Học bổng Chevening là một trong những học bổng danh giá nhất Vương quốc Anh, với tỷ lệ cạnh tranh đặc biệt cao, khi có tới 130 nước tham gia với hơn 100.000 thí sinh.
Chính phủ Anh chỉ cung cấp 45 suất (25 nam và 20 nữ) mỗi năm cho học bổng thạc sĩ danh giá này. Không đơn giản là học bổng dành cho những nhân tài có thành tích học tập xuất sắc, học bổng Chevening có mục tiêu hướng đến các thí sinh có tiềm năng làm lãnh đạo, với thành tích tham các hoạt động ngoại khóa nổi bật.
Nếu muốn chinh phục học bổng danh giá này, bạn sẽ cần tham khảo qua một số các bí quyết viết bài luận từ những người đã thành công.
1. Bốn bí quyết viết bài luận định hướng nghề nghiệp cho học bổng Chevening
Hoàng Thắng, người giành học bổng Chevening khoá 2021-2022 cho rằng, bài luận định hướng nghề nghiệp (Career plan) nên thể hiện sự trưởng thành và khác biệt.
Hoàng Thắng (Micheal Hoang), sinh năm 1987, là cựu sinh viên ngành Kinh tế đối ngoại, Đại học Ngoại thương và ngành Luật Kinh doanh tại Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Anh từng tốt nghiệp Thạc sĩ Luật Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Kyushu, Nhật Bản và làm việc tại Viện Kiểm sát nhân dân tối cao từ năm 2011-2021.
Nhận thấy hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, năm 2021, Thắng quyết định ứng tuyển và giành học bổng Chevening để theo học thạc sĩ Luật Sở hữu trí tuệ tại Đại học Queen Mary, London. Anh hoàn thành khoá học thạc sĩ hôm 19/9.
Từ kinh nghiệm của bản thân, Thắng nhận định trong bốn bài luận của hồ sơ xin học bổng Chevening (Leadership, Networking, Studying in the UK và Career Plan), Career plan là bài luận cơ sở để phát triển các bài luận còn lại dễ dàng và thuyết phục hơn.
Anh đưa ra bốn kinh nghiệm của bản thân khi viết bài luận này.
1.1 Rõ ràng về định hướng nghề nghiệp tương lai
Theo Hoàng Thắng, học bổng Chevening tìm các ứng viên có định hướng rõ ràng "Bạn là ai - trong khoảng thời gian ít nhất là 5-10 năm tới?". Không chỉ điểm tên từng mục tiêu cụ thể, ứng viên cần đưa ra và phân tích các cơ sở hợp lý để đạt được những mục tiêu đó, để Hội đồng tuyển chọn thấy được kế hoạch nghề nghiệp đó là khả thi.
"Bạn không thể giành được học bổng nếu định hướng nghề nghiệp còn mơ hồ theo kiểu vừa đi vừa dò", anh nói và nhấn mạnh kế hoạch nghề nghiệp rõ ràng là vũ khí không thể thiếu, thậm chí mang tính quyết định để chiếm được tình cảm và chinh phục hội đồng tuyển chọn.
Thạc sĩ Hoàng Thắng
1.2 Khả năng đóng góp cho xã hội
Học bổng Chevening tìm kiếm những ứng viên có khả năng mang lại giá trị, lợi ích cho xã hội. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng tạo nên sự khác biệt giữa ứng viên này với ứng viên khác. Do vậy, ứng viên cần cho hội đồng tuyển chọn thấy được bản thân mình có giá trị cho xã hội và cộng đồng thế nào thông qua kế hoạch nghề nghiệp.
Theo Thắng, việc đóng góp cho xã hội (trực tiếp hoặc gián tiếp) của mỗi cá nhân cần gắn liền với sự phát triển của mối quan hệ giữa Việt Nam và Vương quốc Anh, cũng như gắn với các hoạt động hợp tác, hỗ trợ phát triển của Anh tại Việt Nam và khu vực mà Việt Nam là thành viên như ASEAN, Châu Á - Thái Bình Dương.
