TP.HCM đã quyết định cho học sinh từ khối 7 - 12 trở lại học trực tiếp tại trường. Học sinh và giáo viên đều phải tuân thủ những quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Từ ngày 4/1, các trường THCS, THPT ở TP.HCM sẽ đón 3 khối lớp đi học trực tiếp. Riêng với xã đảo Thạnh An (Cần Giờ), học sinh lớp 1 đến lớp 12 đều trở lại trường.
Sở GD&ĐT TP.HCM hướng dẫn các trường có thể bố trí lệch ca, lệch giờ, tăng cường giám sát nhằm đảm bảo việc giãn cách trước giờ học, giờ chơi và tan trường.
Để đảm bảo khoảng cách, cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp thời lượng dạy học trực tiếp, tạo thuận lợi cho phụ huynh đưa đón con. Tại cùng một thời điểm, số lượng học sinh không được vượt quá 50% tổng số lượng học sinh của đơn vị.
Với những trường thực hiện bán trú, giờ học trực tiếp không được quá 8 tiết/ngày. Thời lượng dạy học trực tiếp được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp điều kiện phòng học đồng thời tuân thủ giãn cách theo quy định của ngành y tế. Các cơ sở giáo dục vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc phối hợp giữa dạy học trực tiếp và dạy học trên Internet.
TP.HCM hướng dẫn việc giãn cách khi quy mô học sinh đến trường nhiều hơn (Ảnh minh hoạ)
Học sinh trở lại trường sẽ được ôn tập, bổ sung kiến thức và kiểm tra học kỳ I trực tiếp từ ngày 4/1 đến 22/1. Trong thời gian này, những em khác vì bất khả kháng không thể đến trường sẽ được kiểm tra sau khi đến lớp.
Với học sinh khối 6 chưa thể đến trường học trực tiếp, Sở GD&ĐT TP.HCM sẽ xin ý kiến của Bộ GD&ĐT để có hướng dẫn thực hiện kiểm tra học kỳ I cho các em.
UBND TP.HCM cho phép các trường đón học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp, nhưng ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, lưu ý mở rộng không có nghĩa là đưa toàn bộ học sinh các khối đến lớp cùng lúc.
"Mỗi địa phương chủ động tham mưu với lãnh đạo quận, huyện và thành phố Thủ Đức có kế hoạch cụ thể đảm bảo quyền lợi của học sinh, không rập khuôn và không bắt buộc phải mở đều tất cả đơn vị trường học", ông Dương Trí Dũng nói.
Theo phó giám đốc sở, từ ngày 4/1, các hoạt động giáo dục tại trường học cơ bản sẽ tăng lên gấp 2-3 lần so với trước đó. Ông đề nghị trường học phải căn cứ điều kiện thực tế quyết định kế hoạch học tập tại đơn vị, đảm bảo an toàn cho học sinh, công tác phòng, chống dịch được thực hiện xuyên suốt.
Riêng vấn đề khoảng cách, ông Dũng nhắc các trường phải tổ chức cho học sinh đến lớp theo điều kiện thực tế. Lãnh đạo trường lưu ý phòng dự trữ, cách ly để kịp thời xử lý tình huống liên quan dịch Covid-19, tránh trường hợp bị động khi xử lý các ca nhiễm.
“Thời gian thí điểm dạy trực tiếp với khối 9 và 12 có xảy ra các ca bệnh trong trường nhưng HCDC xác định không có việc lây nhiễm chéo trong trường. Đây là tín hiệu vui, cho thấy việc tổ chức hoạt động dạy và học trực tiếp trong những tuần qua rất tốt”, ông Dũng cho hay.
Ông nhấn mạnh khi có ca bệnh, nhà trường phải khoanh vùng, cách ly, xử lý một cách tối ưu, không để lây chéo giữa học sinh và các bộ phận làm việc trong trường. Vấn đề này càng phải được thực hiện tốt khi tuần sau, mật độ học sinh tăng cao.
> Trung tâm ngoại ngữ, tin học ở TPHCM được dạy học trực tiếp từ 4/1
> TP.HCM cho các lớp 7, 8, 10, 11 đi học trở lại từ ngày 4/1
Theo ZING News