Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thông báo áp dụng lịch học mới với 30 phút mỗi tiết, thay vì 45 phút theo thời khóa biểu cũ và nghỉ 5 phút giữa hai tiết.

Hà Nội: Mở dần trường học trở lại với tinh thần linh hoạt

Hà Nội: Mở dần trường học trở lại với tinh thần linh hoạt

Trước tình hình dịch COVID-19, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị TP Hà Nội căn cứ thực tiễn, tiến hành mở dần trường học trở lại với tinh thần linh hoạt, không cứng...

Đầu tháng 11, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thông báo áp dụng lịch học mới với 30 phút mỗi tiết (thay vì 45 phút theo thời khóa biểu cũ) và nghỉ 5 phút giữa hai tiết. Mỗi buổi, học sinh học 4-5 tiết.

Tiến sĩ Lê Công Lợi, Hiệu trưởng THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, cho hay việc thay đổi lịch học dựa trên cơ sở quan sát thực tế, mong muốn phát huy sự chủ động, tự học của học sinh, đồng thời giảm thời lượng tiếp xúc với máy tính, đảm bảo sức khỏe cho các em và hướng tới hiệu quả của việc học.

Học online phụ thuộc nhiều vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là thiết bị học của học sinh, thiết bị dạy của giáo viên và đường truyền mạng. Khác với học trực tiếp, học online khiến việc tương tác khó khăn, thầy cô cũng khó kiểm soát học sinh trong lớp. Học trực tuyến kéo dài cũng làm các em chán nản, học không hiệu quả. Nhiều em có khả năng tập trung kém, dễ xao nhãng khi học trong không gian một mình ở nhà.

Theo thời khóa biểu cũ, học sinh bắt đầu học từ 7h đến 11h10. Một số em phải học tăng cường nâng cao để thi học sinh giỏi vào buổi chiều. Nếu duy trì thời khóa biểu đó, ít nhất ngày nào các em cũng có liên tục bốn tiếng hoặc hơn phải theo dõi máy tính.

"Qua hai tháng học, chúng tôi phát hiện hiệu quả và sức khỏe của học sinh bị ảnh hưởng. Một số bạn trong quá trình học nhiều với máy tính mất đi sự tích cực khi tương tác với các bạn khác hoặc thầy cô. Vì thế, chúng tôi đã cân nhắc nhiều giải pháp", tiến sĩ Lợi nói.

Hồi tháng 9, trường từng thử nghiệm điều chỉnh tiết học 45 phút, ra chơi 5 phút xuống còn học 40 phút và ra chơi 10 phút nhưng thấy chưa hiệu quả. Thời gian nghỉ giữa giờ nhiều, học sinh vẫn có thể ôm máy tính. Do đó, trường tiếp tục giảm xuống 30 phút học và 5 phút ra chơi để thời gian học sinh dùng thiết bị điện tử rút xuống.

Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên giảm thời lượng tiết học trực tuyến - Ảnh 1

Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên giảm thời gian tiết học trực tuyến

Trong 30 phút, thầy cô chủ yếu trao đổi, hướng dẫn học, còn 15 phút sẽ dành cho các em tự học.

Sau khi giảm thời gian học trực tuyến, hiện học sinh bắt đầu lúc 7h và kết thúc lúc 10h25. "Thời gian trống buổi trưa để các em thoát ly khỏi việc bắt buộc phải sử dụng máy tính", thầy Lợi cho hay.

Việc điều chỉnh này buộc các thầy cô phải sáng tạo, đổi mới cách dạy, bài giảng cô đọng, đắt giá hơn. Tuy nhiên theo thầy Lợi, các giáo viên của trường có chuyên môn vững và kỹ năng sư phạm tốt nên thích nghi nhanh với sự thay đổi.

Sau 2-3 tuần thử nghiệm và có kiểm tra đánh giá, nếu việc giảm tiết học xuống 30 phút vẫn chưa hiệu quả, trường sẽ thử nghiệm phương án "đục lỗ", tuần này học, tuần sau nghỉ.

Theo tiến sĩ Lợi, phương án giảm giờ học trực tuyến khó áp dụng ở các trường trung học phổ thông bình thường do chất lượng học sinh không đồng đều. Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên thử nghiệm cách này dựa trên hai yếu tố: đội ngũ giáo viên sẵn sàng thay đổi và học sinh có sẵn thói quen tự học. Học sinh cần có thời gian để thẩm thấu kiến thức và tư duy. Nếu các em chưa có khả năng tự học mà trường giảm tiết học như vậy thì chất lượng học sẽ giảm theo.

"Đặc thù của học sinh chuyên là tiếp cận với việc tự học sớm hơn so với học sinh phổ thông bình thường. Học sinh chuyên có năng lực tiếp thu kiến thức nhanh, ý thức tốt và tự học hiệu quả. Đó là cơ sở khiến chúng tôi mạnh dạn thay đổi", thầy Lợi chia sẻ.

Tuy nhiên, để việc thay đổi này có kết quả, nhà trường cần sự hợp tác từ phụ huynh. Giáo viên nỗ lực nhưng phụ huynh cũng cần quan tâm đến con hơn bằng cách đầu tư thiết bị và nâng cấp đường truyền tốt.

Hà Nội: Học sinh tại một số địa phương được học trực tiếp tại trường

Hà Nội: Học sinh tại một số địa phương được học trực tiếp tại trường

Theo đó, từ 8/11, học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã mức độ dịch ở cấp 1 và 2, sẽ học trực tiếp, các khối còn lại cùng...

Theo VnExpress