1.3 Hiểu mục tiêu nghề nghiệp như thế nào được đánh giá cao
Hoàng Thắng lưu ý, không ít bạn trẻ cho rằng cần phải đặt ra mục tiêu trở thành người giữ vị trí rất cao trong hệ thống chính trị hoặc trong xã hội để gây ấn tượng mạnh với hội đồng tuyển chọn. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ "không hoàn toàn hợp lý".
Mỗi người có một mục tiêu nghề nghiệp riêng. Các ứng viên có thể có định hướng trở thành lãnh đạo trong lĩnh vực công hoặc trở thành chuyên gia trong lĩnh vực chuyên môn của mình, hoặc cũng có thể lựa chọn trở thành người phục vụ cộng đồng, chăm sóc con người, bảo vệ môi trường, hoặc tiếp tục theo đuổi lĩnh vực học thuật. Mọi ước mơ đều được tôn trọng, đánh giá cao như nhau bởi đều có giá trị đóng góp riêng.
Với kinh nghiệm của bản thân, Thắng cho rằng điều quan trọng khi nộp hồ sơ xin học bổng Chevening là ứng viên cần hiểu rõ bản chất công việc, mục tiêu mà mình đang hướng tới, chứng minh cho hội đồng tuyển chọn thấy được kế hoạch nghề nghiệp có sự gắn kết chặt chẽ với công việc đang làm, với những gì mình sẽ học ở Anh và phù hợp với điều kiện, năng lực của bản thân.
Micheal Hoàng cùng bạn bè
1.4 Tận dụng tối đa 500 từ của bài luận
Học bổng Chevening giới hạn mỗi bài luận chỉ được viết trong phạm vi tối đa 500 từ, quá một từ cũng đủ khiến hồ sơ của bạn không hợp lệ.
Trước khi viết, Hoàng Thắng cũng như nhiều ứng viên từng cho rằng 500 từ là quá nhiều và việc viết 4 bài luận với 500 từ mỗi bài quả là "cơn ác mộng".
Một số bạn đặt câu hỏi có thể viết bài luận với 250 từ, 300 từ hoặc bất cứ con số nào ít hơn 500 từ không? Theo Hoàng Thắng, câu trả lời là tất nhiên là có bởi Chevening cho phép như vậy.
Tuy nhiên, học bổng này có lý do phù hợp để đưa ra quy định về số từ tối đa. Việc gọt giũa bài luận để chỉ còn tối đa 499-500 từ là cả một quá trình cân đo, đong đếm, "đo ni, đóng giày" thực sự vất vả, đôi lúc còn rơi vào tình huống "dở khóc, dở cười" kiểu "bỏ thì thương, mà vương thì tội". Song, đó cũng như quá trình bạn gọt giũa bài luận, hoàn thiện hồ sơ.
"Ứng viên nên tận dụng tối đa số từ cho phép để thể hiện tốt nhất kỹ năng, kinh nghiệm và kế hoạch nghề nghiệp của bản thân với Hội đồng đánh giá", anh chia sẻ.
2. Viết luận Leadership học bổng Chevening thế nào khi chưa từng làm lãnh đạo?
Ứng viên Chevening phải đi tìm định nghĩa lãnh đạo cho riêng mình khi viết bài luận về tố chất lãnh đạo (Leadership).
Leadership là một trong bốn bài luận bắt buộc mà học bổng Chevening yêu cầu. Ba bài luận khác gồm Networking, Studying in the UK và Career Plan.
Anh Thư, sinh năm 1994, người giành học bổng Chevening năm 2018 chia sẻ bốn bí quyết viết bài luận này. Cô đang là nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành Quy hoạch Giao thông tại Đại học Aalto, Phần Lan.
2.1 Tìm định nghĩa "lãnh đạo"
Theo Anh Thư, để tìm ra được các chất liệu cho bài luận Leadership, đầu tiên ứng viên cần trả lời được hai câu hỏi "Lãnh đạo là người như thế nào?", "Lãnh đạo cần có tố chất gì?".
