Mặc dù đã thực hiện nhiều biện pháp kỷ luật nhưng trẻ không tiếp thu, vẫn cứ phạm phải lỗi sai là điều khiến phụ huynh rất trăn trở.
Vì sao những biện pháp kỷ luật không có tác dụng với trẻ?
1. Tính cách của trẻ
Đặc điểm bao gồm tính cách, kỹ năng, điểm mạnh, điểm yếu, tạo ảnh hưởng đến cách trẻ phản ứng với các biện pháp kỷ luật. Ví dụ, việc nuôi dạy trẻ dễ bỏ cuộc, hay thất vọng sẽ khác với trẻ điềm tĩnh, kiên nhẫn.
Với đặc điểm của từng đứa trẻ, bố mẹ nên lựa chọn phương pháp kỷ luật khác nhau để đạt được hiệu quả tốt nhất. Trước khi áp dụng, bố mẹ hãy cân nhắc đến các quy tắc, giới hạn và hậu quả nào phù hợp nhất với trẻ.
Chẳng hạn nếu trẻ hướng nội làm sai, bạn phạt không được đi chơi sẽ không có ích vì bình thường bé thích dành thời gian một mình. Cách kỷ luật của bạn chưa thể giúp trẻ nhận ra hậu quả của những hành động sai. Nhưng nếu bạn áp dụng biện pháp này với trẻ hướng ngoại, các em sẽ sớm hối hận khi không nghe lời.
2. Cách giáo dục của cha mẹ
Phụ huynh hãy chú ý đến điểm giống, khác nhau giữa đặc điểm của bạn và của trẻ. Từ đó nhận ra những bất đồng trong quan điểm, suy nghĩ của hai bên hay những sở thích chung. Ví dụ, nếu là người trầm tính, thích yên tĩnh, bạn có thể bối rối trước việc nuôi dạy một đứa trẻ hiếu động, hướng ngoại.
Khi nhận ra điểm giống và khác nhau giữa đôi bên, bạn có thể tìm ra phương pháp kỷ luật phù hợp với nhu cầu của cả hai.
3. Những biến cố trong cuộc sống
Trải nghiệm sống ảnh hưởng đến hành vi của trẻ. Việc chuyển nhà, đi học ở trường mới hay bố mẹ có thêm em bé đều làm xáo trộn cuộc sống bình thường của trẻ, từ đó ảnh hưởng đến hành vi của các em.
Nếu nhận thấy trẻ có hành động bất thường, không phù hợp với quy tắc chung, bố mẹ hãy cân nhắc lại những thay đổi trong thời gian gần đây. Ví dụ trẻ có thêm em thường cảm thấy bị bỏ rơi, không còn là trung tâm của gia đình. Từ đó, các em có thể quấy khóc, giận dỗi để thu hút sự chú ý của bố mẹ.
Nếu bị mắng, các em sẽ càng khó chịu, bày trò nghịch ngợm nhiều hơn. Thay vào đó, bố mẹ cần nhận ra những hành vi bất thường này đến từ nỗi lo bị bỏ lại. Sau đó, hãy giải thích cho con hiểu, khuyến khích con tham gia quá trình chăm sóc em bé hoặc quan tâm trẻ nhiều hơn.
Một ví dụ khác trong tình huống trẻ chuyển trường. Thời gian đầu, nhiều bé thích trò chuyện, liên lạc với các bạn ở lớp cũ. Nếu con hư, bạn không nên phạt bằng cách tịch thu điện thoại vì sẽ càng khiến mọi chuyện căng thẳng. Hãy tìm phương pháp kỷ luật khác đồng thời khuyến khích trẻ giữ liên lạc với bạn cũ, làm quen nhiều bạn mới.
4. Không khen ngợi trẻ
Trẻ sẽ lặp lại các hành vi tích cực nếu được khen ngợi nhưng có thể quên ngay nếu không được đánh giá cao. Phụ huynh hãy xem xét lại phản ứng khi con tuân thủ quy tắc, lắng nghe hay hành xử phù hợp.
Liệu bạn đã khen ngợi hành động của con hay có phần thưởng nào cho những tiến bộ tích cực hay không? Phụ huynh đừng nên cho rằng chỉ những hành vi sai cần kỷ luật còn việc làm đúng là điều hiển nhiên.
Khác với người lớn, trẻ em chưa đủ nhận thức để đánh giá hành vi của mình là sai hay đúng. Nếu được khen ngợi, các em sẽ hiểu rằng cần lặp lại những hành động này.
5. Dung túng, dễ dãi với trẻ
Đôi khi trẻ tiếp tục hành vi sai vì nhận được sự đồng ý của phụ huynh. Chẳng hạn, bạn mua món đồ yêu thích để trẻ ngừng la hét khiến trẻ hiểu rằng càng nhõng nhẽo sẽ càng được quan tâm. Việc la mắng cũng có thể khiến trẻ tiếp tục có hành vi không phù hợp.
Cha mẹ cần có biện pháp kỷ luật tương ứng với các hành vi sai trái của trẻ. Chẳng hạn, với việc nhõng nhẽo, cha mẹ không cần quát mắng mà phớt lờ có thể đem lại hiệu quả tốt hơn. Khi bạn nhìn sang hướng khác, giả vờ không nghe thấy, bạn đang nói với trẻ rằng: "Những hành vi sai của con sẽ không thu hút được sự quan tâm của bố mẹ".
Ngoài ra, khi kỷ luật hành vi sai, bố mẹ cần đồng lòng, nhất quán. Trước khi đưa ra biện pháp, bố mẹ phải thống nhất với nhau, đánh giá các biện pháp là hợp lý hay không để không bị phản tác dụng.
Theo VnExpress