Theo đó, từ 8/11, học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã mức độ dịch ở cấp 1 và 2, sẽ học trực tiếp, các khối còn lại cùng toàn bộ học sinh nội thành duy trì học online.
Ngày 1/11, dựa vào tờ trình của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh thủ đô trở lại trường.
Theo đó, từ 8/11, học sinh khối 5, 6, 9, 10 và 12 của 18 huyện, thị xã (mức độ dịch ở cấp 1 và 2, trong 14 ngày tính đến thời điểm đi học không còn F0 cộng đồng) sẽ học trực tiếp, các khối còn lại cùng toàn bộ học sinh nội thành duy trì học online.
Tính từ 24/10 đến nay có 5 huyện của Hà Nội ghi nhận các ca mắc cộng đồng tại ổ dịch mới gồm: Quốc Oai, Thanh Oai, Ứng Hoà, Hoài Đức, Mê Linh. Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục, những địa bàn gần đây có ca mắc cộng đồng sẽ được xem xét cho học sinh đi học trở lại ở các đợt tiếp theo.
Một số địa phương tại Hà Nội mở cửa cho học sinh đến trường học tập
Sở cũng hướng dẫn những trường có học sinh trên nhiều địa bàn phải nắm rõ thông tin của các em, cấp độ dịch và quy định cho đi học của địa phương nơi học sinh cư trú. Các trường bắt buộc phải đạt yêu cầu an toàn theo bộ tiêu chí tại hướng dẫn liên ngành của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Y tế Hà Nội, đồng thời lên phương án đảm bảo giãn cách, giảm sĩ số học sinh trên một buổi dạy. Những giáo viên chưa tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 chỉ dạy trực tuyến, không đến lớp dạy trực tiếp.
Trong quá trình dạy trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan dịch tễ các ca nhiễm, không đảm bảo an toàn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch cấp huyện, thị xã sẽ xem xét, cho dừng việc học trực tiếp để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên.
Để đưa ra đề xuất này, ngành giáo dục cho rằng các khối lớp đầu và cuối cấp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, thay sách giáo khoa đồng thời phải thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp nên cần được ưu tiên. Cùng với đó, khu vực ngoại thành đều đạt cấp độ 1 và 2 trong công tác phòng chống dịch, còn nội thành vẫn là địa bàn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Thành phố yêu cầu các trường tạm thời chưa tổ chức ăn bán trú, dạy một buổi trong ngày đến khi có thông báo mới. Ngoài ra, Hà Nội khuyến khích những trường đông học sinh kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, bố trí lịch học phù hợp để đảm bảo giãn cách.
Theo thống kê, 96% giáo viên, nhân viên các trường đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 62% người được tiêm đủ hai mũi. Những trường được trưng dụng làm khu cách ly tập trung cũng đã được trao trả mặt bằng, sẵn sàng chuẩn bị các điều kiện để đón học sinh.
30 phòng Giáo dục và Đào tạo cũng lấy ý kiến phụ huynh trong việc mở cửa trường. Kết quả, 78,6% người được hỏi mong muốn cho con, em được học trực tiếp.
Ngày 29/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng công bố 16 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống Covid-19 trong trường học. Mỗi tiêu chí sẽ được đánh giá ở hai mức Đạt và Không đạt. Số tiêu chí Đạt càng nhiều, mức độ an toàn càng cao. Nếu đạt 12 tiêu chí trở lên, trong đó phải có năm tiêu chí 4, 5, 8, 11, 12, trường học thuộc nhóm thực hiện tốt, an toàn.
Trường hợp đạt 8-11 tiêu chí, trong đó phải có 4, 5, 8, 11, 12, các trường "thực hiện khá, an toàn, được phép hoạt động và cho học sinh trở lại". Tuy nhiên, những trường này phải kiểm tra định kỳ để khắc phục các tiêu chí không đạt.
Nếu chỉ đạt từ 7 tiêu chí trở xuống, trường học được đánh giá thực hiện chưa tốt, không an toàn và không được phép hoạt động.
> TP.HCM: Tổ chức dạy học cho trẻ mầm non như thế nào?
> Quảng Nam: Phát hiện nhiều học sinh mắc Covid-19, các trường học phải tạm dừng học trực tiếp
Theo VnExpress