Thư cho biết, thời điểm ứng tuyển học bổng Chevening, không chỉ cô, mà nhiều ứng viên đều không làm ở vị trí lãnh đạo. Mọi người đều phải tự định nghĩa "lãnh đạo" theo cách riêng, từ đó thể hiện tố chất, tiềm năng lãnh đạo của mình trong tương lai.
Anh Thư cảm thấy khá may mắn vì trước thời điểm ứng tuyển Chevening, cô từng tham gia dịch cuốn sách "Tâm thư nhà lãnh đạo". Cô được truyền cảm hứng từ những câu chuyện lãnh đạo khác nhau và tìm thấy điểm tương đồng với bản thân trong câu chuyện của những người làm việc trong cơ quan nhà nước.
Với cô, một người lãnh đạo truyền cảm hứng là người có tầm nhìn, chủ động trong công việc, có kiến thức và khả năng ngôn ngữ linh hoạt để chia sẻ kiến thức, quan điểm. Ngoài ra, người lãnh đạo còn là người gặp khó không nản, bền bỉ với con đường mình chọn.
Anh Thư tại thành phố Brugge, Bỉ
2.2 Tìm chất liệu cho bài luận
Anh Thư cho rằng, sau khi tìm ra được định nghĩa "lãnh đạo", ứng viên hãy liệt kê các công việc, hoạt động để chứng tỏ được tố chất, tiềm năng lãnh đạo của mình. Cá nhân Anh Thư đã dành vài ngày suy nghĩ về những việc từng làm, các trải nghiệm của bản thân, cân nhắc liệu trải nghiệm đó có đủ sức nặng để chứng minh tố chất lãnh đạo không.
Theo Thư, nếu chưa định vị được chính xác về tiềm năng lãnh đạo của bản thân, ứng viên có thể tham vấn ý kiến từ thầy cô, những người quản lý. "Nhiều khi bạn tự thấy bản thân khiêm tốn, nhưng trong mắt mọi người bạn lại sáng láng và tiềm năng", cô nói.
2.3 Cấu trúc viết bài luận
Sau khi đã có chất liệu, ứng viên cần sắp xếp các ý thành một bài luận hoàn chỉnh. Ứng viên nên nghĩ rằng mình đang kể một câu chuyện về bản thân thay vì viết luận.
Theo Anh Thư, ứng viên có thể tham khảo viết bài luận theo cấu trúc STAR, gồm Situation (mô tả tình huống), Task (nhiệm vụ, trách nhiệm), Action (bạn đã làm gì để giải quyết tình huống đó), Result (kết quả của hành động).
Trong bài luận, ứng viên cần viết rõ mình đã làm gì, tránh sa đà kể chuyện tập thể. Bài luận cần thể hiện được kết quả thực tế, rằng việc đó đã giúp bạn thể hiện tố chất lãnh đạo thế nào.
2.4 Ngôn từ giản dị nhưng chân thành
Kinh nghiệm của Thư là sau khi đã soạn thảo xong bản nháp của bài luận, bạn nên dành một vài ngày không đọc nó nữa, để quên hẳn những gì đã viết. Sau đó, bạn đọc lại, xem bài viết của mình đã thuyết phục, mạch lạc và rõ ràng chưa. Thư cho rằng, ngôn từ bài luận có thể đơn giản, nhưng cần chân thành, mạch lạc, rõ ràng.
Khi viết xong bài luận, Thư đã đọc lại câu chuyện của mình cho bố nghe bằng cách dịch thô sang tiếng Việt. Cô cho rằng, cách này giống một bài kiểm tra để đảm bảo rằng không cần câu từ hoa mỹ, người đọc bài luận vẫn thấy đúng con người ứng viên trong hành trình tìm kiếm, định vị bản thân, chứ không phải một chân dung được dàn dựng bởi ngôn từ.
"Mỗi người sẽ có cách riêng để khám phá và thể hiện tố chất lãnh đạo phù hợp với bản thân trong bài luận Leadership, không nhất thiết phải đi theo khuôn mẫu nào cả", Thư nói.
3. Bí quyết viết bài luận Networking của học bổng Chevening
Thay vì chỉ thể hiện mình quen biết rộng, ứng viên học bổng Chevening nên kể câu chuyện có chiều sâu trong bài luận về mạng lưới quan hệ (Networking).
