Theo Luật Giáo dục Đại học, các trường được tự chủ tuyển sinh và Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các trường lập phương án thi riêng, thế nhưng các trường đều e ngại việc này

Tại cuộc họp bàn về tuyển sinh 2013 của Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập hồi giữa tháng 12-2012, lãnh đạo các trường ngoài công lập đều lên tiếng đề nghị cho phép được tự tổ chức tuyển sinh riêng để thu hút được thí sinh (TS).


Vì sao các trường vẫn né tuyển sinh riêng? - Ảnh 1

Trường ĐH FPT nhiều năm qua đã tổ chức tuyển sinh riêng

Tất cả các trường đều có quyền

Trong hội nghị thi và tuyển sinh được Bộ GD-ĐT tổ chức sau đó,  vấn đề tự chủ trong tuyển sinh tiếp tục được các trường đề cập. Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội,  nói năm 2013, Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) có hiệu lực, các trường có thêm nhiều quyền, nhất là quyền liên quan đến vấn đề tuyển sinh. Ông Sơn đề nghị Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng triển khai kế hoạch đổi mới tuyển sinh vì kỳ thi “ba chung” và kế hoạch đổi mới tuyển sinh vào năm 2015 so với hiệu lực của Luật GDĐH không còn phù hợp nữa.

Trước phản ứng của các trường, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận theo Luật GDĐH, các trường ĐH, CĐ sẽ được tự chủ tuyển sinh. “Tôi xin thông báo công khai tất cả các trường có quyền làm việc này”, Bộ trưởng Luận cho hay tại hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ 2013. Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: “Các trường cứ lập phương án, nếu bảo đảm điều kiện chúng tôi sẽ phê duyệt để triển khai chứ không có chuyện tháo khoán, làm hỗn loạn công tác tuyển sinh. Ngay với các trường ngoài công lập, bộ cũng đã trao đổi với chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH ngoài công lập, trường nào đủ điều kiện bộ sẽ phê duyệt”.

Được trao nhưng không nhận

Tuy nhiên, đến chiều 19-2, khi trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các trường đều cho biết trường chưa có phương án tuyển sinh riêng. Đến nay vẫn chỉ có 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật thí điểm tuyển sinh riêng. Với việc chỉ cần xét tuyển thay vì phải tổ chức thi môn văn, các trường khối nghệ thuật cho rằng Bộ GD-ĐT đã đi đúng chủ trương trao quyền đặc thù cho những cơ sở đào tạo đặc thù.

Ông Bùi Thiện Dụ, Hiệu trưởng Trường ĐH Dân lập Phương Đông, Hà Nội, cho biết 6-7 năm nay, trường đã quay trở lại với việc tổ chức thi chung và trường hoàn toàn không chủ trương tự tổ chức thi tuyển sinh.

Ông Lê Văn Một, Hiệu trưởng Trường ĐH Thăng Long, Hà Nội, cũng cho biết một số nội dung của “ba chung” không phù hợp với trường ngoài công lập nên các trường muốn tổ chức thi riêng, việc tự tổ chức thi ĐH không đơn giản như kỳ thi tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ, vì nó phụ thuộc vào cả một hệ thống phức tạp. “Việc ra đề thi tuyển sinh không phải dễ, trường có nhiều khối thi, trong khi nhân lực còn hạn chế thì việc làm đề sẽ như thế nào?

Những trường lớn ngại ra đề thi?


Những trường lớn như ĐH Quốc gia, ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương… còn ngại phải ra đề nữa là các trường trung bình, trường tốp dưới” - ông Một phân tích.  “Điều quan trọng nhất là TS thi vào những trường thi riêng nếu không trúng tuyển thì có được xét tuyển ở đâu không? Liệu có trường nào nhận những TS này không? Đó chính là nỗi lo thường trực của các trường trong việc quyết định có thi riêng hay không”- ông Một nói.

Không chỉ các trường ngoài công lập mà cả những trường công lập có nhiều thế mạnh như ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TPHCM cũng không tính đến việc tuyển sinh riêng trong năm nay, dù đã có phương án cho những năm tiếp theo. ĐH Quốc gia Hà Nội hiện đã xây dựng đề án tuyển sinh mới với phương án kiểm tra năng lực của TS. Với chung một “gói” câu hỏi, các khoa, các ngành đào tạo cần năng lực nào nhiều hơn sẽ tập trung chọn lựa những TS được điểm đánh giá cao về năng lực đó.

Trong khi đó, ĐH Quốc gia TPHCM dự kiến TS thi 2 môn toán logic và tiếng Việt (gia tăng câu trắc nghiệm và chỉ kéo dài cao nhất 120 phút so với 180 phút như hiện nay). Tiếp theo đó, tùy theo khối thi, ngành thi mà TS chọn, các em sẽ dự thi thêm 1 môn đặc thù của khối, ngành. Tuy đề án đã xây dựng nhưng về thời điểm áp dụng, cả hai ĐH quốc gia cùng cho hay, sớm nhất phải đến năm 2015 mới có thể áp dụng.

Chỉ có 10 trường thuộc khối văn hóa - nghệ thuật tổ chức tuyển sinh riêng, còn lại chưa có trường nào muốn tuyển sinh riêng, kể cả những trường công lập tốp trên.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 cơ bản vẫn giữ ổn định, không có thay đổi lớn. Bộ vẫn giữ thi tuyển sinh theo phương thức “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả), không bổ sung thêm khối thi. Thời gian thi vẫn ấn định 3 đợt (2 đợt thi ĐH và 1 đợt thi CĐ). Với các trường tuyển sinh khối năng khiếu sẽ được xem xét thí điểm tự chủ tuyển sinh riêng trên cơ sở đề án gắn với trách nhiệm tự chủ.


Theo Bộ GD - ĐT, năm tới không tăng về quy mô tuyển sinh để đảm bảo chất lượng đào tạo. Việc xác định chỉ tiêu sẽ giao cho các trường thực hiện căn cứ theo Thông tư 57 (căn cứ trên số giảng viên, cơ sở vật chất) đã ban hành. Những trường nào xác định chỉ tiêu không trung thực với năng lực hiện có sẽ bị Bộ xử phạt mạnh, trừ chỉ tiêu năm kế tiếp.


Đồng thời, Bộ GD - ĐT sẽ mở rộng ưu tiên xét tuyển đối với những huyện nghèo và 20 huyện biên giới, hải đảo thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long không có trong danh sách huyện nghèo của Chính phủ. Việc mở rộng này xuất phát từ quan điểm tạo điều kiện để thí sinh những vùng này có thể vào học ĐH. Ngoài ra Bộ mở rộng diện ưu tiên cho 3 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ để xem xét đưa vào quy chế tuyển sinh.


Hiện nay, Bộ GD - ĐT đã cử 3 đoàn thanh tra kiểm tra về tình hình tuyển sinh và xác định chỉ tiêu cho năm 2013 của 30 trường ĐH, CĐ. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, các trường sẽ xác định chỉ tiêu 2013 của mình dựa trên các điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… Những trường nào xác định chỉ tiêu không đúng với năng lực sẽ bị trừ chỉ tiêu năm kế tiếp.

Theo Báo Người Lao Động