Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng trường THCS Gò Vấp, cho biết trường chuẩn bị tất cả điều kiện theo bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo an toàn phòng chống COVID-19.
Kết thúc kỳ nghỉ Tết Dương lịch, ngày 4/1, học sinh lớp 7 đến 12 ở TP.HCM sẽ trở lại trường học trực tiếp. Sau thời gian thí điểm cho một khối đi học với nhiều thuận lợi, thời gian tới, các trường gặp thách thức khi mở rộng quy mô dạy trực tiếp.
1. Về dịch vụ căng tin khi học trực tiếp
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng THPT Nguyễn Du (quận 10), cho hay giáo viên chủ nhiệm của trường đã tiến hành họp phụ huynh bằng hình thức trực tuyến để chia sẻ về phương pháp phòng dịch cho học sinh lớp 10, 11.
Công tác phòng, chống dịch bệnh được trường THPT Nguyễn Du thực hiện trên nền tảng ứng dụng “Lớp học xanh”. Phụ huynh sẽ phối hợp với nhà trường, thông qua ứng dụng để đảm bảo an toàn phòng dịch tại các lớp học.
Theo đó, 20h hàng ngày, phụ huynh sẽ tương tác với giáo viên chủ nhiệm, cung cấp tình hình sức khỏe từng thành viên trong gia đình. Trường hợp có các dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi cũng được thông báo chi tiết.
Đến chủ nhật, 20h, phụ huynh sẽ cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19 của học sinh để nhà trường nắm bắt và tổ chức kế hoạch học tập trong tuần tiếp theo.
Việc cung cấp thông tin trên ứng dụng đã giúp trường THPT Nguyễn Du nắm bắt được các trường hợp F0, F1 và ngăn chặn, tầm soát từ xa, đảm bảo học sinh đến trường đều khỏe mạnh. Nếu học sinh thuộc diện F0 ứng dụng sẽ hiển thị màu đỏ, trường hợp F1 sẽ hiển thị màu xanh.
Với 100% phụ huynh lớp 10, 11 đồng ý cho con trở lại trường, THPT Nguyễn Du sẽ đón 1.518 học sinh ở cả 3 khối lớp 10, 11, 12 nên công tác phòng dịch được chuẩn bị kỹ lưỡng. Mỗi lớp sẽ có 30 học sinh, nhà trường cũng sử dụng 4 máy đo nhiệt độ hồng ngoại, máy rửa tay tự động, khẩu trang và bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên Covid-19, máy tạo oxy.
Từ ngày 4/1, trường THPT Nguyễn Du sẽ mở lại dịch vụ căng tin. Thầy Phú cho biết trường đã yêu cầu nhân viên căng tin phải tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 hoặc 3 mũi (đối với loại vaccine Vero Cell). Căng tin sẽ bố trí bàn, ghế đảm bảo khoảng cách, ngăn hàng, chia lối để học sinh xếp hàng vào mua.
"Nếu không mở căng tin thì học sinh ra ngoài mua nước, đồ ăn rất nhiều, khó kiểm soát hơn. Khi mở lại căn tin, một mặt trường yêu cầu đơn vị, nhân viên căn tin đảm bảo an toàn, mặt khác trường vẫn phải phối hợp, giám sát hoạt động của họ", thầy Phú nói.
Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng trường THCS Gò Vấp (quận Gò Vấp), cho biết cùng việc đón thêm khối 7, 8 đi học, nhà trường cũng chuẩn bị các điều kiện để có thể mở lại dịch vụ bán trú, căng tin cho học sinh. Trước khi đến trường, học sinh sẽ được làm quen, diễn tập công tác phòng dịch, nắm được quy trình từ khi vô trường, lên lớp, khi xảy ra sự cố sẽ ra sao.
Để mở lại hoạt động bán trú, những ngày qua, trường phải tiến hành xét nghiệm nguồn nước, chuẩn bị phòng để giãn cách học sinh, khử khuẩn, chuẩn bị phương án xử lý khi xảy ra sự cố.
