đó. Hãy cố gắng thoải mái, chia sẻ những gì bản thân đã trải nghiệm để đến với vị trí này.
Đối với những người có phân định rõ ràng chị/anh – em thì có thể họ yêu cầu nhiều hơn ở ứng viên của mình phong thái nghiêm túc, khuôn khổ. Có một lưu ý nhỏ là cho dù cách xưng hô thân thiện của nhà tuyển dụng có thể hiện bầu không khí thoải mái như thế nào đi nữa thì bạn cũng phải nhận thức rõ ràng vị trí của mình và giữ phép lịch sự giao tiếp cơ bản nhé.
2.3. Sự phản ứng
Hành động của ánh mắt đề cặp trên cũng là một trong hàng nghìn sự phản ứng của nhà tuyển dụng khi nghe về phần trình bày của bạn. Hãy dành chút nhạy bén của mình để quan sát người đối diện bạn, nó sẽ giúp bạn kiểm soát và điều tiết lại những hành động cư xử của mình đó.
Ví dụ như trong suốt quá trình phỏng vấn họ có cử chỉ bề môi, không hề nhìn bạn mà chỉ chăm chăm vào tờ CV, chứng tỏ rằng bạn là một người dẫn dắt câu chuyện khá tệ vì đã không thu hút được người nghe hướng sự chú ý của họ về bạn. Hãy dừng lại hít một hơi thật sâu và chuyển chủ đề hay hơn nhé. Còn nếu câu chuyện và cách dẫn dắt của bạn khiến họ quên mất đi việc ghi chú lại những gì bạn nói, mà chỉ tập trung trao đổi, khai thác thêm nhiều khía cạnh từ những gì bạn nói hơn, thì chúc mừng bạn. Bạn đã lọt vào mắt xanh của nhà tuyển dụng rồi đấy.
Dù sao đi nữa, các khía cạnh trên cũng chỉ là bề nổi của một tảng băng. Các bạn nên thực sự tìm hiểu và rút kết được những kinh nghiệm quý báu nhất cho bản thân. Bởi lẽ, dành thời gian trau dồi và chuẩn bị cho buổi phỏng vấn, bạn càng có cơ hội cao hơn để được nhà tuyển dụng để ý và chấp nhận.
> TOP 6 điều ứng viên không nên nói với nhà tuyển dụng trong buổi phỏng vấn
> Tìm hiểu về phương pháp giao tiếp Elevator Pitch trong phỏng vấn
Theo Việt Nam Works