Trẻ mầm non tại nhiều địa phương đã trở lại học trực tiếp, nhiều phụ huynh vẫn còn lo lắng, chưa cho trẻ đến trường vì trẻ chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Đà Nẵng: Học sinh mầm non trở lại trường trên tinh thần tự nguyện

Đà Nẵng: Học sinh mầm non trở lại trường trên tinh thần tự nguyện

Cân nhắc tình hình dịch COVID-19, Thành phố Đà Nẵng cho phép các trường mầm non ở địa bàn cấp độ dịch một, hai, ba (xanh, vàng, cam), mở cửa đón trẻ.

Sau Tết, cả nước đồng loạt mở cửa trường cho cả đối tượng học sinh đã và chưa tiêm vaccine phòng Covid-19. Nhiều phụ huynh còn lo lắng, không cho con đến trường vì trẻ chưa tiêm vaccine, nhất là độ tuổi mầm non.

Cụ thể như TP.HCM và Hải Phòng ghi nhận tỷ lệ trẻ mầm non đến trường trong ngày đầu lần lượt là 66,3% và 11,7%.

Do đó, Bộ GD&ĐT muốn xin kiến chuyên môn của Bộ Y tế về công tác phòng dịch, tổ chức ăn bán trú, học hai buổi cho những trẻ đến trường nhưng chưa được tiêm vaccine.

Bộ GD&ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và thống nhất về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test.

Trẻ chưa tiêm vaccine sẽ đến trường như thế nào để an toàn COVID-19? - Ảnh 1

Trẻ đến trường học trực tiếp cần đảm bảo thực hiện những biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ghi nhận tình hình dạy học sau Tết tại nhiều địa phương, Bộ GD&ĐT cho biết nhiều nơi còn lúng túng khi xử lý F0, F1 dẫn đến tình trạng lớp học phải chuyển đổi hình thức học trực tiếp và trực tuyến liên tục.

Một số địa phương có tỷ lệ giáo viên, học sinh mắc Covid-19 tăng mạnh như Hải Phòng (9.649 ca), Hà Tĩnh (675 ca), Nghệ An (298 ca), Thanh Hoá (2.359 ca).

Nhiều cơ sở giáo dục phải chuyển đổi hình thức dạy học trực tiếp kết hợp học trực tuyến vì có cán bộ, giáo viên và học sinh là F0. Việc khoanh vùng xác định F1 chưa hợp lý dẫn đến nhiều học sinh phải tạm dừng học trực tiếp. Cá biệt có nơi cho cả lớp hoặc khối dừng học trực tiếp khi phát hiện F0 trong một lớp.

Bộ GD&ĐT cho hay nhiều tỉnh, thành đã kiến nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mở cửa trường học.

Hiện nay, theo hướng dẫn chung của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế, trường hợp học sinh F1 phải ở nhà để theo dõi sức khỏe và xét nghiệm theo quy định. Thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp học sinh F1 đã tiêm đủ liều vaccine là không quá 7 ngày, xét nghiệm vào ngày thứ 7, nếu kết quả âm tính, các em được đi học trở lại.

Học sinh F1 chưa được tiêm vaccine cũng cho nghỉ tại nhà, thời gian không quá 14 ngày, theo dõi kỹ các biểu hiện, xét nghiệm lại vào ngày thứ 7 và 13.

Đến nay, cả nước còn Hậu Giang, An Giang, Đà Nẵng, Tiền Giang chưa cho trẻ mầm non, tiểu học đến trường. Phú Yên, Vĩnh Long, Hà Nội, Trà Vinh, Hưng Yên đã cho học sinh phổ thông đến lớp nhưng chưa cho trẻ mầm non học trực tiếp.

Bộ GD&ĐT cho biết khi tổ chức dạy học trực tiếp, các cơ sở giáo dục rất khó thực hiện việc giãn cách theo quy định vì số lượng học sinh đông. Việc tổ chức bán trú và học hai buổi còn rất khác nhau ở nhiều địa phương gây bức xúc cho phụ huynh trong việc sắp xếp thời gian đưa đón con.

Bên cạnh đó, việc thiếu giáo viên (đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học) tạo áp lực rất lớn cho các cơ sở giáo dục trong việc triển khai dạy trực tiếp.

Một số phụ huynh học sinh còn chưa yên tâm cho con trở lại trường, đặc biệt đối với cấp học mầm non và tiểu học (trẻ dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine) dẫn đến tỷ lệ trẻ mầm non đến trường thấp ở một số địa phương.

TP.HCM: Học sinh tiểu học được hướng dẫn cách học tập trong tình hình COVID-19

TP.HCM: Nhiều phụ huynh đồng thuận cho học sinh cấp 1 trở lại trường

Theo ZING News