Dự kiến thi vào ngày 10/6

Với số lượng gần 80.000 HS tốt nghiệp THCS năm học 2014 - 2015, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay không kém áp lực so với năm ngoái, trong khi Sở GD&ĐT tuyên bố sẽ nâng cao chất lượng đầu vào. Ông Ngô Văn Chất - Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Trước khi giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 THPT, Sở sẽ thành lập các đoàn kiểm tra điều kiện tuyển sinh ở các trường công lập và ngoài công lập (NCL). “Hiện đã có 30 trường NCL cơ bản đạt được 4 chỉ tiêu, còn chỉ tiêu về công tác chuyên môn, Sở sẽ giao cho phòng giáo dục kiểm tra từ 19/1 - 10/3; đủ các tiêu chí này, Sở mới giao chỉ tiêu tuyển sinh. Còn 6 trường năm ngoái chưa được giao chỉ tiêu, năm nay phải có tờ trình về Sở, để Sở xem có đáp ứng được chỉ tiêu tuyển sinh không. Ngoài ra, đối với 11 trường có thêm cơ sở 2, Sở sẽ kiểm tra sớm. Năm nay hạn chế giao chỉ tiêu tuyển sinh với cơ sở 2, đến năm học 2017 - 2018 sẽ không còn trường NCL nào có cơ sở 2. Cơ sở 2 đi thuê mướn, không đủ điều kiện cơ sở vật chất sẽ kiên quyết không giao chỉ tiêu” – ông Chất cho biết.

Tuyển sinh vào lớp 10: Sớm thời gian, “siết” chỉ tiêu

Học sinh trường THPT Lê Quý Đôn, quận Đống Đa trong giờ học môn địa lý. Ảnh: Chiến Công

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 7 (chậm 1 tháng so với năm trước), do đó sẽ đẩy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sớm hơn mọi năm 2 tuần, dự kiến tổ chức vào ngày 10/6. “Kỳ thi THPT quốc gia sẽ do các trường ĐH chủ trì, Sở chỉ phối hợp nên công việc sẽ nhẹ hơn và có điều kiện tập trung tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT” - ông Chất khẳng định.

Không dạy thêm tràn lan

Quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hiện đang được Bộ GD&ĐT chỉnh sửa lần cuối. Tuy nhiên, với việc thay đổi thời gian kỳ thi sang tháng 7, không chỉ giáo viên mà cả phụ huynh đều phân vân: Khoảng thời gian hơn một tháng kể từ khi HS nghỉ học ở trường (31/5) cho đến khi thi, các em sẽ làm gì? Liệu như vậy có phát sinh tình trạng dạy thêm - học thêm tràn lan? Ông Chử Xuân Dũng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng thừa nhận, thời gian này, HS rất cần sự hỗ trợ của thầy cô giáo. Chính vì vậy, “Sở yêu cầu các trường cần định hướng về tư tưởng đối với giáo viên với ý thức đây là công việc lớn, trách nhiệm của mỗi nhà giáo, nhà quản lý. Sở đã yêu cầu các trường không tổ chức dạy thêm tràn lan trong tháng 6 này, nếu không có chỉ đạo thêm từ Bộ GD&ĐT. HS lớp 12 sẽ tự ôn tập dưới sự hướng dẫn của thầy cô từ trong năm. Tuy nhiên, nhà trường vẫn phải có thông tin kịp thời cập nhật tới HS về những quy định của kỳ thi này” -  ông Dũng cho biết. Bên cạnh đó, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường THPT không để xảy ra tình trạng buông lỏng, nâng điểm trong khâu đánh giá kết quả học tập năm lớp 12 do tâm lý thương HS, muốn các em có kết quả cao trong xét tốt nghiệp khi sử dụng cả kết quả thi và điểm tổng kết năm lớp 12.
Trao đổi về việc chuẩn bị cho kỳ thi này, đa số hiệu trưởng các trường đều cho biết, mặc dù HS chưa chính thức lựa chọn môn thi nhưng giáo viên hầu như đã nắm được nguyện vọng của những em có mục tiêu xét tuyển vào ĐH, CĐ. Từ đó sẽ có hình thức đầu tư hợp lý, chú trọng hơn với các môn mà những HS này chọn dự thi để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Ông Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (huyện Mê Linh) chia sẻ: “Khoảng tháng 3, nhà trường có thể lên kế hoạch cụ thể cho việc tập trung ôn thi của HS, khi các em chính thức đăng ký môn thi tự chọn”.

Theo Kinh tế Đô thị, tin gốc: http://www.ktdt.vn/xa-hoi/giao-duc/2015/01/81029CDF/tuyen-sinh-vao-lop-10-som-thoi-gian-siet-chi-tieu/

Tuyển sinh, tuyển sinh lớp 10, chỉ tiêu tuyển sinh, xét tuyển ĐH, CD, kỳ thi THPT quốc gia 2015