Networking là một trong bốn bài luận được yêu cầu của học bổng Chevening, nhằm đánh giá kỹ năng xây dựng và duy trì các mối quan hệ của ứng viên. Ba bài luận khác gồm Leadership, Studying in the UK và Career Plan.
Dưới đây là chia sẻ của Nguyễn Tú, sinh năm 1997, về các bí quyết viết bài luận Networking. Tú giành học bổng Chevening của chính phủ Anh năm 2021 và nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Giới, Giáo dục và phát triển tại University College London hôm 26/9. Trước đó, Tú theo học chuyên ngành Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại Đại học Ngoại thương và làm việc tại tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam.
3.1 Hiểu rõ điều Chevening muốn thấy ở bạn
Nguyễn Tú cho biết, khi xem hồ sơ ứng tuyển, nhiều người có thể sẽ thấy bài luận Leadership (lãnh đạo) và Networking hơi giống nhau, khó phân định thông điệp, câu chuyện cho từng bài. Điều này hoàn toàn hiểu được bởi khả năng lãnh đạo và xây dựng mối quan hệ có sự liên hệ mật thiết. Cả hai đều cần khả năng kết nối, tạo ảnh hưởng với các mối quan hệ xung quanh. Tuy nhiên, qua mỗi bài luận, Chevening sẽ tìm kiếm những tố chất cụ thể riêng.
Theo Tú, qua bài luận Networking, hội đồng học bổng Chevening tìm kiếm những cá nhân có khả năng xây dựng các mối quan hệ bền vững trong công việc. "Bởi họ chính là những người sẽ tham gia vào cộng đồng Chevening để lan tỏa sức ảnh hưởng và dẫn dắt những người khác trong lĩnh vực của mình", Tú lý giải.
Nguyễn Tú trên đường Kingsway, gần bờ sông Thames, London, Anh
Tú nhấn mạnh, học bổng Chevening đề cập rất thẳng thắn về chân dung mà học bổng tìm kiếm. Các từ khóa trong câu hỏi cũng gợi ý một số điểm mà ứng viên cần thể hiện trong bài luận.
Thứ nhất, ứng viên cần nói về các mối quan hệ trong khía cạnh chuyên môn và lĩnh vực mà mình đang công tác, học tập, hoạt động, không phải các mối quan hệ cá nhân như bạn bè, gia đình.
Thứ hai, người viết cần có thông tin rõ ràng với con số, nhân vật, câu chuyện để thể hiện cách bản thân đã xây dựng và duy trì các mối quan hệ, cũng như tác động của các mối quan hệ này đối với cộng đồng và sự phát triển của bản thân.
Thứ ba, ứng viên cần nói về dự định, mục tiêu khi phát triển mạng lưới quan hệ trong tương lai. Chẳng hạn, đặt mình trong bối cảnh sẽ trở thành người nhận học bổng Chevening, đi học ở Anh và gặp gỡ rất nhiều người trong mạng lưới Chevening, bạn dự định sẽ tận dụng và đóng góp vào cộng đồng này như thế nào. Từ đó, ứng viên hãy thử phác họa mục tiêu mà Chevening tìm kiếm và liên hệ với trải nghiệm của chính mình trong những năm vừa qua.
Bạn thấy ấn tượng khi được gặp gỡ và kết nối với những ai? Bạn và họ đã để lại cảm nhận, dấu ấn gì cho nhau? Mối quan hệ đã hỗ trợ bạn ra sao trong hành trình bạn tìm thấy bản thân, phục vụ một cộng đồng hoặc hoàn thành một dự án, công việc?
"Các câu hỏi bạn đặt cho chính mình có thể là chỉ dẫn quan trọng để bạn nhận ra mình đã xây dựng, duy trì những mối quan hệ có ảnh hưởng đến nhường nào", Tú nói.
3.2 Xây dựng hình ảnh trung thực, nhất quán
Sự nhất quán là yếu tố quan trọng trong bài luận và cả bộ hồ sơ. Hội đồng tuyển chọn vòng hồ sơ sẽ không có cơ hội gặp mặt trực tiếp để cảm nhận cụ thể về con người bạn. Vì thế, theo Tú, ứng viên hãy xác thực những năng lực, mối quan hệ mà mình đã xây dựng.
