Sự kiện: Tuyển sinh, thông tin tuyển sinh

Ông Trần Thanh Đức, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, cho rằng với cách tổ chức kỳ thi tốt nghiệp như hiện nay, tình trạng so sánh kết quả của học sinh giữa tỉnh này với tỉnh kia khiến kết quả ít trung thực vì các tỉnh chạy đua thành tích với nhau. Do Bộ GD-ĐT ra đề thi, khâu tổ chức hội đồng thi, bảo mật đề thi cũng rất vất vả. Bộ GD-ĐT không thể nắm và kiểm soát nổi khi tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia như vậy.


Nhẹ nhàng hơn

“Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay phức tạp quá, nếu giao về cho các sở GD-ĐT tổ chức thì sẽ nhẹ nhàng hơn. Các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm cao hơn với chất lượng giáo dục của địa phương mình” - ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Lắk, nêu ý kiến và nói rõ rằng mỗi tỉnh có một hoàn cảnh khác nhau, giao tổ chức kỳ thi này cho từng tỉnh là để họ chủ động, linh hoạt hơn trong khâu dạy và thi.

 

Tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, tuyen sinh dai hoc, lang phi tai nguyen su pham

Hình minh hoạ, chủ đề Thông tin tuyển sinh


Cùng quan điểm, ông Đổng Ngọc Lập, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh, cho rằng có sở GD-ĐT đã tự tổ chức thi thử thì với kỳ thi này, họ cũng có thể làm được do các khâu tổ chức không khác nhau là mấy. Cái được là các sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn với việc bảo đảm tính trung thực và chất lượng học sinh.


Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế, trong hội nghị giao ban của 6 tỉnh Bắc Trung Bộ vừa qua, các tỉnh thống nhất cao trong việc đề nghị Bộ GD-ĐT giao kỳ thi tốt nghiệp THPT về cho các sở GD-ĐT tổ chức. Bởi lẽ với kỳ thi như hiện tại, số lượng thanh tra Bộ GD-ĐT ở các tỉnh đã giảm nên vai trò giám sát theo đó cũng mờ nhạt, việc chuyển giao đề thi cũng như bài thi khá nguy hiểm, phức tạp, tốn kém...



Mỗi nơi một cảnh

Do đặc thù khác nhau của mỗi địa phương, việc để các địa phương ra đề, tự chủ động tổ chức thi thì sẽ tiện lợi và phù hợp hơn. Hơn nữa, đặc trưng văn hóa của các địa phương có nét khác nhau nên nếu địa phương dựa trên chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ GD-ĐT và tự ra đề thì đề sẽ phản ánh được bản sắc văn hóa vùng đó, cũng như giúp học sinh sẽ thấy đề thi gần gũi hơn.


Đó là chưa tính thời gian khai giảng năm học ở từng địa phương cũng có sự khác nhau tùy theo điều kiện hoàn cảnh về thời tiết, tự nhiên… nên việc để địa phương tự quyết định thời gian thi tốt nghiệp sẽ giúp họ chủ động trong việc dạy và học. Bộ GD-ĐT chỉ cần ra quy định thời hạn cuối cùng để các sở tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tham dự kỳ thi ĐH, CĐ.


Bà Hà cũng bày tỏ thêm là nếu giao cho các sở thì bộ nên giao tất cả các khâu từ ra đề, coi thi, chấm thi cho đến xây dựng đáp án, ấn định thời gian thi... Tuy nhiên, cần xây dựng lộ trình thích hợp. Ban đầu, Bộ GD-ĐT vẫn ra đề thi chung nhưng dần dần sẽ chỉ đóng vai trò giám sát và cố vấn. Về lâu dài, tiến tới giao quyền tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho hiệu trưởng của các trường.



Chuyển mục tiêu chạy đua

Ông Trần Thanh Đức đề nghị một khi đã giao quyền tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cho các sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT chỉ nên đóng vai trò giám sát và kiểm định chất lượng để đảm bảo trình độ học sinh các tỉnh đều đạt chuẩn. “Lúc này, tình trạng chạy đua thành tích theo tỉ lệ tốt nghiệp giữa các tỉnh cũng sẽ không còn nữa. Mỗi tỉnh mỗi đề, mặc dù mục tiêu là đạt chuẩn chung do Bộ GD-ĐT đề ra nhưng không thể so sánh kết quả thi của học sinh tỉnh này với tỉnh khác. Mục tiêu chạy đua của các tỉnh sẽ chuyển qua là kết quả kỳ thi ĐH, CĐ.



Cần làm ngay !


Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT trực tiếp điều hành nhưng vẫn không chống được bệnh thành tích. Nếu giao về các sở GD-ĐT thì ít nhất tình hình cũng không xấu hơn bây giờ. Một khi đã tin tưởng giao về các sở thì các sở sẽ có trách nhiệm hơn. Nếu địa phương nào vẫn chạy theo bệnh thành tích thì kết quả thi tuyển sinh ĐH sẽ là sự kiểm tra chéo.


Đậu tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng mà không mấy thí sinh đậu ĐH thì người dân và HĐND tỉnh, TP sẽ có ý kiến. “Hiện việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT đều do các sở tự làm trừ khâu ra đề thi, chỉ đạo chấm thi là của Bộ GD-ĐT. Trong khi đó, những khâu này các sở đều đủ trình độ chuyên môn để làm.


Nếu đưa kỳ thi này về cho các địa phương tổ chức, Bộ GD-ĐT chỉ đóng vai trò thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Đây cũng là chức năng đúng tầm của Bộ GD-ĐT. Việc này nên làm liền vì Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT còn chưa tới một năm để chuẩn bị” - GS Thuyết nói.

Kênh Tuyển Sinh (nld)