Trước thông tin đề thi tốt nghiệp THPT 2021 môn Sinh giống với đề ôn tập đến 90%, TS Phạm Văn Lập nhấn mạnh cần điều chỉnh quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT.

Số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT nói gì?

Số lượng thí sinh trúng tuyển cao hơn chỉ tiêu, Bộ GD&ĐT nói gì?

Trong đợt tuyển sinh 2021, một số trường đưa ra danh sách trúng tuyển với số lượng lớn hơn chỉ tiêu tuyển sinh đã công bố nhiều lần, thậm chí gấp gần 16 lần.

TS Phạm Văn Lập - chủ biên sách giáo khoa Sinh học lớp 10 và 12 hiện hành, đồng thời từng có nhiều năm tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi môn Sinh học - cho rằng đề thi tốt nghiệp giống nội dung ôn tập đến hơn 90% là bất thường, không thể lấy việc đề chỉ xoay quanh một số vấn đề để giải thích cho tỷ lệ đoán trúng cao như vậy.

“Về mặt lý thuyết, nếu đề làm ngẫu nhiên, xác suất trùng như thế là không tưởng. Tất nhiên, mọi việc cần được điều tra thêm, chỉ cần làm việc nghiêm túc với người ra đề, tham gia vào quy trình ra đề sẽ sáng tỏ ngay”, TS Lập nêu ý kiến.

Ông cũng nhấn mạnh quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại cần được điều chỉnh, không chỉ riêng môn Sinh học mà còn những môn khác. Khi đề thi môn trùng lặp nội dung ôn tập, xã hội sẽ nghi ngờ.

Liên quan vụ việc, TS Phạm Văn Lập đánh giá Bộ GD&ĐT vào cuộc chậm. "Đến khi báo chí thông tin, bộ mới thừa nhận có yếu tố không bình thường và đang xem xét trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định. Như vậy, tôi cho rằng rõ ràng đang có điểm không ổn", TS Lập nói.

Ông nhấn mạnh sự việc hoàn toàn có thể làm rõ khi được điều tra cẩn thận và đặc biệt cần làm rõ sai phạm liên quan vì năm 2022, kỳ thi tốt nghiệp THPT về cơ bản giữ nguyên như năm nay.

TS Phạm Văn Lập: Quy trình làm đề thi tốt nghiệp THPT hiện tại cần được điều chỉnh - Ảnh 1

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020

Trước đó, bất thường trong đề thi Sinh học tốt nghiệp THPT năm 2021 được thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI (Hà Nội), lên tiếng từ giữa tháng 7, thời điểm ngay sau kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1.

Thầy Hiền cho biết ông đã 2 lần gửi thư đến Bộ GD&ĐT, đồng thời gửi các đơn kiến nghị. Tuy nhiên, các lần hồi đáp trước đây (mới nhất là ngày 16/11 từ Bộ trưởng GD&ĐT) đều có chung một nội dung là "đang xác minh, chưa có đủ căn cứ xác minh dấu hiệu vi phạm".

Bản thân thầy cũng không trực tiếp nhận kết luận của tổ công tác dù là người gửi tâm thư cùng những bằng chứng, đề nghị làm rõ vụ việc.

Biên bản làm việc của tổ công tác liên ngành được đưa ra vào đầu tháng 8, trong đó nêu các điểm trùng lặp, số liệu và khẳng định có bất thường.

Thầy Đinh Đức Hiền cho rằng từ kết luận của các chuyên gia trong tổ công tác, Bộ GD&ĐT cần làm rõ ai sai phạm, sai phạm đến đâu, liệu đây có phải là lộ, lọt đề thi hay không. Nếu có vi phạm pháp luật, cần xử đúng người, đúng tội.

Đến tháng 12, khi báo chí đưa tin nội dung biên bản của tổ công tác liên ngành, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ mới cho hay bộ đã ghi nhận yếu tố không bình thường liên quan việc luyện thi, đề thi.

Ông Độ cũng thông tin lãnh đạo bộ đã và đang chỉ đạo triển khai ngay việc rà soát, điều chỉnh các khâu có liên quan kỳ thi, đặc biệt là khâu đề thi để bảo đảm việc tổ chức thi thời gian tới được chặt chẽ nhất.

Theo ZING News