"Hãy thử đặt mình vào vị trí của người đọc bài luận để hình dung trải nghiệm của họ: Họ cần thấy điều gì để hiểu về bạn nhiều nhất có thể qua 500 chữ? Làm sao để họ tin đây chính là bạn? Làm sao để khi đọc xong, họ vẫn nhớ đến câu chuyện của bạn?", Tú gợi ý.
Theo Tú, mỗi người sẽ có những chiến lược, cách thức riêng khi xây dựng hình ảnh bản thân. Lời khuyên của Tú là hãy đảm bảo bạn xây dựng một hình ảnh trung thực với những giá trị bạn tin tưởng; đặt mình vào vị trí của người đọc hồ sơ; sử dụng các kỹ thuật viết mạch lạc, rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề.
3.3 Không nên chỉ thể hiện mình quen biết rộng
Về điều này, theo Tú, thay vì thể hiện mình "quen biết rộng", hãy để hội đồng xét duyệt học bổng thấy chiều sâu trong cách bạn nghĩ và kết nối các mối quan hệ.
Tú lưu ý, ứng viên không cần giấu nhẹm các mối quan hệ với những người hoặc tổ chức có tầm ảnh hưởng vì đó là những ví dụ rất cụ thể, thuyết phục về khả năng kết nối và lan tỏa ảnh hưởng. Tuy vậy, nếu ứng viên chỉ liệt kê thì chưa đủ. Ứng viên hãy chia sẻ sâu hơn về quá trình xây dựng mối quan hệ và liên kết với hành trình phát triển của bản thân. Ví dụ lý do nào thôi thúc bạn kết nối với người này, cộng đồng này? Bạn đã làm gì để mối quan hệ trở nên bền vững, tốt đẹp hơn? Bạn nhận được điều gì và đã tạo ra tác động gì thông qua mối quan hệ?
Tương tự, khi lựa chọn câu chuyện để kể trong bài luận, ứng viên nên ưu tiên "ánh đèn sân khấu" cho những mối quan hệ đã giúp bạn học được nhiều nhất và tạo ra những tác động mạnh mẽ nhất. Đó sẽ là không gian để bạn thể hiện chiều sâu của bản thân qua từng suy nghĩ, niềm tin, cảm xúc và hành động chân thành, thực tế.
Và dù chọn câu chuyện nào để kể, ứng viên cũng cần thể hiện được kỹ năng của mình. "Chẳng có mối quan hệ nào trở nên tốt đẹp mà không nhờ sự nuôi dưỡng, vun đắp. Hãy cho người đọc thấy những chi tiết thể hiện tính chủ động, cầu thị, linh hoạt, can đảm... khi bạn xây dựng các mối quan hệ quanh mình", Tú nói.
3.4 Suy ngẫm
Với Tú, điều ý nghĩa nhất trong quá trình viết luận Networking chính là cơ hội được suy ngẫm lại những trải nghiệm, con người, câu chuyện đã qua. Người viết sẽ nhớ đến rất nhiều người mình từng kết nối và rất nhiều sự kiện, nhưng việc chắt lọc, phản ánh thành một câu chuyện, một thông điệp về mình đòi hỏi quá trình tư duy, suy ngẫm bền bỉ, dài lâu. Vì thế, ứng viên có thể sẽ cần nhiều cuộc đối thoại với mọi người và nhiều cuộc tự vấn; có thể mất vài tuần mới viết được dòng đầu tiên.
"Từ quá trình ấy, rất có thể một câu chuyện chân thực, một thế giới quan sâu sắc, hoặc một con người mới... sẽ ra đời", Tú nói và cho rằng đây là trải nghiệm quý giá không phải lúc nào cũng có trong cuộc đời.
> Những điều bạn cần biết về điều kiện du học Anh 2022
> Tại sao nên du học Anh bằng tiến sĩ?
Theo Kênh Tuyển Sinh tổng hợp