Nhà trường không có bếp ăn nên phải đặt suất ăn công nghiệp bên ngoài. Trường đã liên hệ với đơn vị cung cấp suất ăn, yêu cầu cung cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 của những nhân viên ra vào trường.
"Trường chuẩn bị tất cả điều kiện theo bộ tiêu chí an toàn trường học. Phòng GD&ĐT và quận sẽ kiểm tra, nếu đáp ứng được điều kiện an toàn mới cho phép mở lại bán trú và căn tin", cô Thu cho hay.
Các hoạt động bán trú tại trường sẽ được thực hiện theo bộ tiêu chí an toàn trường học
2. Tăng cường sự giám sát khi học trực tiếp
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), cho biết công tác phòng, chống dịch trong gần 3 tuần lớp 9 trở lại đã giúp nhà trường có kinh nghiệm để chuẩn bị đón học sinh lớp 7, 8 học trực tiếp.
Theo đó, trường THCS Hà Huy Tập có 14 lớp ở mỗi khối. Số lượng học sinh đông nên nhà trường đang chuẩn bị các phương án để trao đổi với phụ huynh về công tác phòng, chống dịch. Vì không đủ phòng học để chia đôi lớp nên mỗi lớp học theo đúng sĩ số, nhưng giáo viên sẽ tăng cường sự giám sát.
Trước đây, khi học sinh khối lớp 9 tham gia học tập trực tiếp, một số giáo viên được nhà trường phân công dạy online các khối 6, 7, 8. Sắp tới khi học sinh khối 7, 8 đi học trở lại, để đảm bảo nhân lực, nhà trường dự kiến phân công những giáo viên dạy tiết 2 tham gia giám sát học sinh trong giờ ra chơi. Nhân viên văn phòng trường sẽ quan sát sân chơi và nhà vệ sinh, nơi rửa tay để điều tiết, đảm bảo giãn cách và không cho học sinh tụ tập, tránh nguy cơ lây nhiễm.
Học sinh khối 7 và 8 khi trở lại trường sẽ được hướng dẫn đi một chiều theo quy định. Trường có 6 cầu thang và có sơ đồ di chuyển riêng. Bên cạnh đó, 2 phòng xử lý F0 của trường cũng được trang bị đầy đủ thiết bị để đảm bảo an toàn khi cả 3 khối đều tham gia học trực tiếp.
Chia sẻ với Zing, cô Diễm Trâm nhấn mạnh sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường là rất quan trọng khi học sinh trở lại trường học.
“Nếu người thân trong gia đình học sinh (đang đi học trực tiếp) dương tính với Covid-19 nên báo với giáo viên chủ nhiệm. Việc thông báo này sẽ giúp nhà trường và nhân viên y tế nắm bắt thông tin, kiểm tra sức khỏe của học sinh và đưa ra lời tư vấn hợp lý. Trường hợp phụ huynh không thông báo sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong trường”, cô Trâm nói.
Trường THPT Thanh Đa (quận Bình Thạnh) cũng lên phương án đón học sinh khối 10, 11 trở lại, trong đó bao gồm phương án dạy và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Dự kiến nhà trường sẽ có tổng cộng 1.510 học sinh tham gia học trực tiếp.
Thầy Lê Hữu Hân, Hiệu trưởng THPT Thanh Đa, thông tin nhà trường sẽ chia thời khóa biểu 2 buổi học trong tuần cho từng khối lớp. Khối 12 và một nửa khối 10 sẽ học buổi sáng. Khối 11 và nửa khối 10 còn lại sẽ học buổi chiều. Trường THPT Thanh Đa dự kiến không chia đôi lớp học mà giữ nguyên sĩ số 45 học sinh/lớp. Trước khi học sinh trở lại, nhà trường sẽ tiến hành tập huấn công tác phòng, chống dịch.
> Trung tâm ngoại ngữ, tin học ở TPHCM được dạy học trực tiếp từ 4/1
> TP.HCM cho các lớp 7, 8, 10, 11 đi học trở lại từ ngày 4/1
Theo ZING News