Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, tuyen sinh 2012

Tin liên quan:

Thi_tot_nghiep_THPT_2012

Năm 2012, các địa phương sẽ được chủ động trong việc chấm thi. Trong ảnh: giám khảochấm thi môn địa lý kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011 tại một hội đồng chấm thi ở TPHCM - Ảnh: Như Hùng

 

Năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ có những điều chỉnh lớn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo hướng giao cho các địa phương tổ chức kỳ thi, chủ động hoàn toàn ở các khâu coi thi, chấm thi, thanh tra thi. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT vẫn chịu trách nhiệm ra đề thi chung cho toàn quốc và tham gia giám sát kỳ thi.

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh việc đổi mới này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng:

 

- Thực tế cho thấy việc “thi cụm, chấm chéo, tăng cường thanh tra ủy quyền” không phải là giải pháp lâu dài có thể giải quyết dứt điểm tiêu cực. Thi cử có nghiêm hay không phải nhìn vào hai khâu. Thứ nhất là việc dạy học phải nghiêm, phải có giải pháp tốt, phù hợp để thúc đẩy chất lượng giáo dục, cung cấp đủ kiến thức, kỹ năng cho học sinh cuối cấp tự tin bước vào kỳ thi. Thứ hai là đội ngũ giáo viên và quản lý giáo dục ở các cơ sở. Bộ GD-ĐT không thể thực hiện cách này cách kia để mong giảm bớt tiêu cực mà chỉ nên là cơ quan tạo cơ chế cho các địa phương phải làm nghiêm. Bởi nếu địa phương không phải tự chịu trách nhiệm, nếu không muốn làm nghiêm, họ có thể che đi hết những tiêu cực mà Bộ GD-ĐT không kiểm soát được.

 

* Như vậy, theo thứ trưởng, “thi cụm, chấm chéo” không hiệu quả? Từ chỗ “kiểm soát toàn bộ các khâu” đến chỗ giao chủ động quá nhiều, bộ có quá mạo hiểm không?

 

- Bộ GD-ĐT rút kinh nghiệm từ thực tế các kỳ thi đã qua và thấy cần có những điều chỉnh. Giao chủ động cho địa phương không có nghĩa là bộ buông lỏng, mà để những người đứng đầu ngành giáo dục của các địa phương phải chịu trách nhiệm về kỷ cương kỳ thi, từ đó chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Giao chủ động cho địa phương thì phải chấp nhận có nơi làm không nghiêm. Nhưng đó chỉ là tạm thời. Về lâu dài họ sẽ phải coi trọng chất lượng thật. Người đứng đầu ngành giáo dục ở các địa phương sẽ phải đối chất, giải thích với chính lãnh đạo các tỉnh, thành và người dân ở địa phương nếu không có giải pháp duy trì chất lượng giáo dục.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

 

* Thực tế đã có những giám đốc sở GD-ĐT muốn “dạy học thật, thi thật”, nhưng chỉ vì bị lãnh đạo cấp tỉnh ép phải có thành tích, có tỉ lệ tốt nghiệp cao nên phải nhắm mắt bỏ qua tiêu cực?

 

- Kết quả thi tốt nghiệp sẽ được công khai cùng những số liệu khác thể hiện chất lượng giáo dục. Khi đó người ta có thể so sánh và biết ngay chất lượng giáo dục thật sự như thế nào. Nếu chất lượng giáo dục không tương ứng với kết quả thi tốt nghiệp, giám đốc sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm với lãnh đạo tỉnh, thành, các chủ tịch hội đồng coi thi, chấm thi sẽ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo sở GD-ĐT. Về phía Bộ GD-ĐT, sẽ phải điều chỉnh quy định về thi đua để tránh bệnh thành tích của các sở GD-ĐT.

 

* Những số liệu nào sẽ được công khai để làm cơ sở so sánh với kết quả thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh, thành?

 

- Đó là điểm số của học sinh dự thi vào các trường đại học, cao đẳng, TCCN và tỉ lệ đỗ. Hằng năm, cùng với thống kê của Bộ GD-ĐT, người dân có thể biết thông tin về kết quả tuyển sinh từ các kênh khác. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT đã và đang triển khai việc đánh giá chất lượng học sinh toàn quốc. Kết quả này sẽ được công khai, ngoài việc để các địa phương và xã hội tham khảo, so sánh với kết quả thi tốt nghiệp THPT, đây cũng là dữ liệu để các nhà trường, các địa phương có chất lượng giáo dục chưa tốt rút kinh nghiệm và cố gắng hơn.

 

Từ năm 2009, Bộ GD-ĐT đã thực hiện thí điểm việc đánh giá học sinh lớp 6 và lớp 9, mỗi tỉnh khảo sát, đánh giá trên khoảng 30% tổng số học sinh. Hiện nay đã có kết quả. Trên cơ sở thí điểm, Bộ GD-ĐT đang thực hiện đánh giá học sinh lớp 11 trên toàn quốc và hoàn thành vào năm 2012. Sắp tới sẽ tiến hành đánh giá định kỳ tất cả học sinh các cấp học trên toàn quốc.

 

* Đã chủ trương “giao chủ động để các địa phương chịu trách nhiệm với kỳ thi”, vì sao Bộ GD-ĐT không giao cho các địa phương tự ra đề thi, tùy theo trình độ học sinh các vùng miền khác nhau, các tỉnh, thành có thể ra đề thi ở mức độ phù hợp?

 

- Bộ ra đề thi với quy trình chặt chẽ nhưng những năm qua vẫn có những sai sót. Việc để các địa phương tự ra đề càng khó tránh khỏi sai sót, không đảm bảo tính bảo mật. Trên thực tế, với việc “tự ra đề” ở các kỳ thi, kiểm tra cấp trường, sở, không ít địa phương cũng để xảy ra sự cố sai sót, ra đề quá trình độ học sinh, lộ đề... Hơn nữa, việc Bộ GD-ĐT quyết định sẽ tiếp tục ra đề thi chung cho toàn quốc trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012 là muốn học sinh cả nước được đánh giá trên một mặt bằng chung. Với mặt bằng chung đó, sẽ dễ dàng nhìn thấy những nơi nào mạnh, nơi nào còn bất cập để điều chỉnh, khắc phục.

 

* Vậy kỳ thi năm 2012, Bộ GD-ĐT sẽ tham gia giám sát coi thi ở mức độ nào?

 

- Bộ GD-ĐT sẽ không có thanh tra cắm chốt tại các địa phương nhưng sẽ có những đoàn thanh tra lưu động. Những đoàn thanh tra này sẽ làm việc độc lập và không báo trước địa điểm sẽ đến. Bộ GD-ĐT vẫn thực hiện hậu kiểm nếu có dấu hiệu bất thường xảy ra ở các khâu coi thi, chấm thi.



Tuyển sinh, tuyen sinh 2012, thông tin tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh

Kenhtuyensinh (SGGP)