Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn trình độ đào tạo cao nhất với 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%...

Báo động thiếu giáo viên trầm trọng cấp tiểu học, trung học cơ sở tại Bình Dương

Báo động thiếu giáo viên trầm trọng cấp tiểu học, trung học cơ sở tại Bình Dương

Mới đây, sở GD-ĐT Bình Dương cho biết tại các cấp tiểu học, trung học cơ sở, số lượng giáo viên giảng dạy đang thiếu trầm trọng, đáng báo động.

1. Thiếu giáo viên theo chương trình mới

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo luật Giáo dục 2019), cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.
Như vậy, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%... trung học phổ thông chỉ còn 0,1%.
Sở dĩ có tình trạng này vì theo luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên. Giáo viên mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.
Liên quan đến số lượng giáo viên hiện nay, Bộ GD-ĐT cũng nêu thực tế: tỷ lệ giáo viên/lớp bình quân chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thiếu giáo viên môn tiếng Anh, tin học đối với tiểu học; môn âm nhạc, mỹ thuật đối với trung học phổ thông khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ năm học 2022 - 2023.
Tuy nhiên, báo cáo của Bộ GD-ĐT không nêu con số cụ thể số giáo viên thiếu ở từng môn học, cấp học ra sao, kế hoạch dạy học các môn học này thế nào khi đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu.
Một số địa phương còn bị động về nguồn tuyển dụng; chưa có nhà công vụ cho giáo viên ở nơi khó khăn; không có chính sách thu hút giáo viên đến địa bàn khó khăn; còn nhiều bất cập trong việc bố trí giáo viên tiếng Anh, tin học và công nghệ dạy liên trường, liên cấp.
Nhân lực y tế trường học còn thiếu và yếu ở nhiều địa phương dẫn đến phải huy động hầu hết cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác phòng, chống dịch.

Vì sao chuyện thiếu giáo viên khó có hồi kết? - Ảnh 1

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, bậc tiểu học có tỷ lệ giáo viên chưa đạt chuẩn cao nhất, 25,2%; tiếp đến là trung học cơ sở 13,9%...

2. Bổ sung biên chế nhưng vẫn cần thay đổi cơ chế

Việc giao biên chế không theo năm học, ngành GD-ĐT chịu trách nhiệm nhưng lại không có quyền tuyển dụng, cũng không đào tạo theo nhu cầu giáo viên dạy học chương trình mới, là những lý do khiến câu chuyện thiếu giáo viên khó có hồi kết.

2.1 Thiếu hụt nguồn tuyển

Năm học 2022 - 2023, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện với lớp 3, 7 và 10. Ở lớp 3, lần đầu tiên môn tiếng Anh và tin học trở thành môn học bắt buộc; ở lớp 10, lần đầu tiên có môn nghệ thuật (gồm 2 phân môn âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào nhóm môn học tự chọn. Dù chương trình ban hành năm 2018, các địa phương đã có ít nhất 3 - 4 năm chuẩn bị, nhưng chia sẻ của các địa phương cho thấy hầu hết các tỉnh, thành đều gặp khó khăn khi thiếu nguồn tuyển giáo viên (GV) tin học, tiếng Anh ở cấp tiểu học; môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) ở cấp THPT.
Nhiều tỉnh, thành cho biết dù có biên chế nhưng những môn học mới không có nguồn tuyển do các trường sư phạm chưa đào tạo kịp. Một số môn như tiếng Anh, tin học khi giảng dạy bắt buộc từ lớp 3 rất khó tuyển GV do những cử nhân được đào tạo chuyên ngành ngoại ngữ, tin học có nhiều cơ hội việc làm thu nhập tốt hơn nhiều và ít áp lực hơn so với nghề GV nên họ không lựa chọn dự tuyển vào biên chế ngành giáo dục.
Tại hội nghị tuyển sinh năm 2022, ông Phạm Như Nghệ, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT), khẳng định trong mùa tuyển sinh năm nay, với những ngành thiếu GV, Bộ giao chỉ tiêu tuyển sinh tối đa cho các trường sư phạm. Tuy nhiên, trong một vài năm tới, tình trạng “trắng” GV ở một số môn học mới, đặc biệt là mỹ thuật và âm nhạc cấp THPT, chắc chắn chưa thể khắc phục.

Vì sao chuyện thiếu giáo viên khó có hồi kết? - Ảnh 2

Năm học 2022 - 2023, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu thực hiện với lớp 3, 7 và 10

2.2 Nhiều kiến nghị “cởi trói” để tuyển GV

Trong các kiến nghị, thắc mắc của cử tri gửi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tại các kỳ họp Quốc hội gần đây thì nội dung về tuyển dụng và chính sách đãi ngộ với GV được nhắc nhiều nhất. Trong kỳ họp tháng 5.2022, cử tri tỉnh Quảng Bình kiến nghị về việc giao biên chế trong ngành GD-ĐT theo năm học, không giao biên chế theo năm tài chính như hiện nay vì dẫn tới nhiều khó khăn về GV.
Hà Nội cũng đề nghị Bộ sớm ban hành văn bản thay thế về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, giáo dục phổ thông công lập…

> Học sinh TP.HCM tựu trường ngày 22-8, riêng mầm non ngày 31-8

> Vì sao Bộ GD-ĐT đề xuất chưa tăng học phí, trường vẫn tăng?

Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp