Dạy con từ thuở còn thơ là cách để con trưởng thành, phát triển và gắn kết hơn với các thành viên trong gia đình. Đây đồng thời là cách hữu hiệu để con trẻ được hạnh phúc.
1. Cho con thời gian rảnh
Nhiều cha mẹ muốn con thành công đến mức ép có mặt tại rất nhiều lớp học thêm. Trong khi đó, con có thể tham gia các lớp học đàn, múa, võ..., những thứ chúng thực sự thích và tốt cho sự phát triển, giải tỏa căng thẳng.
Cũng như người lớn, trẻ em cần dành thời gian nghỉ ngơi. Bắt con bận bịu cả ngày và làm những việc không muốn chỉ khiến con cảm thấy quá tải và có thể có hành vi chống đối.
TOP 10 điều cha mẹ nên làm để con trẻ được hạnh phúc
2. Không cố gắng trở thành cha mẹ hoàn hảo
Đôi khi chính người lớn đặt ra những mục tiêu cao hơn nhiều so với những gì mình có vì mong muốn bản thân trở nên hoàn hảo trong mắt con cái. Một khi cha mẹ đặt ra những tiêu chuẩn không thể cho mình, họ cũng sẽ đặt con cái vào những kỳ vọng không thực tế. Phương pháp này khiến cha mẹ loay hoay trong cách thể hiện cảm xúc và cố gắng kiểm soát mọi thứ.
3. Dạy con bài học từ sai lầm thay vì chỉ biết xử phạt
Trẻ em bắt chước và học theo hành vi của người lớn. Nếu con làm gì sai, cha mẹ nên dùng những phương pháp tích cưc, giải thích cho con hiểu tại sao hành vi này không được chấp nhận. Trừng phạt đôi khi khiến con không hiểu được hệ quả do hành động đó gây ra và lý do mình bị phạt. Trẻ em nên được cho cơ hội sửa sai với sự giúp đỡ của người lớn.
4. Tạo ra những kỷ niệm hạnh phúc cho con
Những ký ức đẹp khi còn nhỏ sẽ giúp một đứa trẻ biết cách phản ứng với những sự kiện tương tự sau này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra những đứa trẻ có nhiều ký ức hạnh phúc sẽ lớn lên khỏe mạnh, hài lòng với cuộc sống vì có cái nhìn tích cực và kỹ năng giải quyết căng thẳng tốt hơn. Những đứa trẻ này ít có khả năng bị trầm cảm và có xu hướng xây dựng mối quan hệ lành mạnh hơn với mọi người.
5. Ưu tiên nỗ lực hơn kết quả
Đôi khi trong cuộc sống, mọi thứ không đi theo kế hoạch dù chúng ta đã cố gắng rất nhiều. Nếu con không may gặp phải điều này, cha mẹ hay ghi nhận nỗ lực của con thay vì chỉ nhìn vào kết quả. Trước khi muốn con đủ mạnh mẽ để vượt qua thất bại, cha mẹ cần giúp con thấy nỗ lực đã bỏ ra được trân trọng và ghi nhận.
6. Để con làm những việc vừa sức
Khi được tiếp xúc với những công việc vừa sức, trẻ em nhận thức đây là một phần của cuộc sống, phải tự bỏ sức ra để làm vì không ai làm hộ mãi được. Điều này giúp con có xu hướng chủ động, kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn khi lớn lên.
7. Dạy con nhận ra cảm xúc của mình
Bỏ qua những cảm xúc tiêu cực không có nghĩa chúng sẽ biến mất. Vì vậy, thay vì dạy con "đừng nghĩ đến chuyện đó nữa", cha mẹ có thể khuyến khích con nói ra và có thể khóc, không nên kìm nén cảm xúc. Sau đó, việc phụ huynh cần làm là tìm hiểu lý do khiến con cảm thấy tiêu cực, tìm cách giải quyết, đồng thời dạy con thể hiện cảm xúc một cách lành mạnh và lịch sự.
8. Để con là chính mình
Một số cha mẹ xây dựng hình tượng và tiêu chí của một đứa trẻ hoàn hảo rồi áp đặt lên con mình với mong muốn con sẽ cố gắng để đạt điều đó. Tuy nhiên, việc này ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tự trọng của con, khiến con cảm thấy bực bội và thất vọng về bản thân, né tránh và không muốn đến gần cha mẹ.
9. Cho trẻ thấy tiền không phải là vấn đề
Người Hà Lan lựa chọn một lối sống đơn giản với các hoạt động có chi phí thấp, dễ tiếp cận. Ở đây, trẻ em đã quen với những món đồ chơi cũ vì chúng biết rằng, nếu muốn thứ gì đó, chúng phải làm việc để có được nó. Điều này giúp trẻ sống thực tế và không lo lắng về tình hình tài chính của mình.
Ngay cả khi tổ chức sinh nhật, trẻ Hà Lan cũng không mong đợi những món quà đắt tiền. Có cả một hiệp ước ngầm rằng những món quà sinh nhật không nên cao hơn 10 euro (khoảng 255.000 đồng) bởi trẻ ở Hà Lan được dạy nên cùng nhau vui chơi thay vì khoe khoang tiền bạc.
10. Tạo ra luật lệ riêng trong gia đình
Điều quan trọng tạo nên giá trị trong việc nuôi dạy con cái của người Hà Lan là lập nên những thói quen hàng ngày. Thói quen sẽ giúp cha mẹ kiểm soát được hoạt động của con cái hiệu quả hơn. Ví dụ như khi có lịch trình nghiêm ngặt, trẻ sẽ biết khi nào nên ăn, đi ngủ hay chơi với bạn bè.
Bằng cách này, bố mẹ sẽ cảm thấy ít bị rắc rối hơn vì con sẽ không đòi ăn hay ngủ vào những lúc bố mẹ đang bận. Nó cũng giúp xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ.
Về việc ăn uống, người Hà Lan thực sự coi trọng những bữa ăn gia đình. Họ không cố gắng bắt trẻ ăn rau vào bữa tối hay cắt giảm các thực phẩm chứa nhiều chất béo. Đối với người dân Hà Lan, bữa ăn gia đình là điều thiêng liêng vì họ có thể gắn kết nhau qua những cuộc trò chuyện, từ đó các thành viên sẽ trở nên thấu hiểu và gần gũi nhau hơn.
> TOP 14 kỹ năng mà trẻ cần thành thạo trước khi tới trường
> TOP 7 thói quen xấu ảnh hưởng đến trí tuệ của trẻ
Theo Kênh tuyển sinh tổng hợp