Không còn các danh hiệu HS xuất sắc, giỏi, tiên tiến, mà chỉ có những lời khen tặng, nhận xét dựa trên sự tiến bộ của học trò. Nhiều ý kiến cho rằng, cách đánh giá này hạn chế được tình trạng “phổ cập” HS giỏi của những năm trước.

Phụ huynh hài lòng

Qua trao đổi với phụ huynh ở một số trường cho thấy, đa số cha mẹ có con học tiểu học đã hiểu và khá hài lòng với cách đánh giá mới này. Chị Thu Thảo có con học lớp 2, trường Tiểu học Phương Mai (quận Đống Đa) cho biết, cuối tuần qua, chị đã dự buổi họp phụ huynh HS, tổng kết học kỳ 1 năm học 2014 - 2015 cho con. Ngoài các nội dung thông báo kết quả học tập của con, GV cũng phổ biến quy định mới của Thông tư 30 (thay đánh giá điểm số bằng nhận xét). “Chưa biết giấy khen sẽ được ghi thế nào, nhưng trong sổ liên lạc được GV ghi, đánh giá rất cụ thể, tỉ mỉ từng HS như: Con tiếp thu tốt, làm bài nhanh, chăm phát biểu... Mục đánh giá sự hình thành và phát triển phẩm chất của con, GV ghi: Ngoan, lễ phép, đi học chuyên cần... Mặc dù thời gian đầu, tôi thấy băn khoăn, vì không chấm điểm sẽ khó biết lực học của con thế nào. Tuy nhiên, quá trình theo dõi cách nhận xét của GV hàng ngày, đặc biệt là phần đánh giá, khen thưởng HS (kể cả HS không giỏi về kiến thức nhưng có khả năng giao tiếp; lễ phép...) cũng được GV ghi chi tiết, tôi khá hài lòng với cách thức mới này” – chị Thảo chia sẻ.

Xóa " phổ cập " học sinh giỏi ?

Giờ học tiếng Việt của học sinh trường Tiểu học Nam Thành Công, quận Đống Đa.


Đồng quan điểm này, anh Minh Quang, nhà ở phố Ngọc Hà (quận Ba Đình) có con học lớp 3 cho rằng, hình thức nhận xét như hiện nay là phù hợp, tránh được căn bệnh thành tích, “phổ cập” HS giỏi. Thầy cô cũng đỡ áp lực phải đạt tỷ lệ HS giỏi, tiên tiến như trước đây. “Như con tôi, cháu không thực sự giỏi về kiến thức, nhưng được cô khen: “Con rất tự tin trong giao tiếp; Tích cực tham gia các hoạt động của lớp”. Với lời khen như vậy, tôi thấy cháu rất vui và tích cực, tự giác học tập hơn” – anh Quang cho hay.
Tuy nhiên, trong quá trình dần quen với cách đánh giá mới này vẫn còn một số băn khoăn, lo ngại GV ôm đồm, bận rộn việc nhận xét HS, không có thời gian ôn luyện cho các con, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Vẫn lúng túng trong khen thưởng

Bắt tay vào thực hiện quy định mới, một số lãnh đạo trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, dù Bộ GD&ĐT có hướng dẫn về đánh giá, khen thưởng cho HS nhưng rất khó áp dụng, các trường vẫn lúng túng trong hình thức khen thưởng cho HS. Theo văn bản thì hiệu trưởng là người quyết định nội dung khen thưởng, nhưng yêu cầu thực hiện lại dựa trên danh sách đề nghị của GV chủ nhiệm. Thêm vào đó, các tiêu chí để xác định HS nào được khen thưởng chỉ dựa trên những khái niệm hết sức mơ hồ. Ngoài ra, việc tổ chức đánh giá theo hình thức này còn khiến các trường có độ vênh về các quy định khen thưởng. Vì thế, cũng có những trường tiểu học đến thời điểm này - đã bước sang học kỳ II của năm học khoảng nửa tháng, nhưng vẫn chưa thể tổng kết khen thưởng học kỳ I, bởi chưa biết phải làm thế nào cho đúng.
Ông Nguyễn Đức Dũng – Hiệu trưởng trường Tiểu học Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) cho biết, GV lúng túng một phần do thực hiện các khâu chưa đồng bộ. Ví dụ, Thông tư ra từ tháng 8/2014, nhưng tháng 10 mới có sổ hướng dẫn theo dõi HS và gần đây mới có học bạ ghi theo cách đánh giá mới. “Thực hiện đánh giá phải đồng bộ ngay từ đầu (sổ theo dõi đánh giá, học bạ) thì các trường, GV dễ thực hiện. Việc đánh giá khen thưởng cho HS, hiện nhà trường mới đưa ra dự kiến khen (đánh giá mặt mạnh về giao tiếp, năng khiếu, giỏi toán, giỏi văn…), trường tiếp tục tham khảo các trường bạn, đưa ra lời nhận xét, đánh giá khen thưởng bằng lời văn như thế nào cho phù hợp” - ông Dũng cho biết. Tuy vậy, rất nhiều GV cũng khẳng định, thay đổi cách đánh giá HS bậc tiểu học như thế này phần nào loại trừ căn bệnh hình thức, giảm tình trạng “phổ cập” HS giỏi đã diễn ra ở những năm học trước.
Có lẽ việc đổi mới cách đánh giá HS tiểu học đã đi đúng đường mà các nhà quản lý giáo dục định hướng. Như ông Phạm Ngọc Định - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) khẳng định: Thông tư 30 thực hiện giáo dục toàn diện, đồng thời phát huy hết khả năng của mỗi cá nhân HS. Việc khen thưởng phải tự nhiên và đúng thực chất, các cơ quan quản lý không giao chỉ tiêu khen thưởng cho các trường, hiệu trưởng không giao chỉ tiêu cho các lớp. Việc khen thưởng dựa trên khả năng và sở trường của mỗi em, như vậy có thể nhiều HS được khen, nhưng khác với đánh giá trước đây có trường đạt gần 100% HS giỏi. “Với việc thay đổi căn bản trong đánh giá và khen thưởng, HS tiểu học sẽ dần dần xóa bỏ chuyện học vì thành tích” – ông Định nhấn mạnh.

Theo Báo Kinh tế và Đô thị, tin gốc: http://www.ktdt.vn/xa-hoi/giao-duc/2015/01/81029c13/xoa-pho-cap-hoc-sinh-gioi/